(Tổ Quốc) - Từng là cặp đôi hoàn hảo trong mắt tất cả mọi người, cuối cùng người vợ không chịu nổi vất vả đã bỏ trốn theo học trò của chồng rồi gặp cái kết bi đát.
Vị họa sĩ lừng danh và cuộc hôn nhân hoàn hảo
Thường Thư Hồng là họa sĩ nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc. Năm 20 tuổi, khi cha qua đời, một người họ hàng xa đến viếng và có mang theo cháu gái Trần Chi Tú.
Nói là họ hàng song Trần Chi Tú chỉ là con gái riêng của người chị dâu họ nên hai bên không có quan hệ gì. Bởi thế, khi rung động từ cái nhìn đầu tiên, cặp đôi nhanh chóng đến với nhau.
Mối quan hệ này cũng được gia đình chấp nhận. Năm 1925, họ bước vào cung điện hôn nhân. Lúc đó, Thường Thu Hồng 21 và Trần Chi Tú 17 tuổi.
Họ yêu nhau say đắm. Thường Thư Hồng còn hứa hẹn suốt kiếp đối xử tốt với vợ khiến Trần Chi Tú cảm động vô cùng.
Sau này, Thường Thư Hồng được sang Pháp để học hội họa. Giây phút chia tay ông nói rằng sẽ cố gắng để đón vợ cùng sang.
Sang Pháp, họ Thường dần dần khiến tên tuổi được biết đến bằng hàng loạt những tác phẩm xuất sắc. Ông còn có triển lãm của riêng mình.
Bản thân Trần Chi Tú ở lại cũng cố gắng học thêm điêu khắc và chăm chỉ luyện tiếng Pháp để chuẩn bị cho việc du học. Mặc dù chuyện đi học nước ngoài vào những năm đó tốn kém song gia đình hai bên đều là nhà giàu nhiều thế hệ nên chuyện này không quá khó khăn.
Trần Chi Tú sau đó cũng sang Pháp với chồng tự du học bằng chi phí gia đình.
Sang Pháp, tình cảm vợ chồng ngày càng khăng khít hơn. Chồng hội họa, vợ điêu khắc, họ là cặp đôi kiểu mẫu trong những du học sinh.
Năm 1931, Trần Chi Tú hạ sinh con gái đầu lòng. Sau đó, Thường Thư Hồng tốt nghiệp và được nhận tiếp học bổng tại École des Beaux-Arts ở Paris.
Ở Pháp, vì danh tiếng ngày càng lên cao, tranh của Thường Thu Hồng có giá bán tăng chóng mặt. Nhiều nhà kinh doanh cũng muốn hợp tác với ông để mở triển lãm. Nhiều người cho rằng rồi ông sẽ trở thành họa sĩ phương Đông nổi tiếng tầm cỡ thế giới sau vài năm.
Ở Pháp, gia đình họa sĩ Thường sống trong một biệt thự. Vợ chồng ông hay tổ chức tiệc, mời các du học sinh đến nhà nói chuyện. Vẻ đẹp, gu ăn mặc cũng như cách nói chuyện độc đáo của Trần Chi Tú để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Thường Thu Hồng cũng vẽ nhiều tranh về vợ và con gái. Ai cũng thấy đây là gia đình hoàn hảo nhiều người mơ ước.
Thế nhưng đến năm 1936, sau khi nhìn thấy một album ảnh chụp ở Đôn Hoàng, ông quyết định quay về Trung Quốc để nghiên cứu hội họa tại đây.
Trần Chi Tú phản đối quyết liệt. Bà đã yêu đất nước lãng mạn này rồi và không muốn gấp gáp về nước đến thế.
Thường Thư Hồng nhất quyết về trước và đến Đôn Hoàng (khu di tích lịch sử) để nghiên cứu. Trần Chi Tú và con gái 1 năm sau mới về theo.
Bước ngoặt khi về nước và kết cục cuối của cặp vợ chồng hoàn hảo
Khi về nước, cuộc sống trái ngược với những gì ở Paris khiến Trần Chi Tú chán nản. Bà đang sung sướng ở nước ngoài vậy mà phải về nước chịu nắng gió khắc nghiệt và cuộc sống thiếu thốn ở vùng Tây Bắc Trung Quốc.
