(Tổ Quốc) - Con dù trưởng thành đến mấy thì vẫn là một đứa trẻ và việc gánh vác trách nhiệm quá nhiều sẽ tổn hại đến tinh thần của con.
Với những gia đình đông con, bố mẹ thường giao cho con cả trọng trách trông những đứa em. Bố mẹ cho rằng, đây vừa là cách giúp con học được tính trách nhiệm vừa giúp gắn kết tình cảm gia đình. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thêm thời gian rảnh rỗi để làm những việc khác.
Tuy nhiên theo trang tin Brightside việc bắt con cái trông em đôi khi sẽ mang đến những hậu quả tiêu cực. Cụ thể như sau:
Bố mẹ giao cho con quá nhiều trách nhiệm
Việc bố mẹ giao một số trách nhiệm cho những đứa con lớn trong gia đình chẳng hạn như trông em là chuyện bình thường. Tuy nhiên, bố mẹ cần phân biệt giữa trông coi ngắn hạn và trông coi dài hạn.
Nếu bố mẹ đang bận làm việc hoặc đang nấu ăn dở và nhờ con lớn để mắt đến con nhỏ một lúc thì không sao. Còn nếu bạn luôn phó thác toàn bộ việc trông em cho con vào mọi lúc thì đó thực sự là vấn đề. Bởi con thể bị "chín ép", phải trưởng thành sớm hơn để hoàn thành nhiệm vụ mà bố mẹ giao. Đôi khi việc trông em cũng trở thành gánh nặng của con, khiến con không có thời gian cho các công việc cá nhân của mình.
Nên nhớ, con dù trưởng thành đến mấy thì vẫn là một đứa trẻ và việc gánh vác trách nhiệm quá nhiều sẽ tổn hại đến tinh thần của con. Trong trường hợp con không may làm em ngã hay một tai nạn nào đó xảy ra, con sẽ luôn cảm thấy tội lỗi và bứt rứt.
Con không phải là chuyên gia chăm sóc trẻ
Nhiều cha mẹ coi con cả như một bảo mẫu, giúp mình chăm sóc con út. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, dù con có nhiệt tình chăm em đến mấy thì về bản chất, con vẫn là một đứa trẻ và đừng mong đợi quá nhiều vào độ chu đáo, cẩn thận. Một đứa trẻ không thể biết cách thay tã hay cho đứa trẻ khác ăn đúng cách. Trong nhiều trường hợp, con thậm chí có thể làm em bị thương vì sự bất cẩn của mình.
Nhờ con giúp đỡ trông em là điều bình thường nhưng bố mẹ cần chọn công việc thích hợp, phù hợp với độ tuổi của con. Chẳng hạn nhờ con đọc truyện tranh hay cùng ngồi chơi đồ hàng với em,... Đó mới là cách bố mẹ nhờ con trông nom, chăm sóc em.
Bố mẹ đang bắt con phải hy sinh
Những đứa trẻ là con một thường phải chịu ít trách nhiệm hơn so với những trẻ có anh chị em. Nếu con một có thể tung tăng ra ngoài nô đùa sau khi đã làm xong bài tập và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ,... thì những đứa trẻ có em đôi khi không có khoảng thời gian cho riêng mình. Trẻ không thể tham gia các hoạt động vui chơi với bạn bè vì còn bận bế em, canh cho em ngủ.
Bố mẹ hãy nhớ, điều quý giá nhất đối với một đứa trẻ là tuổi thơ. Đừng bắt con phải hy sinh tuổi thơ của mình để thay tã, pha bình sữa giúp em,... Bố mẹ nên tự làm điều này và để con được ra ngoài cùng các bạn.
Bố mẹ có thể khiến mối quan hệ của các con xấu đi
Phải trông em thường xuyên và không có thời gian cho bản thân có thể làm con thấy ấm ức, bực bội. Con bắt đầu nảy sinh cảm giác tiêu cực, khó chịu với chính em của mình. Con sẽ cho rằng: "Tại vì trông em mà mình mới không được đi chơi", "Tại vì trông em mà mình phải ở nhà",...
Bên cạnh đó, khi các con ở cùng nhau, những đứa trẻ lớn hơn thường sẽ nắm uy quyền, trong khi trẻ nhỏ hơn thường không vui vẻ chấp nhận điều này. Dần dần trẻ nảy sinh mâu thuẫn và cãi vã, gây gổ lẫn nhau.
Chăm em không phải là công việc, nhiệm vụ của trẻ
Nhiều cha mẹ thường yêu cầu con trông em giúp mình và tin rằng đây là một trong những công việc nhà bình thường mà con phải làm. Tuy nhiên, những đứa con lớn hầu hết không đồng tình với điều này. Nhiều trẻ thấy các bảo mẫu được trả công và cho rằng việc mình trông em mà không được bất kỳ phần thưởng hay khoản tiền nào là không công bằng.
Nếu thỉnh thoảng bố mẹ mới nhờ con trông em giúp thì không cần nói đến vấn đề tiền bạc, trả công. Nhưng nếu thường xuyên giao nhiệm vụ này cho trẻ thì bố mẹ nên cân nhắc đến một phần thưởng. Đó không cần là tiền bạc mà chỉ đơn giản như cung cấp cho con một số đặc quyền như được mua thêm một cuốn truyện tranh yêu thích, được tăng thêm thời gian xem tivi,... Những phần thưởng nho nhỏ này sẽ khiến con vui vẻ giúp đỡ bố mẹ mà không cảm thấy ấm ức.
Thanh Hương