(Tổ Quốc) - Chuyến đi nghỉ mát tưởng chừng kết thúc trong êm đẹp hóa ra lại trở thành nỗi ác mộng đối với người mẹ của hai con này.
Tricia Powell đã có một chuyến nghỉ mát kéo dài một tuần cùng chồng và hai con vào tháng 8/2017. Đối với người phụ nữ này, đi ăn nhà hàng cùng gia đình là điều hiếm hoi. Tricia bị dị ứng thực phẩm nghiêm trọng nên cô luôn cảnh giác cao độ với các món nấu sẵn. Bếp trưởng thậm chí phải thay đổi thực đơn nhằm đảm bảo chúng không gây nguy hiểm với người phụ nữ này.
Tricia chia sẻ: “Tôi có cả một danh sách dài các thực phẩm không thể tiêu thụ, chủ yếu là trái cây tươi, rau sống, động vật có vỏ, một số loài cá, các loại hạt và quả hạch. Khi học tại trường đại học, tôi cũng nhận ra mình bị dị ứng nặng với các sản phẩm làm từ cao su như găng tay. Tình trạng này ngày càng trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác. Hiện tại, ở tuổi 38, tôi không thể đếm hết số lần dùng bút tiêm EpiPen để cứu mạng sống của mình. Đây thực sự là một gánh nặng và tôi luôn phải tự hỏi: Món ăn đó có gì? Liệu chúng có an toàn không?”.
Khoảng một tháng trước chuyến đi, John, chồng của Tricia, đã thông báo cho hãng không về tình trạng dị ứng nghiêm trọng với các loại hạt của vợ. Một đại diện của hãng đã trả lời họ sẽ không phục vụ loại thực phẩm này trên máy bay. Gia đình của Tricia yên tâm bay tới Florida mà không gặp bất kỳ sự cố gì. Tuy nhiên, chuyến đi trở về lại hoàn toàn khác biệt, trở thành một trải nghiệm đầy kinh hoàng với cô.
Dưới đây là những lời chia sẻ của người phụ nữ này sau khi bị dị ứng thực phẩm và suýt chết trên máy bay:
Sự chủ quan
Cả nhà chúng tôi đang hào hứng trở về trên chuyến bay hạng nhất thì một nhân viên tới và thông báo đổi chỗ ngồi vào phút cuối. John và tôi buộc phải tách ra. Anh ấy cùng con gái 5 tuổi xuống ngồi khoang dưới trong khi tôi ở lại khoang hạng nhất cùng con trai 1 tuổi rưỡi. Hai tiếng nữa là máy bay có thể hạ cánh.
Đột nhiên một nữ tiếp viên hỏi: “Cô có muốn ăn gì không?”. Tôi quay sang và nhận ra cô ấy đang cầm những cái khay nhỏ, trên đó chứa rất nhiều loại hạt trông như thể chúng vừa được rang ngay trên máy bay. Sau khi biết tôi bị dị ứng, nữ tiếp viên tiếp tục hỏi người đàn ông bên cạnh xem anh ta có cần gì không.
Tôi chạy đến chỗ John, đưa con cho anh ấy bế và tìm tới phòng vệ sinh. Máy bay là một không gian khép kín. Tôi không ngừng nghĩ đến những hạt nhỏ li ti từ các loại hạt được rang đang bay lơ lửng trong không khí.
Khi đi ra, John hỏi tôi có làm sao không và tôi trả lời anh ấy với giọng nghe có vẻ buồn cười. Đây là dấu hiệu đầu tiên của dị ứng.
Tôi trở về chỗ ngồi của mình, nhấn nút gọi tiếp viên trong khi cố gắng bóp lọ thuốc chống dị ứng để ra những giọt cuối cùng. Vì đây là một chuyến bay ngắn và hãng hàng không cũng đã cam kết trước đây, tôi không nghĩ mình cần phải mang theo nhiều thuốc. Đường thở của tôi đã đóng lại vào thời điểm một tiếp viên đến. Tôi không thể nói gì cả.
