(Tổ Quốc) - Lên thăm con ở nhà chồng cũ, thấy con nhăn nhó kêu đau, chị Giang bảo con cởi quần áo ra kiểm tra thì phát hiện trên người con có nhiều vết bầm tím. Chị Giang cầu cứu đến cơ quan chức năng mong được đón 2 con về nuôi.
Ngày 12/4, chị Phan Thị Hương Giang (SN 1990, trú tại xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) cho biết, ngày 28/3, khi chị đang làm việc tại công ty thì mẹ chồng cũ của chị gọi thông báo 2 con trai của chị bị bố đánh đau, không ăn uống gì.
Chiều cùng ngày, sau khi tan làm, chị Giang về qua nhà chồng cũ ở xã Ninh Dân thì thấy con nhăn nhó kêu đau. Bảo con cởi quần ra để kiểm tra, chị Giang bàng hoàng phát hiện trên người con có nhiều vết bầm tím.
"Sau khi thấy con như vậy tôi lấy điện thoại ra chụp lại hình ảnh, sau đó cho con ăn uống xong thì về nhà mình.
Sang ngày hôm sau, trong giờ nghỉ trưa, tôi gọi điện thoại gọi cho con thì thấy con khóc, bảo 'mẹ nhắn tin đi', rồi tắt máy.
Con nhắn cho tôi kể rằng, buổi sáng cháu học xong thì lúc giải lao có chơi điện tử nên bị chị H. - mẹ kế - đánh vào đầu mình và tát vào mặt em trai. Đến trưa, anh C. đi làm về thì chị H. lại xui anh C. đánh H. rất đau.
Ngay lập tức, tôi xin nghỉ làm để về với con. Về đến nhà chồng cũ, chị kiểm tra và thấy trên người con có nhiều thương tích", chị Giang chia sẻ.
Theo lời chị Giang, sau khi phát hiện vụ việc, chị đã nhờ người thân báo các cơ quan có thẩm quyền xuống nhà xem xét, kiểm tra. Cùng chiều hôm đó, chị xin phép bà nội của 2 cháu đón các cháu về nhà mình ở xã Quảng Yên - cách đó khoảng 7km.
Nhưng đến khoảng 19h cùng ngày, anh C. đến nhà chị quát nạt, giằng co, bắt các con phải về nhà nội. Sau khi tranh cãi khoảng 1 tiếng đồng hồ, chị Giang nhờ anh em nhà ngoại can thiệp để giữ được các cháu ở lại nhưng anh C. vẫn mang hết quần áo, sách vở của các con về nhà mình.
Đến sáng hôm sau ngày 30/3, chị Giang đưa con lên làm việc với chính quyền xã theo yêu cầu của chính quyền (không có mặt gia đình anh C.). Sau khi làm việc xong, bà nội các cháu gọi, nói chị đưa 2 cháu qua nhà nội ăn cơm. Nhưng sau khi ăn xong, bà giữ 2 cháu ở nhà, không cho quay về nhà ngoại nữa.
Lúc đó, chị Giang có yêu cầu bà nội phải gọi ngay người lắp đặt camera đến thì chị mới đồng ý để con ở lại. Bà nội các cháu đồng ý với yêu cầu này và là người trả tiền lắp camera. Nhưng chị Giang chỉ theo dõi camera được khoảng vài tiếng thì không theo dõi được nữa.
Kể về cuộc hôn nhân với chồng cũ, chị Giang cho biết, chị và anh Trần Văn C. kết hôn năm 2010, sinh được 2 bé là T. Đ. H. (SN 2010) T. Đ. T. (SN 2012). Đến năm 2016, anh chị ly hôn với sự thoả thuận của 2 bên được toà án nhân dân huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ công nhận, cụ thể là anh C. trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng 2 con.
Thời điểm ly hôn chị Giang không phải cấp dưỡng nuôi con chung cùng anh C. Hai bên có quyền, nghĩa vụ chăm sóc con chung không ai được ngăn cấm. Từ khi ly hôn đến nay, có một thời gian dài chị Giang làm việc ở Hà Nội nên không có nhiều cơ hội gặp 2 con.
Hai năm trở lại đây, chị Giang quyết định về quê xin làm công nhân ở một công ty cách nhà hơn 20km. Hiện chị và con riêng (sau khi ly hôn anh C.) đang sống cùng bố mẹ đẻ chị tại xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba.
Từ khi về quê làm việc, chị Giang qua thăm các con thường xuyên hơn, đặc biệt là vài tháng gần đây khi các con bị Covid-19, chị thường xuyên qua đưa đồ ăn, hỏi thăm các con với sự ủng hộ của bà nội các cháu sống cùng nhà.
Chị Giang cho biết, việc chị sang thăm con, anh C. và vợ mới của anh là chị Vi Thị H. tỏ ra không hài lòng. Vì thế, hầu như chị chỉ sang vào giờ anh C. đang đi làm.
Khi được hỏi về lý do tại sao để chồng cũ nuôi cả 2 con sau khi ly hôn, chị Giang cho biết, phía gia đình anh C. muốn nuôi cả 2 con. Hơn nữa, thời điểm chị Giang làm đơn ly hôn với anh C., chị đã làm việc ở Hà Nội được khoảng 5 tháng.
Xét thấy công việc của mình chưa ổn định, lại không có nhà cửa cho con ở, phía nhà ngoại chị thì bố đẻ ốm đau đi viện liên miên nên chị chấp nhận tạm thời để anh C. nuôi con. Ngoài ra, thời điểm ấy, chị Giang cũng đang có ý định làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động.
Gia Đoàn