(Tổ Quốc) - "Tôi chưa kết hôn, giấy tờ của tôi cũng dễ chỉnh sửa hơn người đã kết hôn. Bây giờ tôi chỉ chỉnh tên trên giấy CMND và giấy tờ nhà đất thôi", chị Phương nói.
Chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương (33 tuổi, ngụ xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) đã gửi hồ sơ lên UBND huyện Nhơn Trạch xin đổi tên ngắn hơn, thành Nguyễn Thị Kim Phương, bỏ đi hai từ "Hoàng Linh".
Người phụ nữ này trình bày với báo Tuổi trẻ, do tên quá dài nên chị không thể làm được thẻ ngân hàng, ngoài ra còn bất tiện khi làm một số thủ tục, bị bạn bè chọc ghẹo.
"Tôi chưa kết hôn, giấy tờ của tôi cũng dễ chỉnh sửa hơn người đã kết hôn. Bây giờ tôi chỉ chỉnh tên trên giấy CMND và giấy tờ nhà đất thôi. Còn bằng cấp ngày xưa tôi cũng không chỉnh sửa lại làm gì vì công việc của tôi độc lập, không cần thiết", chị Phương nói với nguồn trên.
Văn bản trả lời của UBND huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Lao động
Phía UBND huyện Nhơn Trạch sau đó trả lời từ chối hồ sơ xin thay đổi chữ đệm tên của chị Phương.
Ông Phạm Sơn Điền (Phó Chánh văn phòng UBND huyện Nhơn Trạch) thông tin trên báo Tuổi trẻ: Cá nhân có quyền được phép yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 28, Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.
Theo ông, trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương yêu cầu thay đổi chữ đệm tên với lý do tên quá dài không thể làm thẻ ATM được, không thuộc các trường hợp được thay đổi họ tên theo điều luật trên; Việc UBND huyện Nhơn Trạch ban hành văn bản số 7653/UBND-NC từ chối là đúng quy định của pháp luật.
Theo Pháp luật TP.HCM, ông Lương Hữu Ích (Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch) nói, huyện đã làm việc với chi nhánh Ngân hàng Agribank ở Nhơn Trạch. Ngân hàng quy định khi mở thẻ, độ dài của tên tối đa 26 ký tự kể cả khoảng trắng, nhưng tên của chị Phương dài 33 ký tự nên không làm thẻ được.
"Đây là trường hợp đặc biệt, chi nhánh sẽ xin ý kiến ngân hàng cấp trên để được hướng dẫn, hỗ trợ và sớm có hướng giải quyết cho chị Phương.
Nếu như không được thì chúng tôi sẽ mời chị Phương đến để làm việc và hướng dẫn làm lại đơn thay đổi tên nhưng phải tìm lý do phù hợp. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ công dân nhưng phải đúng theo quy định pháp luật…", Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Ích.
Hôm qua (30/10), Chủ tịch UBDN huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho báo Thanh niên biết, huyện đã gửi văn bản lên Sở Tư pháp Đồng Nai xin ý kiến để xử lý trường hợp công dân xin thay đổi tên này.
Về trường hợp này, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) nói phía tỉnh Đổng Nai đã cứng nhắc trong giải quyết.
Ông Khanh nói với nguồn trên: "Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ quyền thay đổi tên là quyền nhân thân, gắn với con người cụ thể.
Bất cứ ai thấy tên của mình không phù hợp, việc sử dụng tên đó gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình và muốn thay đổi thì đều có quyền yêu cầu Phòng Tư pháp ở quận, huyện công nhận việc thay đổi ấy. Công nhận chứ không phải xin gì cả".
Theo Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, tên chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương dài như vậy không phải lỗi do chị này, mà do cha mẹ và người đăng ký khai sinh. Khi tên ảnh hưởng tới công việc và giao dịch nghĩa là ảnh hưởng lợi ích hợp pháp của công dân. Cán bộ thực thi nhiệm vụ cần hiểu đúng để thực hiện nguyện vọng chính đáng của người dân.
"Cục đã tổ chức rất nhiều cuộc tập huấn về công tác hộ tịch và lần nào cũng nhấn mạnh đấy là quyền nhân thân, quyền căn bản của người dân.
Nhưng vẫn có một bộ phận cán bộ tư pháp - hộ tịch địa phương không hiểu hết, cứng nhắc trong áp dụng pháp luật. Những trường hợp như vậy, khi người dân, báo chí phản ánh, cục sẽ có văn bản nhắc nhở", ông Nguyễn Công Khanh khẳng định trên báo Pháp luật TP.HCM.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Tuấn (thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai) phân tích trên Thanh niên: "Trong trường hợp này UBND huyện Nhơn Trạch ra quyết định vậy cũng không sai, nhưng có điều hơi cứng nhắc. Người dân xin thay đổi tên để thuận lợi cho công việc của họ trong cuộc sống chứ không có ý đồ xấu gì, vì vậy chính quyền nên linh động xử lý, còn từ chối thì không thỏa đáng lắm".
(Tổng hợp)
T.T