May mắn sống sót
Tôi rút EpiPen ra, tiêm nó vào đùi phải nhưng chỉ có hiệu quả trong 10-20 phút. Không khí trong máy bay khép kín nên chất gây dị ứng vẫn sẽ ảnh hưởng đến tôi. Nghĩ về điều này khiến tôi càng hoảng sợ hơn. Cảm giác như một con gấu đang bóp chặt ngực tôi và tôi không thể thoát ra khỏi vòng tay siết chặt của nó. Tôi tiêm EpiPen lần thứ hai vào đùi và bắt đầu thở hổn hển. Người đàn ông bên cạnh tôi hét lên với mọi người trong khoang hạng nhất: “Cô ấy bị dị ứng với các loại hạt! Hãy bỏ chúng đi!”.
Tôi bắt đầu chảy nước mắt vì không thở được. Chồng tôi, một bác sĩ phẫu thuật, đã hỏi tiếp viên xem có những vật dụng y tế nào. Hiển nhiên họ không lường trước được tình huống này.
John đặt con trai lên đùi tôi trong khi anh ấy tìm kiếm các vật dụng y tế khác ngoài oxy và găng tay cao su. Đứa bé nhìn lên tôi và khóc: “Mẹ ơi, mẹ ơi!”. Tôi không muốn chết trước mặt con trai mình. Tôi thậm chí chưa nói lời tạm biệt với con gái đang không biết gì cả ngồi ở khoang dưới. Tôi chưa sẵn sàng bỏ các con ở lại.
Ai đó đã đưa cho tôi túi thở oxy trong khi một tiếp viên hàng không chườm túi nước đá vào sau cổ tôi. Tôi nhìn thấy đôi găng tay cao su của cô ấy và càng hoảng loạn hơn. John ngay lập tức hét lên: “Đừng chạm vào cô ấy! Cô ấy bị dị ứng với cao su”.
Tổ bay hỏi ý kiến chồng tôi và cơ trưởng quyết định hạ cánh khẩn cấp tại sân bay gần nhất. Rất may, các nhân viên y tế đã tới kịp thời, đưa tôi xuống máy bay và tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch. Đèn và còi báo động vang lên, xe cấp cứu phóng nhanh đến bệnh viện.
Hậu quả kéo dài
Tôi làm thủ tục nhập viện để theo dõi và xuất viện vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa kết thúc ở đó. Tôi mắc một tình trạng sức khỏe khác có tên là hội chứng lối thoát ngực (TOS), làm ảnh hưởng tới mạch ở cánh tay trái. 6 tháng sau cơn ác mộng trên chuyến bay đó, ngày nào tôi cũng phải tập vật lý trị liệu và tiêm Botox. Một cuộc phẫu thuật lớn được tiến hành và tôi phải băng tay nên không thể bế được con trai. Một năm sau tôi vẫn đang gánh chịu những hậu quả từ chuyến đi đó.
Với vết sẹo lớn trên cánh tay, tôi nhớ lại toàn bộ những gì đã xảy ra vào mỗi buổi sáng khi tắm. Tôi mơ thấy những giấc mơ khủng khiếp và phải gặp bác sĩ trị liệu hậu chấn tâm lý hàng tuần. Tôi không biết liệu mình còn có thể bước lên máy bay lần nữa hay không. Tất cả những điều này là do hãng hàng không đã phớt lờ cảnh báo của tôi. Nhiều người không hiểu vì họ chưa từng bị dị ứng nghiêm trọng đến mức đe dọa tới tính mạng.
Tôi thấy trải nghiệm đáng sợ này hoàn toàn đáng giá nếu chúng có thể giúp cứu mạng người. Tôi mong mọi người hãy nâng cao nhận thức và thay đổi lối suy nghĩ: Dị ứng không hề nguy hiểm.
(Nguồn: Pre)
Nhung Mai