(Tổ Quốc) - Video về những người nhét tỏi vào mũi để chữa bệnh đang thịnh hành trên Tiktok nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng cách làm này sẽ không làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Jackie Santillan (đến từ Texas, Mỹ) chia sẻ, gần đây cô hay bị nghẹt mũi, điều này khiến cô không thể hít thở sâu, thậm chí là hít thở bình thường. Sau đó, cô phát hiện ra một phương pháp điều trị khả thi và cho rằng mình có thể thử.
"Người bạn thân nhất đã gửi cho tôi một video trên Tik Tok. Video chia sẻ cách đánh bay nghẹt mũi trong tích tắc bằng cách nhét tỏi vào mũi. Video không có bất cứ hướng dẫn cụ thể nào mà chỉ xoay quanh đoạn nhét tỏi vào mũi", bà mẹ 39 tuổi đến từ Houston nói với Today.
Nhét tỏi vào mũi trị nghẹt mũi đang gây sốt trên Tik Tok.
Mặc dù vậy, Jackie Santillan vẫn quyết thực hiện theo. Cô đặt nhánh tỏi vào mũi khoảng 8 phút và cảm giác cô nhận được không dễ chịu chút nào. Santillan đã chia sẻ kinh nghiệm của cô ấy với những người theo dõi Tik Tok: "Tôi vẫn không thể thở và bây giờ 2 lỗ mũi thì sặc sụa mùi tỏi".
Mặc dù vậy, một số người sau đó đã giải thích rằng cô cần phải xì mũi ngay sau đó thì mới đạt hiệu quả như mong đợi chứ không phải hít vào bên trong. Riêng Santillan khẳng định, cách này không hề hữu ích với cô. "Tôi đã đi khám và được kê một số loại thuốc kháng sinh. Tôi cảm thấy khá hơn hẳn và có lẽ đây mới là con đường chữa nghẹt mũi đúng đắn nhất của tôi", Santillan nói.
Nhét tỏi vào mũi giúp điều trị nghẹt mũi là một trong những xu hướng mới nhất của Tik Tok. Video Tik Tok của một người phụ nữ nói về cách chữa nghẹt mũi bằng cách nhét tỏi thu hút gần 4,4 triệu lần xem tính đến hiện tại.
Nhét tỏi vào mũi trị nghẹt mũi, viêm mũi - Bác sĩ khẳng định không có bằng chứng khoa học
Các chuyên gia Tây y đều đồng ý rằng tép tỏi nhét vào lỗ mũi sẽ không làm giảm ngạt mũi và viêm xoang. TS Jay Youngerman, trưởng khoa tai mũi họng tại Bệnh viện Northwell Health Plainview ở New York, nói với TODAY: "Bất cứ khi nào bạn chặn lỗ mũi trong khi đang bị viêm xoang, chúng sẽ chứa đầy chất nhầy. Đây chỉ là phản ứng của mũi khi bị chặn. Niêm mạc mũi bị thương cũng có thể gây ra phản ứng khó chịu".
"Chấn thương niêm mạc hoặc kích ứng niêm mạc thực sự làm tăng chảy nước mũi", TS Emily Durkin, bác sĩ phẫu thuật nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Helen DeVos nói.
Các chuyên gia nghi ngờ rằng mọi người chuyển sang sử dụng tỏi vì họ tin rằng nó có tác dụng giống như các chất có mùi mạnh khác, chẳng hạn như mùi bạch đàn.
"Những gì họ đang cố gắng làm là sử dụng chất tạo mùi từ chính tỏi để gây ra hiệu ứng co mạch, khiến niêm mạc mũi bị co và có thể mở đường mũi. Sự co mạch cho phép luồng không khí lưu thông lớn hơn", TS Anthony Del Signore, giám đốc khoa Da và Nội soi tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York, nói với TODAY.
Nhưng tỏi trong lỗ mũi không hoàn toàn hoạt động như vậy. Nhờ tính chất ăn da, tỏi có thể gây kích ứng, bỏng rát và thậm chí có thể chảy máu.
"Tỏi chứa một chất khá mạnh", TS Dana Crosby, chủ nhiệm khoa Tai Mũi Họng tại Đại học Y khoa Nam Illinois, nói với TODAY. "Nó gần như gây ra một loại phản ứng viêm da, nơi niêm mạc bị kích thích thực sự".
