(Tổ Quốc) - Người phụ nữ được Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM chẩn đoán bệnh lành tính tuyến vú sau nhiều ngày theo dõi. Nhưng sau đó bác sĩ tại BV tuyến quận lại xác định khối u ác tính nên đã phẫu thuật cắt 1 bên ngực bệnh nhân.
Mới đây, chúng tôi nhận được phản ánh của chị N.T.M.C. (43 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) về những bức xúc trong quá trình điều trị của chị tại BV Ung bướu TP.HCM.
Được bệnh viện tuyến trên chẩn đoán lành tính, nhưng hơn 1 tháng sau phải phẫu thuật cắt ngực
Chị C. cho biết từ năm 2017 chị bắt đầu thấy đau ngực phải. Đến bệnh viện Ung bướu TP.HCM thăm khám, chị được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh lý thay đổi sợi bọc tuyến vú lành tính.
Đến đầu tháng 6/2020 trong một lần kiểm tra sức khỏe tổng quát, bác sĩ thấy vú phải người phụ nữ có dấu hiệu lạ nên khuyên đi bệnh viện.
Tại BV quận Thủ Đức sau khi siêu âm và xét nghiệm, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có lao vú nên đề nghị làm tiểu phẫu sinh thiết để có kết quả chính xác.
"Vì lo lắng nên tôi quyết định lên BV Ung bướu TP.HCM điều trị. Tôi được thăm khám, siêu âm, chụp nhũ ảnh lại lần nữa và được chỉ định mổ u ngực để sinh thiết. Tôi đóng hơn 2 triệu đồng ngày 6/8 để chờ mổ", chị C. kể.
Đến sáng 7/8, chị C. vào phòng mổ và nằm chờ nhiều tiếng. Tuy nhiên đến trưa, một bác sĩ cầm hồ sơ của chị lên, thông báo với chị sẽ trả tiền lại không mổ nữa.
"Bác sĩ không nói lý do vì sao không cho mổ mà chỉ kêu y tá làm hồ sơ cho tôi nhập khoa Ngoại 4 vào trưa cùng ngày.
Tôi tiếp tục được siêu âm, xét nghiệm máu, hội chẩn. Cứ sáng lên BV, chiều về nhà suốt 3 tuần lễ liên tục. Đến 26/8, tôi được cho ra viện vì chẩn đoán là u lành tính, hẹn tái khám sau 6 tháng", nữ bệnh nhân nói tiếp.
Không yên tâm với kết quả trên, chị C. quay đến BV quận Thủ Đức khám lại. Ngày 14/9 sau khi tiến hành tiểu phẫu, kết quả sinh thiết khối u khiến chị tá hỏa với chẩn đoán nghi ngờ bướu tuyến vú ác tính.
Đến ngày 3/10 sau khi thực hiện thêm một xét nghiệm chuyên sâu, khối u được xác định ác tính hoàn toàn. Ngày 7/10, chị C. phẫu thuật cắt bỏ một bên vú phải tại BV quận Thủ Đức.
Bệnh nhân và bác sĩ điều trị đều bức xúc
Bên cạnh những hoài nghi về việc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chẩn đoán bệnh sai, chị C. còn thêm bức xúc khi cho rằng bệnh viện này không trả đầy đủ hồ sơ bệnh án cho mình, dẫn tới khó khăn cho nơi tiếp nhận điều trị về sau.
"Tôi thấy mình may mắn vì lo xa. Nếu tôi nghĩ BV Ung bướu là tuyến trên với nhiều bác sĩ giỏi đã chẩn đoán mình lành tính mà chủ quan, để tới 6 tháng sau tái khám theo lịch hẹn thì không biết lúc đó tôi còn sống không.
Tôi sợ những người khác cũng vô tư chờ hẹn, phát hiện ung thư trễ và gánh hậu quả về sức khỏe. Vì sao BV lớn vậy lại không phát hiện được ung thư?
Sau khi xuất viện, tôi có lên BV Ung bướu để xin hồ sơ bệnh án theo lời bác sĩ dặn. 10 ngày sau thì có nhưng tóm tắt bệnh án rất đơn giản và không có bất kỳ giấy siêu âm, xét nghiệm nào. Không có những giấy tờ này, bác sĩ hỏi quá trình điều trị trước làm sao tôi biết?" – chị C. liên tục đặt câu hỏi.
Liên quan tới sự việc, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, BV quận Thủ Đức thông tin thêm, sau khi bệnh nhân quay trở lại bệnh viện thăm khám, các bác sĩ đã phải tiến hành lại tất cả xét nghiệm trước khi khẳng định bệnh nhân mang khối u ác tính ở vú. Do đó bệnh nhân đã được cắt rộng khối u, nạo hạch.
Bác sĩ Vũ cho rằng việc BV điều trị trước đó không cung cấp các giấy tờ xét nghiệm cho bệnh nhân, ông gặp rất thường xuyên.
"Theo quy định của Bộ Y tế, hồ sơ bệnh án là mật. Tuy nhiên, vấn đề xét nghiệm là chuyện khác. Chúng tôi rất cần xem lại phim chụp nhũ ảnh trước, phiếu siêu âm trước đây để đánh giá và đưa ra hướng xử lý tốt nhất cho bệnh nhân.
Nhiều trường hợp khi chúng tôi tiếp nhận, các BV điều trị trước đó lại không cung cấp khiến chúng tôi không có cơ sở để so sánh diễn tiến bệnh theo thời gian.
