(Tổ Quốc) - Những tuần vừa qua hàng trăm tấn nông sản các loại nhằm ủng hộ người trồng tại các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Long An đã được nhập đều đặn về Bách hóa Xanh nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân TPHCM trong thời gian giãn cách kéo dài.
Được biết, các mặt hàng nhãn Thái và bắp nếp Đồng Tháp, thanh long đỏ của Long An đã bắt đầu có mặt trên các quầy kệ tại Bách hóa Xanh kể từ 26/07. Với mức giá đến tay khách hàng chỉ 10.000 đồng cho 3 trái bắp nếp, 15.000 đồng/ký nhãn và 16.000 đồng/ký thanh long, các mặt hàng được lên kệ với tinh thần ủng hộ người nông dân trước tình thế khó khăn về đầu ra trong giai đoạn dịch bệnh khắc nghiệt. Kể từ khi có "quầy ủng hộ nông dân", các siêu thị Bách hóa Xanh đón một lượng lớn khách hàng tới mua và hưởng ứng nhiệt tình.
Hiện tại, mỗi ngày Bách hóa Xanh nhập về 50 tấn mỗi loại cho các mặt hàng kể trên. "Chỉ tính riêng bắp nếp, sản lượng này đã đang giải cứu 30-40% cho các HTX và vùng trồng tại tỉnh Đồng Tháp" – bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, GĐ ngành hàng Bách hóa Xanh, cho biết. Với hai nông sản còn lại, nếu đáp ứng tốt mặt cầu, nhà bán lẻ cũng kỳ vọng sẽ hỗ trợ sản lượng đáng kể cho diện tích canh tác hiện có của bà con.
Thanh long đỏ của Long An cũng được nhiều người dân ủng hộ khi có thể chế biến đa dạng như làm bánh mì, nước ép…
Dự kiến trong tháng 8 này, các nông sản ủng hộ bà con nông dân tại Bách hóa Xanh vẫn về hàng đều đặn, như một cầu nối giúp người nông dân tiêu thụ được nông sản. Các mặt hàng sẽ được hỗ trợ bán đến khi hết sản lượng và hết mùa vụ. Bách hóa Xanh cũng có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ các tỉnh thành khác nếu có nhu cầu và có sự phối hợp thuận lợi từ cơ quan chính quyền.
Những ngày cuối tháng 7, một số tỉnh miền Tây liên tục phát đi thông tin tìm đầu ra cho hàng loạt nông sản đến mùa thu hoạch. Trong tình hình dịch biến động, chợ truyền thống đóng cửa, các địa phương siết chặt thực hiện chỉ thị 16 khiến hàng hóa lưu thông khó khăn, dẫn đến nhiều mặt hàng nông sản của người dân đồng bằng sông Cửu Long chưa kịp xuất đi đã phải đổ bỏ đến hàng tấn sản lượng.
Trước những bất cập ấy, việc kết nối tiêu thụ nông sản lúc này là rất cần thiết để giải tỏa điểm nghẽn ùn ứ, vừa cung ứng kịp thời cho những khu vực đang thiếu hụt, lại có nhu cầu tiêu thụ cao như TPHCM. Một số giải pháp đã được nhiều địa phương triển khai tức thời như tổ chức các điểm bán lưu động, đưa nông sản lên sàn thương mại trực tuyến, đồng thời kết hợp với chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh để mở rộng điểm phân phối.
thinga