(Tổ Quốc) - Hơn 30 năm qua, cô Yến luôn day dứt khi nghĩ về đứa con gái đẻ, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn mà buộc lòng phải đem cho người khác.
"Chị ơi, vì hoàn cảnh của em quá khổ, không có chồng, một mình nuôi 3 đứa con. Nếu em cố gắng nuôi thì cả 3 đứa cùng khổ. Em được giới thiệu là chị đang muốn nuôi một đứa con nên em muốn cho chị đứa trẻ này để chị đỡ đầu"...
Một buổi sáng cách đây gần 30 năm, cô Bùi Hoàng Yến (sinh năm 1964, quê ở Sóc Trăng) đã đau khổ nói ra những lời như vậy khi mang người con gái út gần 1 tuổi đến nhà bà chủ cây xăng ở Bến Lức, Long An để cho.
Mẹ đơn thân không kham nổi 3 đứa con nhỏ
Cô Yến lập gia đình lần đầu, sinh được 2 người con gái lần lượt vào năm 1985 và 1988. Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, cô Yến ly dị chồng. Thời gian sau, cô nảy sinh tình cảm với một người đàn ông cùng quê, hai người sống chung và cô Yến mang thai.
Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, thời điểm cô Yến mang thai được 7 tháng thì người đàn ông ấy cũng bỏ đi. Cuộc sống quá nhiều khó khăn, người phụ nữ đang bụng mang dạ chửa không biết nương nhờ vào đâu đành ôm bụng đi tìm người đàn ông đó, yêu cầu ông phải có trách nhiệm với mình cùng đứa trẻ.
Cô Bùi Hoàng Yến day dứt đi tìm con sau gần 30 năm xa cách.
"Ông ấy lo cho tôi sinh nở xong, đến khi con được 4 tháng tuổi là bỏ đi không quay trở lại nữa. Con gái út của tôi chào đời năm 1993, tôi đặt tên con là Lâm Bích Diệu" – cô Yến kể.
Trở thành mẹ đơn thân nuôi 3 đứa con nheo nhóc, cô Yến đã trải qua những ngày tháng hết sức vất vả, làm đủ nghề từ giặt đồ thuê đến bồng con đi bán vé số mưu sinh. Đến khi con gái út được 11 tháng tuổi, cũng là lúc cô Yến đuối sức, không đủ khả năng nuôi các con. Bé út thiệt thòi, đói khổ vì mẹ chẳng đủ tiền để mua cho con một hộp sữa.
Thấy hoàn cảnh của cô Yến quá éo le, một người quen đã khuyên cô nên đem cho đứa con út để đỡ vất vả. Người này giới thiệu vợ chồng ông chủ cây xăng ở Bến Lức, Long An rất khá giả nhưng hiếm muộn, đang muốn xin một đứa con để nuôi.
Cô luôn giữ những hình ảnh của con gái mình.
Không người mẹ nào muốn cho đi đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Nhưng lúc đó, việc nuôi con nằm ngoài khả năng của cô Yến.
"Đau lòng lắm, tôi suy nghĩ mất mấy đêm, nếu cứ cố giữ con thì cả 3 đứa sẽ cùng đói, cùng khổ. Thay vì vậy thì cho con vào gia đình khá giả, sau này bé được ăn học đàng hoàng cũng bớt khổ. Hôm ấy vào khoảng 9h sáng, tôi quyết định bồng con đến nhà bà chủ cây xăng nói chuyện, nhờ bà nhận nuôi con. Thấy đứa nhỏ dễ thương quá, bà ấy đồng ý luôn.
Tôi xin bà chủ thỉnh thoảng cho tôi được nhìn con nhưng bà không chịu, nói cho là cho hẳn, không ràng buộc gì nữa. Rồi bà ấy đưa cho tôi 1 triệu đồng. Tôi không nhận, tôi cho con chứ không bán con. Nhưng bà chủ bắt tôi phải lấy, nếu không sẽ không nhận đứa trẻ.