Nhiều lần BV phải làm công văn yêu cầu thì phía BV khác mới gởi tóm tắt bệnh án. Điều này gây mất thời gian, có những bệnh nhân nặng đã không qua khỏi trong lúc chờ đợi" – bác sĩ Vũ chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Vũ, tóm tắt bệnh án không thể thay thế việc đánh giá trực tiếp trên những xét nghiệm, ảnh phim hay MRI của bệnh nhân. Việc không cung cấp các hình ảnh chẩn đoán cho bệnh nhân sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân và cả bác sĩ khi nhận bệnh từ nơi khác đến.
"Bệnh nhân đã trả tiền làm xét nghiệm thì đương nhiên phải có quyền được giữ xét nghiệm đó để đi bất cứ nơi nào họ muốn.
Việc cung cấp hình ảnh xét nghiệm còn giúp các đồng nghiệp với nhau kiểm tra lại kết quả đọc đã chính xác chưa, hạn chế được vấn đề thiếu sót, sai lầm trong chẩn đoán.
Tôi nghĩ một số BV còn máy móc, cứng nhắc trong vận dụng quy định về hồ sơ bệnh án." – bác sĩ bức xúc.
Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM: Nhân viên y tế có sơ suất
Trao đổi với chúng tôi về sự việc trên, TS.BS Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM xác nhận, bệnh nhân N.T.M.C. đã được thăm khám và điều trị tại đây từ năm 2017, với chẩn đoán thời điểm đó là thay đổi sợi bọc tuyến vú.
TS.BS Diệp Bảo Tuấn cho biết, đây là một bệnh lý lành tính mãn tính, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách uống thuốc, không phải phẫu thuật.
Quá trình theo dõi, tháng 6/2020 bệnh nhân có đến BV quận Thủ Đức thăm khám thêm và được nơi này chẩn đoán có tổn thương dạng hạt nghi ngờ lao, cũng là 1 bệnh lành tính.
"Nếu bệnh nhân bị lao vú sẽ được uống thuốc theo chương trình tầm soát quốc gia miễn phí nhưng phải có bằng chứng về mặt giải phẫu bệnh.
Dựa theo chẩn đoán của BV quận Thủ Đức, các bác sĩ phòng khám của BV Ung bướu TP.HCM đã chỉ định tiểu phẫu sinh thiết cho bệnh nhân.
Tuy nhiên tại phòng tiểu phẫu khi bác sĩ Trưởng khoa Khám bệnh theo dõi lại kết quả thăm khám, siêu âm lại nghi ngờ tổn thương vú của bệnh nhân là ung thư. Do đó, bệnh nhân được yêu cầu nhập viện khoa Ngoại tuyến vú để điều trị chuyên sâu hơn.
Tại đây các bác sĩ đã khảo sát kỹ, tập hợp tất cả dữ liệu, trao đổi với phía chẩn đoán hình ảnh và ra kết luận cuối cùng tổn thương tuyến vú của bệnh nhân là lành tính", bác sĩ Tuấn thông tin và thừa nhận quá trình này, nhân viên y tế điều trị có phần sơ suất khi không giải thích rõ cho người bệnh hiểu.
Về thông tin bệnh nhân trở lại BV tuyến quận nhưng được chẩn đoán khối u ác tính và phải phẫu thuật cắt bỏ ngực, Lãnh đạo BV Ung bướu TP.HCM cho biết chưa nhận được phản hồi.
Tuy nhiên bác sĩ Tuấn cho rằng sau quá trình theo dõi và điều trị một bệnh lành tính, bệnh nhân trở về rồi xuất hiện bệnh lý ác tính trong một thời gian ngắn là có thể xảy ra. Bệnh lý này thường xuất hiện trên một tổn thương hoàn toàn mới.
"Sau khi khảo sát lại hồ sơ, trao đổi với bác sĩ lâm sàng, chúng tôi thấy hoàn toàn phù hợp về mặt chẩn đoán và theo dõi điều trị.
Nhưng nếu vẫn muốn xác định chính xác việc hội chẩn bệnh nhân lành tính, ác tính là đúng hay sai, có thể nhờ đến một hội đồng chuyên môn độc lập", lãnh đạo BV khẳng định.
Còn vấn đề liên quan tới hồ sơ bệnh nhân, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, theo quy định của Luật Khám chữa bệnh do Quốc hội ban hành thì hồ sơ bệnh án là mật. Bệnh viện không thể tùy tiện cho bất cứ ai thông tin này.
"Người bệnh muốn xin thông tin phải có đơn đề nghị. Với trường hợp này, BV đã cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án bằng văn bản từ tháng 9/2020. Nói BV làm khó dễ, không chịu cung cấp bệnh án là sai sự thật.
Ngoài ra, tất cả các thông tin khác trong hồ sơ, nếu người bệnh có yêu cầu như xin y chứng, sao chụp hình ảnh X-quang, MRI… thì BV vẫn có thể cung cấp.
Việc bảo mật hồ sơ được pháp luật quy định rất chặt chẽ để tránh những tranh chấp không đáng có của người bệnh hoặc thân nhân người bệnh sau này", bác sĩ nói thêm.
Còn về phía BV điều trị hiện tại nếu muốn xin hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, cần có đề nghị bằng văn bản của phòng Kế hoạch tổng hợp, có đóng dấu mộc đỏ BV theo đúng thẩm quyền.
Lãnh đạo BV Ung bướu TP.HCM cho biết đến thời điểm hiện tại, nơi này chưa nhận được đề nghị cấp hồ sơ bệnh án từ BV quận Thủ Đức.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trong các bản tin tiếp theo.
Hoàng Lê