Người Việt bỏ lại tài sản rời khỏi Ukraine giữa "mưa bom, bão đạn": Khi mạng sống là thứ quý giá nhất!

(Tổ Quốc) - Để lên được chuyến bay hồi hương, không ít công dân Việt Nam ở Ukraine đã bỏ lại hết tài sản họ tích góp nhiều năm nơi xứ người, chỉ mong giữ được mạng sống giữa mưa bom, bão đạn.

Đúng 6 giờ sáng 10/3, chuyến bay mang số hiệu QH9066 của hãng hàng không Bamboo Airways làm nhiệm vụ sơ tán công dân Việt Nam tại Ukaraine về nước chính thức hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Đây là chuyến bay sơ tán nhân đạo thứ hai được tổ chức để đón kiều bào trở về, tiếp theo chuyến bay đầu tiên từ Romania đã hạ cánh hôm 8/3.

"Chúng tôi chỉ kịp lấy vội vài bộ quần áo rồi bỏ chạy cứu lấy thân"

Khoảng 6h30 sáng cùng ngày, những công dân đầu tiên đã ra tới sảnh, khu vực nơi những người thân của họ chờ sẵn. Lần lượt từng người từng người bước ra đón nhận những cái ôm thật chặt. Ai nấy gặp lại người thân cũng nghẹn ngào sau nửa tháng chỉ được nhìn nhau qua màn hình điện thoại.

Công dân Việt Nam bỏ lại tài sản chạy khỏi Ukraine giữa lúc mưa bom, bão đạn:

Người thân chờ đợi, mong ngóng đón các công dân trở về từ Ukraine.

Đưa theo cậu con trai nhỏ rời khỏi máy bay, chị Nguyễn Thị Yến (Hưng Yên) vẫn chưa thể tin sáng nay mình có thể được đứng trên mảnh đất quê nhà. 

Hiện rõ sự mệt mỏi sau chuyến bay kéo dài, chị Yến nhớ lại: "Khoảng ngày 3/3, chúng tôi bắt đầu di chuyển từ Kharkov (Ukraine) hướng sang Ba Lan. Ban đầu, cả đoàn đi bằng tàu hỏa, sau đó chuyển sang thuê taxi. Mất tổng cộng 5 ngày thì mới sang được Warsaw".

Theo chị Yến, vào ngày đặt chân qua biên giới, trời xuất hiện mưa tuyết rất lớn. Nhiệt độ giảm sâu xuống âm 8 độ C còn chị và những người khác vẫn kiên nhẫn bước đi từng bước trong đoàn người xếp hàng di chuyển sang Ba Lan.

Công dân Việt Nam bỏ lại tài sản chạy khỏi Ukraine giữa lúc mưa bom, bão đạn:

Chị Nguyễn Thị Yến (Hưng Yên) vẫn chưa thể tin sáng nay mình có thể được đứng trên mảnh đất quê nhà.

"Nhiệt độ quá thấp khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Lúc này dù rất mệt nhưng ai cũng nghĩ đến mạng sống nên phải cố gắng đứng giữa trời mưa tuyết. Chúng tôi sau đó may mắn được các bạn người Ba Lan đã hỗ trợ cho lều bạt để chống lại cái lạnh chứ nếu không trẻ con không thể sống nổi với thời tiết khắc nghiệt như vậy", chị Yến nhớ lại.

Theo lời chị Yến, nhiều năm buôn bán bên trời Âu chị cũng như nhiều người Việt Nam khác không thể ngờ lại có chiến sự. Bao nhiêu tài sản tích lũy trong nhiều năm coi như mất sạch. Đặt chân về đến Việt Nam, trong lòng chị Yến lại ngổn ngang bởi hầu hết tài sản trong 22 năm qua của chị đều ở lại Ukraine. 

Rời khỏi Ukraine, chị Yến chỉ mang theo được một ít tiền mặt về Việt Nam để đổi lấy tiền trang trải cuộc sống. Số tài sản chị tích góp trong 22 năm qua đều bỏ lại Ukraine.

Bần thần mở chiếc balo đã cũ xỉn, chị mang ra một bọc tiền được gói ghém rất kỹ rồi nói: "Mọi việc gấp gáp quá nên tôi chỉ kịp cầm vội theo ít UAH (Đơn vị tiền tệ Ukraine – PV) về. Toàn bộ chỉ có thế".

"Ngày thứ 4 kể từ khi tình hình bên Ukraine căng thẳng chúng tôi vẫn đi chợ, nhưng đến ngày thứ năm thì sáng ra chợ chứng kiến bom đạn ầm ầm trên đầu là mọi người không ai còn nghĩ đến làm gì nữa. Trong làng chúng tôi ở mọi người di tản đi 99%, chỉ còn vài ba người ở lại, cả cuộc đời họ gắn bó nên vì tiếc tài sản nên họ cố ở lại. 

