(Tổ Quốc) - Trên chợ mạng và các chợ đầu mối, chợ cóc, nhan nhản những tiểu thương rao bán cua. Ai cũng khẳng định đó là cua đồng xịn khiến người tiêu dùng bị tung hỏa mù, không biết đâu mới là cua đồng thật, cua đồng giả.
Tại chợ đầu mối 365 Hà Đông, Hà Nội, cứ sáng sớm tinh mơ, chị Hoàng Thị Loan, 38 tuổi lại về cả tải cua đồng để bán lẻ cho các tiểu thương.
Theo chị Loan cho biết, ngày nào chị cũng thu gom cua đồng từ nhiều hộ dân ở các vùng quê Thạch Thất, Từ Liêm, Ứng Hòa, Thường Tín… Vì thế mẻ cua đồng nào nhà chị bán ra cũng là mẻ cua đồng xịn. Tuyệt đối chị nói không với cua công nghiệp, cua nuôi.
Cũng chưa bao giờ vì lợi nhuận mà chị áp dụng những chiêu tinh quái để hô biến cua công nghiệp thành cua đồng.
Vì bán buôn cho các tiểu thương là chủ yếu nên nhà chị Loan rất ít khi bán lẻ. Thậm chí cua đồng nhà chị nhiều khách còn đặt hàng làm sẵn hoặc xay sẵn để cấp đông và gửi đi các tỉnh có đường quốc lộ đi qua.
Tất cả đều đảm bảo là hàng tươi sống trước khi làm, kiểm tra hàng đúng chất lượng, khách mới phải thanh toán tiền.
"Khách hàng nhà mình ai cũng yên tâm, bởi thế họ đặt hàng rất nhiều. Nhà mình luôn trong tình trạng không có cua đồng mà bán vì gom ở các nơi không đủ. Nhất là vào mùa hè nóng nực, tiểu thương nào cũng có cua đồng bán để ra cho mọi người. Bởi vì món canh cua đồng ngon mát, rất dễ ăn lại bổ sung nhiều vitamin và canxi rất được yêu thích trong bữa ăn của người Việt trong những ngày hè. Vì thế những ngày này cua đồng nhà mình thường cháy hàng", chị Loan nói.
Cũng theo chị Loan, rất nhiều tiểu thương vì ham lợi nhuận có thể trà trộn cua nuôi công nghiệp thành cua đồng. Tuy nhiên khi mua cua đồng, bà nội trợ chỉ cần chú ý những điểm sau thì người bán khó lòng đánh lừa được bạn. Cụ thể:
Nhìn mai cua
Khi ra chợ, để phân biệt được đâu là cua đồng thật, đâu là cua đồng "gắn mác", bà nội trợ chỉ cần nhìn vào chiếc mai cua. Thực tế những chú cua đồng thường có màu vàng óng, mai cua bóng và cua rất khỏe. Tuy nhiên, các chú cua nuôi thì không được như vậy: "Cua nuôi sẽ có mai màu đen, mai cua không có độ bóng và mình cua nhiều bùn đất. Nhất là cua nuôi rất yếu. Nếu quan sát bạn sẽ thấy cua rất ít bò, dễ rụng càng", chị Loan đưa ra các dấu hiệu nhận diện cua nuôi dễ dàng.
Nhìn màu gạch cua
Khi mua cua đồng, bạn chỉ cần dùng tay tách nhẹ yếm cua để xem màu gạch cua là cũng có thể phân biệt được cua nuôi hay cua đồng thật. Theo chị Loan, cua đồng chuẩn thường có gạch vàng, cua nuôi gạch đen xanh.
Nhìn càng cua
Những chú cua đồng được sống tự nhiên ở các ao hồ, đồng ruộng thường nhỏ càng, vỏ bóng. Song những chú cua nuôi càng to, nếu dùng ngón tay gõ vào càng nghe âm thanh rỗng, ốp.
Nhìn thịt cua và cảm nhận hương vị khi chế biến
Chị Loan cho biết, khi ăn cua đồng và cua nuôi sẽ cảm nhận rõ ràng nhất. Bởi thịt cua đồng rất chắc thịt, chúng lại dai và ngọt thơm mùi cua. Trong khi đó, những chú cua nuôi thì thịt nát, ăn không có vị thơm ngọt.
Nhìn cua cái thì mới chọn mua
Khi mua cua, chị Loan khuyên bà nội trợ nên chọn những chú cua cái, mai màu vàng hoặc xám. Bởi những chú cua cái có mai cứng này thịt cua sẽ chắc và nhiều gạch. Tuyệt đối không chọn cua to quá hay nhỏ quá, chỉ chọn cua to hơn ngón chân cái 1 chút. Bởi cua bé thì không có nhiều thịt, cua to thì mai cua sẽ to nặng cân.
Người bán buôn cua đồng này cũng khẳng định, hiện nay tại các chợ có rất nhiều cua đồng nuôi. Song cua đồng "xịn" vẫn được bán. Tuy nhiên, số lượng cua đồng thật chỉ có số lượng ít, không có nhiều để cung cấp.
Minh Anh