Trong thời gian này, Trần Chi Tú sinh con thứ 2 song tình cảm vợ chồng thì chẳng được như xưa. Điều kiện ở Đôn Hoàng thiếu thốn quá.
Sau này, một trợ lý trẻ tuổi, đẹp trai họ Triệu ở bên cạnh Thường Thư Hồng. Đây là học trò của ông, cũng làm công tác nghiên cứu. Họ Triệu và Trần Chi Tú nói chuyện nhiều. Sự ấm áp của anh ta khiến Trần Chi Tú rung động. Cả hai lao vào tình yêu sai trái. Lúc này bà 37 tuổi.
Những ngày ấy, công việc của Thường Thư Hồng càng khó khăn, cuộc sống gia đình thêm nhiều xích mích hơn. Trần Chi Tú hạ quyết tâm bỏ trốn với nhân tình.
Một lần, Trần Chi Tú đề nghị đến Lan Châu khám bệnh. Vì họ Thường bận rộn nên họ Triệu quyết định đồng hành cùng. Lúc đó họa sĩ nổi tiếng còn mừng vì vợ mình có người chăm sóc trên đường.
4 ngày sau, một nhà nghiên cứu làm chung tìm thấy bức thư tình của họ Triệu gửi cho Trần Chi Tú. Ông đưa đến cho Thường Thư Hồng. Đến lúc này họ Thường hoảng hốt nhưng đã chẳng tìm thấy vợ ở đâu nữa. Quá mệt mỏi cộng với cú sốc tinh thần, Thường Thư Hồng ngã bệnh ngay trên sa mạc và được đội địa chất tìm thấy, đưa đi chạy chữa.
Khi về lại Đôn Hoàng, gặp 2 đứa con nước mắt lưng tròng, ông càng đau đớn hơn. Trần Chi Tú thì cạn tình đến mức đăng báo tuyên bố ly hôn với Thường Thư Hồng.
Liên tiếp các cú sốc đến, Thường Thư Hồng càng quyết tâm gắn bó để bảo tồn di sản Đôn Hoàng.
Ông một mình nuôi 2 con khôn lớn, ngày ngày đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Sau này, ông tái hôn và có cuộc sống hạnh phúc đến cuối đời.
Trần Chi Tú không may mắn được vậy. Sau khi bỏ đi, bà kết hôn với họ Triệu và sống dựa vào thu nhập của chồng trẻ. Bà cũng có cuộc sống tinh tế như xưa.
Tuy nhiên những ngày tốt đẹp không kéo dài lâu, vì nhiều lí do mà họ Triệu bị bắt đi tù rồi biệt tích.
Trần Chi Tú vốn là nhà điêu khắc. Nếu như bình thường bà vẫn có thể kiếm sống bằng nghề này song chuyện bà bỏ rơi ba cha con Thường Thư Hồng quá nổi tiếng nên chẳng ai muốn dính dáng hay giúp đỡ bà.
Để tồn tại, Trần Chi Tú làm công việc lặt vặt. Khi biết họ Triệu chết vì bệnh trong tù, bà tái hôn lần 3 với một công nhân rồi sống bằng nghề trông trẻ. Có thời gian còn đi làm người hầu để sinh sống.
Sau này, cô con gái có tìm gặp mẹ thì sửng sốt bởi bà chưa quá già nhưng mái tóc bạc phơ, khuôn mặt khắc khổ. Bàn tay bà thô ráp, các khớp xương sưng tấy vì làm việc nặng lâu ngày.
Nhìn Trần Chi Tú bây giờ chẳng ai nghĩ bà có một tuổi trẻ lẫy lừng và vinh quang. Cuộc đời của bà từ sau khi bỏ chồng bỏ con chỉ toàn là bi kịch.
Cô con gái mủi lòng và có tìm gặp mẹ 1 lần rồi hàng tháng gửi cho bà ít sinh hoạt phí. Cậu con trai vẫn luôn căm hận Trần Chi Tú. Chỉ đến khi bà chết đi thì anh mới buông bỏ thù hận, bỏ qua cho người mẹ tàn nhẫn thuở nào.
Nguồn: 163.com, Sohu
Ca Ca