(Tổ Quốc) - Mọi người nhìn lại, bố cô và mẹ chồng tương lai của Hân đang 4 mắt nhìn nhau tóe lửa. Nguyên nhân lại đến từ chính món sính lễ giá trị kia.
Yêu đương là chuyện của 2 người, nhưng kết hôn lại là chuyện của 2 gia đình. Điều đó thể hiện đầu tiên trong khâu chuẩn bị đám cưới. Nói không ngoa, không ít cặp đôi đã tan vỡ ở thời điểm này vì chuyện thách cưới, dẫn cưới, số tráp đám hỏi. Câu chuyện của cô gái trẻ dưới đây hơi khác một chút. Nhà trai rất hào phóng với sính lễ cả 3 cây vàng. Nhưng số phận đám cưới của cô vẫn chưa biết đi về đâu.
Hân cho biết, tình cảm của cô với bạn trai vô cùng tốt. Gia đình đôi bên không phản đối. Ngày cưới nhanh chóng được xác định. Cứ tưởng thế là suôn sẻ. Nào ngờ mọi chuyện lại tanh bành vào ngày ăn hỏi của cặp đôi.
Hân kể, nhà cô điều kiện kém hơn nhà chồng tương lai khá nhiều. Song cô không hề tự ti. Bởi cô cho rằng, của bố mẹ chứ nào phải của mình. Bản thân ta làm ra được quan trọng hơn. Mà so sánh cô với bạn trai, cô chả thua kém mấy.
Trong cuộc gặp gỡ người lớn hai bên, bố mẹ cô bày tỏ không đặt nặng vấn đề sính lễ. Nhà trai cứ tùy tâm giải quyết, cho đủ thủ tục là được. Tới khi cách đám hỏi đúng 1 ngày, cô được chồng sắp cưới thông báo bố mẹ anh quyết định sính lễ là 3 cây vàng.
Ngày diễn ra đám hỏi, họ hàng hai bên lẫn khách khứa có mặt đều ồ lên xuýt xoa trước khoản sính lễ của nhà trai. Bố mẹ Hân được nở mày nở mặt ra trò. Nhà trai có điều kiện lại không tiếc gì với Hân như thế, Hân quả là số sướng!
Hân cười mếu xệch kể, mọi chuyện vô cùng tốt đẹp. Cho tới khi mọi người nghe thấy bố cô hô lên thất thanh: “Bà nói cái gì? Sao bà có thể nói như thế?”. Mọi người nhìn lại, bố cô và mẹ chồng tương lai của Hân đang 4 mắt nhìn nhau tóe lửa. Nguyên nhân lại đến từ chính món sính lễ giá trị kia.
Hóa ra bố Hân vô tình nghe được bà thông gia tương lai nói với người họ hàng đằng nhà mình thế này: “Con bé còn tạm được, chứ nhà nó thì nghèo rớt mùng tơi. Em cứ nhìn cái nhà cổ lỗ sĩ bé như cái chuồng chim này thì biết. Nhà chị đi sính lễ từng ấy chủ yếu bố thí cho nhà nó. Chứ bình thường sính lễ làm gì nhiều vậy. Chị cũng dặn con trai bảo vợ nó để tiền sính lễ ấy cho bố mẹ sửa lại cái nhà, nhìn đỡ tồi tàn chút…”.
Bà không ngờ lúc bà nói mấy câu ấy, bố Hân đứng ngay đằng sau. Mẹ chồng tương lai của Hân bị bao ánh mắt nhìn vào thì xấu hổ, vội lấp liếm cho qua. Nhưng tính bố Hân dễ tự ái, nhất quyết không chịu, đùng đùng tuyên bố không có cưới xin gì nữa.
“Họ coi khinh mình thế, con có về làm dâu cũng chẳng được êm ấm đâu”, bố cô mắt đỏ hoe nói với Hân. Hân chết điếng vì đám hỏi hỏng bét, nhưng chả dám phản bác lời bố. Cô cũng không ngờ mẹ chồng tương lai lại có thể thốt ra những lời như vậy.
Gia đình Hân không giàu nhưng bố mẹ cô thường dạy cô phải sống có tự trọng. Bản thân ông bà luôn làm gương cho con cái. Cô đã tiết kiệm được 1 khoản, muốn cơi nới thêm nhà cửa cho bố mẹ mà ông bà không chịu. Bố cô bắt cô góp tiền với chồng để mua căn hộ riêng của 2 người, dù chồng cô nói không cần. Bởi ông không muốn con gái bị lép vế, bị coi thường.
Hân buồn bã thuật lại, sau khi tuyên bố không cho cưới nữa, bố cô đùng đùng “mời” nhà trai mang theo sính lễ về. Mẹ chồng tương lai thẹn quá hóa giận, hùng hổ dẫn bầu đoàn nhà trai về luôn. Hân và chồng nhìn nhau, khóc không ra nước mắt.
Ngày cưới của Hân bị rời lại vô thời hạn. Vì người lớn đôi bên vẫn chưa hòa hoãn với nhau. Bố Hân khăng khăng không cho cưới nữa. Nhưng Hân biết, chỉ cần nhà trai tới xin lỗi là ông vì thương con gái sẽ nhượng bộ. Song nhà trai bị ông làm mất mặt trước bao người, nên kiên quyết không xuống nước làm hòa trước, cũng đòi ông tới cửa xin lỗi.
Qua câu chuyện của Hân, thiết nghĩ mỗi bậc cha mẹ vì hạnh phúc của con cái mình, nên bao dung và rộng lượng với nhau hơn. Bố mẹ chồng Hân nếu đã đồng ý cho con trai cưới Hân, sao không vui vẻ mà tiếp nhận mọi thứ. Về phần bố Hân, giá kể lúc ấy ông bình tĩnh hơn, tìm lúc không có người ngoài để nói chuyện rõ ràng với bên thông gia, hẳn mọi chuyện cũng chẳng đến nông nỗi này.
Thược Dươc