(Tổ Quốc) - Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo mới mà kẻ gian sử dụng với mục đích đánh cắp thông tin thẻ ATM, thẻ tín dụng của người dùng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Thời gian qua, nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức công nghệ cao diễn ra rất phức tạp. Các ngân hàng, sàn thương mại điện tử... liên tục phát ra khuyến cáo đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ cần cẩn trọng trong các giao dịch. Đặc biệt mới đây, thêm một hình thức lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy và mất tiền.
Theo đó, lợi dụng nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng cao, kẻ gian sử dụng chiêu trò giả danh cán bộ ngân hàng để lấy cắp thông tin bảo mật thẻ, tài khoản như mật khẩu và mã số OTP, từ đó chiếm đoạt tiền của khách hàng. Một trong những hình thức mới nhất là gọi điện giả danh cán bộ nhân viên ngân hàng "mời" rút tiền qua thẻ tín dụng, chuyển đổi trả góp.
Đã có rất nhiều người sập bẫy hình thức này. Mới đây nhất, chị N.T. T (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Chị T. cho biết ngày 01/3/2022, chị nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng T. Người này cho biết, ngân hàng đang có chính sách hoàn phí dịch vụ thường niên thẻ tín dụng cho những khách hàng mới sử dụng và ít dùng thẻ này. Người này, sau đó yêu cầu chị T. xác nhận 3 số cuối trên thẻ tín dụng và đọc số CMND.
Khi nhận được cuộc gọi, chị T. cũng không nghi ngờ vì trước đó khi làm thẻ tín dụng, nhân viên của ngân hàng T. cũng có thông báo sau 3 tháng, nếu chi tiêu từ 500.000 trở lên sẽ được hoàn lại phí thường niên.
Tuy nhiên, điểm khiến chị bị lừa ở đây chính là nhân viên giả mạo nói tài khoản của chị mới đăng ký, ít giao dịch nên sẽ thuộc nhóm được hoàn lại tiền. Sau đó yêu cầu chị xác nhận 4 số cuối trong thẻ tín dụng, kẻ này cũng tự đọc 12 số đầu trong thẻ yêu cầu chị xác nhận. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là việc 12 số đầu trong thẻ mà kẻ gian đọc trùng khớp với số thẻ của chị. Không nghi ngờ nhiều nên chị đã xác nhận 4 số cuối cho người này.
Sau khi cuộc gọi kết thúc, chị T. kiểm tra tài khoản và phát hiện bị trừ 15 triệu đồng từ tài khoản tín dụng.
Chị T., cho biết, từ khi làm thẻ tín dụng, chị mới sử dụng vài lần để thanh toán tại siêu thị. Và điều khiến chị băn khoăn là tại sao kẻ lừa đảo lại có 12 số đầu trong thẻ tín dụng của chị, thông tin này bị lộ do những lần thanh toán tại siêu thị hay chính hệ thống ngân hàng đang có những lỗ hổng làm lộ thông tin khách hàng?
Ngoài ra, rất nhiều người sau khi mở thẻ tín dụng tại các ngân hàng đã liên tục nhận được các cuộc gọi từ số lạ, tự xưng là nhân viên của ngân hàng để mời chào rút tiền mặt qua thẻ với lãi suất 0%. Không chỉ gọi điện, khách hàng còn nhận được rất nhiều tin nhắn và mời chào rút tiền mặt từ thẻ tín dụng có nội dung: "Thẻ tín dụng của quý khách được phép ứng tiền mặt không mất phí và hỗ trợ chuyên trả góp. Cần tư vấn call/zalo cho..."...
Các đối tượng trên thường yêu cầu khách hàng chụp căn cước công dân và thẻ tín dụng 2 mặt với cam kết "được hỗ trợ rút 90% hạn mức thẻ, sau đó sẽ hỗ trợ chuyển sang tài khoản chủ thẻ để chi tiêu".
Thậm chí, các đối tượng còn thể hiện "sự chuyên nghiệp" như nhân viên ngân hàng khi yêu cầu khách hàng che mã số CCV (mã số xác minh trên thẻ tín dụng) khi chụp ảnh thẻ tín dụng, đồng thời thông báo khách hàng sẽ nhận được một mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã số OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng). Nếu khách hàng cung cấp mã số này, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử...
Trước sự việc xảy ra với chị T, ngân hàng T. cũng đưa ra khuyến cáo:
Khách hàng cần cảnh giác trước tình trạng lừa đảo công nghệ cao và khẳng định không cung cấp các dịch vụ chào mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng;
Ngân hàng không hợp tác với bất kỳ tổ chức tài chính, tín dụng nào chuyển đổi hạn mức tín dụng sang rút tiền mặt trả góp. Ngân hàng cũng không yêu cầu khách hàng phải cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến số thẻ tín dụng, mật khẩu tài khoản, mã số OTP thông qua điện thoại hay SMS như một số khách hàng đã nhận được.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cho biết tất cả các giao dịch thẻ thực hiện qua POS (Point of Sale - điểm phân phối hàng hóa bán lẻ) nhưng không phát sinh mua bán hàng hóa dịch vụ (đồng nghĩa rút tiền mặt) là loại hình giao dịch "khống" theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đây là giao dịch bất hợp pháp nên khách hàng cần hết sức cảnh giác.
Khách hàng được khuyến nghị nên gọi điện đến ngân hàng nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường trong giao dịch, sử dụng thẻ và tài khoản. Đối với khách hàng đã cung cấp thông tin thẻ cho kẻ lừa đảo, rủi ro hơn là bị mất tiền, ngân hàng sẽ lập tức hỗ trợ thay đổi mật khẩu truy cập tài khoản/các thủ tục cấp đổi thẻ tín dụng mới theo quy định, đồng thời hướng dẫn khách hàng các thủ tục trình báo cơ quan công an.
Để bảo vệ cho chính mình, các khách hàng nên lưu ý:
- Luôn xác thực trực tiếp với người đề nghị thực hiện giao dịch, khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền qua các nền tảng mạng xã hội, tin nhắn;
- Nâng cao cảnh giác, không cung cấp mật khẩu tài khoản, thông tin xác thực giao dịch (các loại tin nhắn OTP hoặc Smart OTP) cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng... để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân tài khoản/thẻ và sử dụng trái phép; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội;
- Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Mobile banking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này;
- Tuyệt đối không để lộ thông tin số thẻ, ngày hết hạn và số CVV/CVC (thường ở mặt sau) của thẻ tín dụng cho bất kỳ ai. Nếu nghi ngờ lộ thông tin, khách hàng cần lập tức liên hệ ngân hàng để đóng thẻ, và phát hành thẻ mới. Khách hàng cũng không tự nhập các thông tin này vào các đường link lạ được gửi đến email/số điện thoại/zalo/facebook... của mình, để tránh bị kẻ gian lợi dụng tiêu dùng qua thẻ.
HẠ VŨ