TS Crosby cho biết, cô không nghĩ rằng sự kích ứng này sẽ dẫn đến các vấn đề lâu dài - trừ khi mọi người làm điều đó nhiều lần, chẳng hạn như mỗi khi họ bị ngạt mũi: "Tỏi nhét mũi thực sự có thể gây ra một số tổn thương vĩnh viễn, gây sẹo trên niêm mạc".
Trong khi bỏng rát và kích ứng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, các bác sĩ vẫn lo lắng rằng tỏi có thể bị kẹt trong mũi. Trong trường hợp đó, bạn sẽ cần gặp bác sĩ để gắp tỏi ra.
BS Del Signore nói: "Chúng tôi khuyên bệnh nhân không nên đặt bất cứ thứ gì vào lỗ mũi vì có thể bị rơi vào khoang mũi, không tự lấy ra được. Chưa kể, bất cứ vật gì dạng hữu cơ như tỏi sống khi đặt trong mũi đều có nguy cơ nhiễm trùng nặng".
Do đó, bạn có nguy cơ bị đau nhức, chảy mủ, có thể chảy một ít máu. Mọi người có thể tin rằng việc dùng tỏi nhét mũi là an toàn vì gia vị này từ lâu đã được coi là tốt cho sức khỏe. Nhưng các chuyên gia đồng ý rằng không có bằng chứng nào cho thấy việc nhét tỏi vào mũi sẽ có tác dụng.
"Trong lịch sử, rất nhiều người cho rằng tỏi có rất nhiều giá trị về mặt y học. Vì vậy, nhiều người sử dụng nó làm thuốc vì có tính kháng khuẩn cực mạnh. Tuy nhiên đi kèm cũng có khá nhiều rủi ro", chuyên gia nhận định.
Ngay cả việc uống bổ sung tỏi hoặc sử dụng nó trên da cũng có thể có rủi ro. Ví dụ, thuốc đắp tỏi có thể gây bỏng rát và các chất bổ sung có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn.
Giới chuyên gia nhận định, bạn phải cẩn thận khi sử dụng nếu đang dùng thuốc làm loãng máu, bị tiểu đường hoặc đang điều trị HIV. Đó là lý do tại sao mọi người nên nói chuyện với bác sĩ của họ trước khi sử dụng tỏi như một loại thực phẩm bổ sung cho món ăn yêu thích của họ".
Tỏi nhét mũi chữa nghẹt mũi - Đông y cũng không công nhận cách chữa bệnh mạo hiểm này
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), tỏi là gia vị, đồng thời là vị thuốc được sử dụng từ lâu đời. Tỏi có vị cay, tính ôn, chủ yếu có các loại tinh dầu, vitamin A, E, B1, B2... Tỏi kích thích tiêu hóa, giải độc, trừ đờm, sát khuẩn, thậm chí là diệt trừ giun.
Trong Đông y, tỏi được dùng để chữa các trường hợp tiêu hóa kém, viêm do hô hấp, chữa tả, lị, viêm âm đạo do nhiễm trùng roi, tăng huyết áp, tăng cholesterol trong máu. "Tuy nhiên không có cách chữa bệnh nào như nhét tỏi vào mũi để chữa nghẹt mũi hay bất cứ chứng bệnh nào ở mũi cả. Đây hoàn toàn là cách chữa bệnh kiểu truyền miệng, không có căn cứ khoa học", vị lương y khẳng định.
Theo chuyên gia, đúng là nghe qua thì có vẻ rất hợp lý bởi tỏi giàu tính kháng khuẩn, tuy nhiên, tác dụng chưa thấy rõ thì bạn có nguy cơ đối mặt với mặt trái mà nó đem lại. Trong đó rõ nhất là khả năng tỏi gây tổn thương niêm mạc mũi, gây bỏng rát, nên những ai đang có ý định làm rất có thể gây phản tác dụng khi nhét tỏi vào mũi.
Cách giảm nghẹt mũi được giới chuyên gia khuyên làm
Các bác sĩ khuyên bạn nên xịt nước muối sinh lý vào mũi hoặc dùng bình neti chứa nước muối để rửa mũi. Mặc dù có thể không chữa khỏi tắc nghẽn nhưng nó sẽ giúp làm dịu các hốc xoang sưng tấy và đau nhức.
Durkin nói: "Chỉ cần một loại dung dịch nước muối nhẹ nhàng, sử dụng bình rửa mũi là bạn có thể giảm tắc nghẽn nhanh chóng. Nó làm sạch, giúp làm dịu niêm mạc mũi mà không bị kích ứng chấn thương niêm mạc".
TH