(Tổ Quốc) - Với nhiều bà nội trợ, việc chi tiêu tiền chợ 4 triệu/tháng cho gia đình 4 người là không thể. Nhưng nếu biết "khéo vén", chi tiêu tiết kiệm như chị Huyền dưới đây, hoàn toàn có thể làm được.
Đó là câu chuyện thực tế chi tiêu tiền của gia đình chị Lê Thị Huyền, ở Mai Lĩnh, Hà Nội. Cũng như nhiều cặp vợ chồng khác, dù hàng ngày sống và làm việc giữa thành phố nhưng mức chi tiêu tiền ăn của nhà chị không bao giờ quá 130-150 ngàn đồng/ngày. Có thể nhẩm tính, tiền chợ nhà chị Huyền 1 tháng chỉ hết khoảng 4 triệu đồng cho gia đình 4 người ăn.
Chị Huyền kể, vợ chồng chị đều đi làm công sở nên lương tháng được khoảng hơn 20 triệu đồng. Dù có 2 con nhỏ (1 con đang học lớp 2 và một con đang học mẫu giáo lớn), song tiền ăn nhà chị luôn dừng ở con số 4 triệu/tháng.
Trước đây do chưa biết tính toán từng khoản cụ thể nên lúc nào tiền chợ nhà chị cũng hết khoảng 6 triệu. Từ khi chị siết chặt lại và chi tiêu có kế hoạch, tiền chợ đã giảm xuống 4 triệu, tiết kiệm được 2 triệu/tháng.
Cụ thể, mỗi tháng chị Huyền chi tiêu tiền chợ như sau:
Tiền ăn bữa sáng: 40 ngàn/ngày
Hầu như tháng nào nhà chị Huyền cũng duy trì thói quen ăn sáng ở nhà để đảm bảo an toàn thực phẩm lại vừa tiết kiệm được 1 khoản.
Để bữa sáng không nhàm chán với chồng con, chỉ cần chú ý đổi món liên lục: "Hôm thì mình làm bún cua, hôm thì bún mọc, hôm thì bánh mỳ ốp trứng, bánh mỳ chả. Lúc lại nấu cháo thịt, cháo trứng, cháo hến hay xôi, bánh cuốn thay đổi", chị Huyền tâm sự.
Tiền ăn bữa tối: 70 ngàn/ngày
Do bữa tối là bữa ăn chủ lực chị Huyền lúc nào cũng làm khoảng 1 món rau, 1 món mặn, 1 món xào khá tươm tất. Tuy nhiên với tiền ăn chỉ 70 ngàn nên bà nội trợ này cũng phải tính toán đau đầu và chọn thực phẩm phù hợp.
"Với 70 ngàn đồng mà giá thịt lợn đắt đỏ như hiện nay thì nhà mình buộc phải đổi sang các món khác. Chẳng hạn như mua thịt gà, thịt vịt, cá biển, trứng. Như rang thịt mình thường mua 50 ngàn thịt, 6 ngàn đậu phụ được 3 bìa để rang lẫn sẽ cũng được 1 đĩa thịt đầy đặn. Hoặc mình mua cá diếc, cá rô phi, cá chép, cá nục ở quê cũng rất rẻ mà ăn lại ngon. Thịt gà, vịt mình cứ nhờ bà nội mua cho cả vài con dưới quê rồi lên bỏ tủ ăn dần", chị Huyền nói.
Tiền mua hoa quả theo mùa: 20 ngàn/ngày
Nhà chị Huyền chỉ hay ăn hoa quả theo mùa như chuối, cam, dưa hấu, củ đậu… vừa an toàn, ngon miệng lại ít nỗi lo chứa hóa chất: "2 con mình đều học bán trú ở trường nên bữa trưa con ăn tại trường. Vợ chồng mình cũng được công ty cho suất ăn trưa tại công ty. Vì thế cũng đỡ được 1 khoản tiền ăn. Ngoài ra, mỗi tháng vợ chồng chị chỉ dành ra vào trăm mua thêm 1 thùng sữa tươi, sữa chua cho 2 con uống".
Bí quyết chi tiêu tiền chợ của bà nội trợ tuổi 32
Tính ra mỗi tháng chị Huyền chỉ tiêu hết khoảng 3,9 đến hơn 4 triệu đồng tiền chợ cho gia đình 4 người ăn uống khá thoải mái mà không đến nỗi eo hẹp. Điều này là nhờ chị luôn áp dụng triệt để các nguyên tắc chi tiêu sau:
1. Luôn đặt hạn mức tiền chợ và kiên quyết áp dụng theo
Theo người phụ nữ này cho biết, cách làm này sẽ giúp đảm bảo ngân sách chi tiêu tiền chợ được tiết kiệm và hiệu quả nhất. Tất nhiên ngân sách tiền ăn phải phụ thuộc vào kinh tế và nhu cầu ăn uống của gia đình. Nếu muốn tiết kiệm, buộc phải có sự cân nhắc ngân sách này. Đặc biệt khi đã đề ra ngân sách tiền chợ thì luôn tuân thủ áp dụng theo.
2. Hạn chế ăn ngoài hàng hay tiệc tùng cùng bạn bè
Vì chi tiêu tiền ăn có hạn nên vợ chồng chị Huyền thường hạn chế những buổi ăn uống bên ngoài hay tiệc tùng cùng bạn bè, người thân ở ngoài. Bởi nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, nó sẽ khiến tiền ăn nhà chị bị phá sản và rơi vào tình trạng "rỗng túi".
3. Đi chợ đầu mối theo tuần
Cuối tuần nào bà nội trợ này cũng đi chợ đầu mối mua thực phẩm cho cả tuần. Theo chị Huyền mua thực phẩm cả tuần về sơ chế từng loại rồi bỏ tủ lạnh. Những thực phẩm ở chợ đầu mối thường rất tươi và có giá rẻ hơn ½ so với chợ dân sinh. Như vậy vừa tiết kiệm được tiền chợ, lại không mất thời gian đi chợ hàng ngày.
4. Lên thực đơn món ăn cả tuần
"Mình thường lên thực đơn ăn uống của gia đình theo tuần để đảm bảo được món ăn đa dạng, không bị trùng lặp lại phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Điều này cũng giúp bà nội trợ như mình chủ động, đảm bảo đủ dinh dưỡng, tiết kiệm thời gian và đỡ đau đầu khi mỗi chiều đi làm về phải nghĩ ăn món gì", chị Huyền cười bảo.
5. Mua dự trữ thêm một số thực phẩm cần thiết luôn có trong nhà
Nhiều gia đình không chú ý điều này nhưng nếu luôn dự trữ sẵn một số thực phẩm cần thiết sẽ tiết kiệm được kha khá tiền ăn.
"Cà chua, hành tỏi khô, dầu ăn, gia vị, trứng… luôn là những thực phẩm thường sử dụng. Vì thế nên bảo quản sẵn trong nhà thay vì mua lẻ sẽ tốn kém", chị Huyền nói.
Minh Anh