Tôi bị lâm vào đường cùng, buộc lòng phải cầm số tiền ấy. Sau đó tôi giao giấy chứng sinh cho bà chủ, làm các thủ tục cho con rồi quay về mà khóc suốt cả quãng đường" – cô Yến nhớ lại ngày định mệnh.
Những ngày tháng sau đó, cô Yến nhớ con gái da diết nên dù biết mình không giữ lời hứa, tình mẫu tử vẫn thôi thúc cô qua lại gần khu vực nhà ông bà chủ cây xăng, dò hỏi thông tin, mong được nhìn thấy con.
Nhờ một người phụ nữ bán nước tốt bụng sống gần đó, cô Yến biết được con gái mình đã được bố mẹ nuôi đổi tên là Lý Thị Hoài Ân. Ông bà chủ cây xăng rất cưng chiều con gái nuôi. Hàng ngày, Hoài Ân được bố mẹ cho xe đưa đón từ Long An lên quận 7, TP. HCM học ở trường quốc tế.
Bức ảnh chụp Hoài Ân lúc 7 tháng tuổi.
Năm 14-15 tuổi, cô Yến dò hỏi được thông tin và đã tìm đến cổng trường học của con gái, đứng chờ mong được gặp con. Thấy con gái bước xuống từ xe hơi, cô lao đến nói: "Út Diệu ơi, mẹ là mẹ ruột của con đây. Ngày xưa mẹ khổ quá mẹ bồng con cho ông bà chủ cây xăng Bến Lức...". Bỗng dưng gặp tình huống bất ngờ, Hoài Ân phản ứng: "Cô nói cái gì vậy?" rồi bỏ vào trong trường.
Sau này cô Yến được biết, Hoài Ân có về nhà bật khóc, tỏ ra buồn bã và nói chuyện với mẹ. Không lâu sau, ba nuôi của Hoài Ân mất, cô cùng mẹ đã rời quê sang nước ngoài định cư. Từ đó đến nay, cô Yến không có cơ hội gặp lại con.
Chỉ mong được nói chuyện với con qua điện thoại
Nói về lý do quyết định chia sẻ thông tin để tìm con. Cô Yến ngậm ngùi kể, bao năm qua cô vẫn không ngừng âm thầm hỏi thăm tin tức về con gái.
Trải qua mùa đợt bùng phát dịch bệnh vừa rồi ở TP.HCM, cô bỗng nhận ra cuộc đời thật vô thường. Bản thân cô có nhiều bệnh trong người: Huyết áp, tim mạch, rối loạn tiền đình,... Đêm xuống có hôm cô hôm ngủ được, hôm không và thường xuyên phải dùng thuốc ngủ. Năm nay cô Yến đã gần 60 tuổi, không biết từ đây về sau cô sẽ thế nào, sống chết ra sao. Chính vì vậy mà cô quyết định tìm con gái.
Mặc dù hiện tại rất khổ, rất nghèo, nhưng cô Yến không mong tìm lại con để lo cho mình. Cô chỉ mong khi con gái biết thông tin, sẽ gọi cho cô một cuộc điện thoại để biết về người mẹ đã sinh thành ra mình.
Hoài Ân năm 10 tuổi, cô Yến xin được bức ảnh từ một người họ hàng của con gái.
"Chị Dung, chị là mẹ của Hoài Ân, không có công sinh nhưng có công dưỡng rất lớn. Em rất cám ơn chị. Em thấy nhiều cha mẹ nuôi ở nước ngoài về Việt Nam xin con, sau này họ vẫn cho con về tìm cội nguồn.
Em không mong con về Việt Nam tìm em, giúp đỡ hay lo lắng cho em. Em chỉ mong một điều là con gái sẽ liên lạc với em", cô Yến gửi lời giãi bày đến mẹ nuôi của con gái.
Với Hoài Ân, cô mong con gái đừng oán hận mà hãy hiểu cho nỗi lòng của một người mẹ vô cùng day dứt khi phải cho đi đứa con của mình. Cô Yến hy vọng Hoài Ân cho cô cơ hội, để hai mẹ con được một lần nói chuyện với nhau qua điện thoại.
Nguồn: Guufood
Lam Giang