(Tổ Quốc) - Dù là ăn uống ngay trong nhà mình, các mẹ nội trợ vẫn luôn nghĩ làm vậy mới khiến món ăn thêm đậm đà, hấp dẫn. Đáng tiếc đây là nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày.
Đó chính là thói quen cho quá nhiều muối vào các món ăn!
Là gia vị không thể thiếu trong các món ăn hàng ngày, muối tất nhiên vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, lại giúp bạn ăn ngon miệng hơn. Thế nhưng, trong nấu nướng cũng như ăn uống hàng ngày, người Việt dường như đang tiêu thụ quá nhiều muối.
Đơn giản như việc luộc rau. Chị em thường cho thêm chút muối để rau xanh hơn, đậm đà hơn, nước rau cũng hấp dẫn hơn. Khi ra bàn ngồi ăn cơm, cạnh đĩa rau luộc không thể thiếu chén nước chấm, dù là tương, mắm hay gì đi nữa cũng có thêm rất nhiều muối.
Người Việt cũng rất chuộng những món mặn thật mặn cho bữa ăn đưa cơm. Nào là dưa muối, cà muối, cá muối, nào là cá kho, thịt kho..., ăn nước mắm, ăn cả mắm tôm, cà muối mặn rồi còn dầm thêm mắm... Tất cả phải mặn thì ăn mới đúng vị, mới ngon miệng, mới hao cơm. Thói quen ăn mặn từ một người, hai người dần dần truyền cho toàn bộ gia đình. Ăn uống cứ phải có thêm chút đậm đà (thực ra là chút mặn mà, cũng có khi không phải một chút mà là... nhiều chút) mới khiến người ta ăn ngon miệng.
Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế, hiện nay, trung bình mỗi người Việt hàng ngày đang ăn thừa gấp 2-3 lần so với lượng muối theo khuyến nghị là 5g/ngày.
Đáng nói, nhiều năm qua, thói quen ăn mặn của người Việt đã có những hậu quả rõ ràng qua các con số. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2017, hơn 541.000 người Việt tử vong, trong đó nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76%, đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gút... Trong đó đặc biệt phải kể đến là ung thư dạ dày.
Báo cáo của Hội Tim Mạch Việt Nam cho thấy, bệnh tim mạch đang là nguyên nhân dẫn đến con số 17 triệu người chết mỗi năm, chiếm gần 1/3 tổng số các ca tử vong trên toàn cầu. Trong đó 9,4 triệu ca tử vong là do biến chứng của tăng huyết áp. Tăng huyết áp đang chiếm ít nhất 45% các ca tử vong do bệnh tim mạch. Theo số liệu mới nhất từ chương trình phòng chống tăng huyết áp quốc gia cho thấy, tỷ lệ các ca mắc bệnh trên 25 tuổi chiếm 47,3%, con số này tương đương xấp xỉ 20,8 triệu bệnh nhân. Khả năng mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới với tỷ lệ tương ứng là 56,4% và 42,6%.
Nguyên nhân gây ra những chứng bệnh này có rất nhiều, trong đó đứng đầu là thói quen ăn mặn - thói quen ăn uống mà đông đảo người Việt ưa chuộng, xuất phát đầu tiên từ việc nấu nướng cho quá nhiều muối của nhiều chị em phụ nữ.
Tránh nạp muối thừa vào cơ thể ngay từ bước nấu nướng trong bếp: 9 nguyên tắc cần nhớ
GS.TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam) cho biết để phòng tránh loạt bệnh dễ gặp do ăn mặn, ngay khi đứng bếp, chị em cần:
- Khi nấu nướng, muốn gia giảm gia vị mặn, người nấu nên nếm thức ăn trước khi thêm gia vị để đảm bảo cho vào lượng vừa đủ, không cho quá nhiều.
- Ngoài muối, mì chính là gia vị ngọt nhưng cũng có thành phần natri nên cần hạn chế sử dụng mì chính để tăng vị ngọt cho món ăn.
- Hạn chế tối đa việc tiêu thụ đồ ăn nhanh, dưa cà muối, thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích...
- Duy trì chế độ dinh dưỡng giàu rau củ quả tươi.
- Ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các món ăn mặn thường ngày được chế biến sẵn.
- Chọn cách chế biến món ăn, nên ưu tiên ăn các món luộc, hấp thay vì các món cần nhiều gia vị mặn trong quá trình chế biến như kho, rang, rim... để hạn chế lượng muối ăn hàng ngày.
- Giảm muối trong nấu nướng, chế biến thực phẩm một cách từ từ để vị giác thích nghi dần dần.
- Hạn chế chấm nước mắm, bột canh. Nếu chấm thì nên pha loãng, có thể bổ sung thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác, bù cho vị mặn bị bớt đi.
- Khi sử dụng muối, nên sử dụng loại chứa iốt để phòng chống bướu cổ, thiểu năng trí tuệ...
TH