(Tổ Quốc) - Không phải cam, cũng chẳng phải quýt, loại quả này được phụ nữ Nhật Bản lẫn Hàn Quốc sử dụng làm bí quyết giữ gìn sức khỏe và làm đẹp da nhanh chóng.
Thanh yên là một loại trái cây có múi nhỏ màu vàng hoặc xanh, thuộc chi cam chanh. Mặc dù chúng không phổ biến, nhưng loại quả này đã được phụ nữ Nhật, Hàn và các đầu bếp nổi tiếng dùng để chế biến món ăn và làm đẹp.
Trong nhiều thập kỷ qua, thanh yên được sử dụng nhiều trong ẩm thực Nhật Bản và Hàn Quốc. Hương vị chua chua nhưng mùi thơm tuyệt vời của loại quả này có thể chinh phục được ngay cả những người khó tính nhất.
Giống thanh yên phổ biến nhất là xuất xứ từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Giống thanh yên Ấn Độ quả thuôn dài, vị chua, hơi đắng nên phần lớn được dùng để trị bệnh. Giống thanh yên cho trái tròn của Nhật Bản chua nhẹ và thơm được dùng nhiều trong ẩm thực. Còn giống thanh yên Hàn Quốc chua ngọt, hơi đắng nhẹ được dùng làm trà, mứt nhiều hơn; có tác dụng trị ho, giải cảm, giải rượu, dưỡng họng.
Thanh yên có hạt to bên trong, bởi vậy chúng chứa ít nước hơn so với cam chanh hoặc quýt.
Mứt thanh yên thực sự rất thơm và bổ dưỡng. Chúng mang lại hương vị tuyệt vời trong cả đồ uống nóng lẫn lạnh. Hương vị thơm ngon của thanh yên không chỉ giúp kháng khuẩn, sạch họng, trị ho mà còn giúp dưỡng da khỏe đẹp, căng mịn, hồng hào.
Cách làm mứt thanh yên
Sơ chế
Chuẩn bị nguyên liệu làm mứt thanh yên gồm trái thanh yên, đường trắng hoặc đường phèn đập nhỏ. Ngoài ra, cần các lọ nhỏ đã được khử trùng. Việc chia mứt vào các lọ nhỏ khi sử dụng sẽ tiện lợi hơn mà không bị hỏng.
Rửa thật sạch thanh yên vì lớp vỏ của loại quả này không mịn mà có chút sần, bụi bẩn dễ bám hơn. Lau khô thanh yên. Dùng dao loại bỏ các đốm đen trên da quả và bổ làm tư.
Tách hạt thanh yên để riêng. Vắt lấy nước cốt. Lột phần vỏ ngoài và cùi trắng của vỏ để riêng.
Để hạt thanh yên vào túi lọc buộc kín hoặc miếng vải xô rồi cột chặt. Tận dụng phần hạt để chắt lấy pectin có trong hạt sẽ giúp cô đặc mứt trong lúc nấu.
Phần cùi trắng cho vào nồi, đổ nước đun sôi. Để lửa vừa trong khoảng 10 phút. Đun lên như vậy vừa giúp làm mềm phần cùi và loại bỏ vị đắng.
Trong lúc chờ phần cùi trắng chín, lấy dao nạo phần cùi xốp trắng dính sát vào vỏ quả. Phần này có vị rất đắng. Sau đó thái sợi mỏng.
Khi phần cùi đã chín mềm, lấy ra để nguội và cắt nhỏ, để sang một bên.
Cho phần vỏ thanh yên thái sợi vào một chiếc nồi. Đun sôi ở lửa vừa khoảng 10 phút. Sau đó, vớt ra đổ qua rây, để ráo. Luộc lên như vậy cũng giúp vỏ thanh yên loại bớt vị đắng.
Nấu mứt
Chuẩn bị lượng đường phù hợp để nấu mứt. Tính tổng khối lượng của phần vỏ quả, cùi trắng luộc và nước cốt thanh yên. Sau đó, lấy lượng đường bằng một nửa khối lượng đã cộng.
Cho vỏ, cùi, đường, nước ép thanh yên vào một nồi lớn.
Chế nước vừa đủ ngập rồi đặt túi hạt thanh yên lên trên.
Đun sôi lăn tăn nhẹ trong khoảng 30 phút, khuấy cho đường tan hết và nổi bọt trắng.
Khi mứt bắt đầu đặc lại, múc thử một thìa và để nguội. Kiểm tra mức độ đông đặc của mứt. Khi nguội mứt sẽ càng đặc hơn. Vì vậy, không nên đun mứt đến đặc quánh. Khi đạt được mức độ đặc vừa phải, tắt bếp và loại bỏ các túi hạt.
Khi khử trùng các lọ đựng mứt còn ấm thì đổ mứt vào luôn. Lau phần vành lọ cẩn thận. Đảm bảo loại bỏ hết bọt khí trong lọ.
Đặt các lọ mứt vào giá hấp. Cho vào nồi lớn và đun sôi trong khoảng 5 phút. Đảm bảo nước ngập lọ khoảng 1cm.
Khi mứt thanh yên đã hoàn thành, bạn có thể bảo quản nơi mát mẻ lên đến khoảng một năm.
Mứt thanh yên có thể mang pha trà nóng uống vào sáng và tối để dưỡng họng, đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, mứt thanh yên cũng có thể dùng để phết bánh mì, vị cũng rất thơm ngon.
Chúc bạn thực hiện thành công với cách làm mứt thanh yên thơm nức này nhé!
Xoài