Thời điểm bên đấy có tiếng súng thì mọi hoạt động gần như đóng băng, chúng tôi không thể đổi được tiền để mà mang về nữa, thậm chí muốn đổi ít tiền để trang trải lúc đi đường cũng không được. Hôm nay về đến Việt Nam tôi chỉ cố mang được ít tiền Ukraine về mong những ngày tới đổi được tiền để trang trải cuộc sống", chị Yến chia sẻ.

"Về được Việt Nam là sống rồi"

Là hành khách đặc biệt nhất trên chuyến bay, bà Nguyễn Thị Kim Vân (74 tuổi, Hà Nội) đã sống ở Kyiv, Ukraine 18 năm, vừa trải qua cuộc phẫu thuật nên bà phải di chuyển bằng xe lăn. Cùng con trai bước ra khỏi máy bay, bà được tiếp viên và nhân viên sân bay hướng dẫn ra tận cửa có người thân đón. 

Không giấu khỏi sự xúc động bà gửi lời cảm ơn tới Nhà nước, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt luôn quan tâm hỗ trợ, kịp thời tổ chức các chuyến bay sơ tán, cũng như sự phục vụ tận tình chu đáo của hãng hàng không thực hiện chuyến bay hôm nay.

Công dân Việt Nam bỏ lại tài sản chạy khỏi Ukraine giữa lúc mưa bom, bão đạn:

Những người Việt Nam xúc động khi đặt chân về tới quê hương.

"Về được đến đây tôi thấy yên tâm, vui vẻ hơn. Những ngày qua tôi rất mệt mỏi, đi bộ biết bao nhiêu km, thời tiết thì gió to, khắc nghiệt. Tôi còn bị ngất giữa đường, hai người con tôi sợ quá, phải dìu hai bên đưa đi, mất 2 ngày 2 đêm mới đến được Ba Lan. 

Đến đó thì được đại sứ quán giúp đỡ, tôi ngồi xe lăn. Về được đến đến chỉ có tôi và một người con trai, còn một con thì ở lại thu xếp công việc", bà Vân kể lại.

Về đến Hà Nội, bà Vân lo cho tính mạng của người con trai của mình vẫn đang bị kẹt lại ở Ukraine. Do vậy, điều mà bà Vân mong muốn nhất chiến sự ở Ukraine sớm kết thúc để con trai của mình được an toàn. 

Sau nhiều ngày sống trong nỗi sợ hãi, khó khăn, những công dân vỡ òa hạnh phúc khi đã về đến quê hương.

Bà Vân cho biết, do sơ tán gấp về Việt Nam nên không mang theo được thứ gì ngoài vài bộ quần áo. Với khối của cải sau bao năm làm ăn, bà Vân mong không bị bom đạn tàn phá.

Nhiều năm sinh sống ở làng Thời đại tại Kharkov (Ukraine), ông Nguyễn Công Cường (Thái Nguyên) tỏ ra mệt mỏi vì gần 10 ngày đã phải di chuyển liên tục. Ông cho biết, 4 người trong gia đình ông đã mất "đúng 3 ngày đêm không ngủ khi di chuyển bằng tàu hỏa về Warsaw". 

"Các nhà ga mấy ngày qua đều chật ních người. Hầu hết mọi người chỉ kịp mang theo quần áo, hộ chiếu và một ít tiền mặt. 99% người ở khu làng Thời Đại ở Kharkov đều di chuyển, chỉ còn một số ít ở lại trông giữ tài sản", ông Cường cho biết.

Điều khiến ông Cường và người thân lo lắng nhất là con cháu của ông sinh ra và lớn lên tại Ukraine với vốn tiếng Việt rất hạn chế.

"Không biết thời gian tới, các cháu sẽ học hành và sinh hoạt như thế nào", ông Cường thở dài.

Công dân Việt Nam bỏ lại tài sản chạy khỏi Ukraine giữa lúc mưa bom, bão đạn:

Chị Đào dù tiếc nuối nhưng chị vẫn động viên bản thân mình rằng sẽ cố gắng để làm lại từ đầu.

Hạnh phúc khi về đến Việt Nam, chị Lê Thị Đào (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, sau một tuần sống dưới hầm trú ẩn, chị đã quyết định sang Ba Lan để chờ đợi cơ hội được về nước. Tới thời điểm hiện tại, chị Đào cảm thấy vui mừng vì đã được đoàn tụ với người thân.

"Hành lý khi đi chỉ là quần áo, thực phẩm thiết yếu cũng như thuốc men. Tiền mặt rất ít nhưng về được Việt Nam coi như là sống rồi. Chúng tôi sẽ cố gắng để làm lại từ đầu", chị Đào chia sẻ.

Gia Đoàn

Tin mới