Người Nhật, Hàn hành lễ rất cẩn trọng nhưng xã hội vẫn phát triển, sao ta lại đòi bỏ đi?

(Tổ Quốc) - Đề xuất của GS Trần Ngọc Thêm cho rằng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã lỗi thời, cần bỏ đi để xây dựng giá trị mới cho thời đại mới đã vấp phải tranh cãi.

Hàng chục năm qua, chúng ta đã quá quen thuộc với khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" được treo trang trọng trên các trường phổ thông. GS Trần Ngọc Thêm đã đề xuất bỏ khẩu hiệu này đi, trong khi nhiều người ủng hộ, thì cũng không ít ý kiến phản đối đến từ những người nghiên cứu văn hóa, chuyên gia truyền thông. Chúng tôi xin trích dẫn một vài ý kiến đến độc giả để rộng đường dư luận.

Người Nhật, người Hàn lễ độ, xã hội vẫn phát triển

Nhà văn Nguyễn Một cho rằng, "khẩu hiệu" có hay không chẳng quan trọng gì, quan trọng là con người có thực hiện đúng "nội hàm" của chữ "lễ" trong cuộc sống không.

"Tôi vào đọc bài phỏng vấn GS tôi mới giật mình, ông nói: "Bởi vì khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1.

Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện.". (Trích báo Tuổi Trẻ)

Thì ra GS hiểu "lễ" là "phục tùng với người trên" là "đào tạo người thừa hành" là "không có tư duy phản biện".

Câu "Tiên học lễ, hậu học văn" thời năm 1974 tôi học lớp 5 Trường tiểu học Chánh Phú, ngay ngày đầu nhập học thầy giáo Trương Hữu Tưởng viết câu này trên bảng và giảng rất ngắn: "Các trò cần hiểu "lễ" là "kính trên nhường dưới".

Gần nửa thế kỷ qua, tôi vẫn nhớ như in lời thầy dạy và sau này suốt 15 năm làm nghề dạy học. Tôi dạy điều đó cho học trò mình, "kính trên" cân bằng với "nhường dưới" không bên nào nặng hơn.

Tôi thực hành câu đó bằng sự gần gũi với các em cho các em phát biểu thoải mái ý nghĩ của mình. Tôi gần đến nỗi một phóng viên truyền hình về trường đã ngạc nhiên khi tôi tham gia trò chơi với các em và tranh cãi luật chơi sòng phẳng, thậm chí có em còn nhéo tai tôi, nhưng khi vào lớp các em lại cực kỳ ngoan ngoãn học tập và phát biểu thẳng thắn…

Sau này lớn lên đọc Luận ngữ mới biết câu này xuất phát từ đây: "Khổng tử nói: Này trò, ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức nữa.".

Trong Luận ngữ của Khổng tử - ông tổ của nho giáo ta cũng thấy ông cùng học trò tranh biện thoải mái chứ ông có bắt học trò "phục tùng" đâu? Không thấy ai dạy chữ "lễ" là chỉ "phục tùng với người trên", là "đào tạo người thừa hành" như GS nhận định.

Mà chữ "lễ" là cách thức giữ gìn "giềng mối của văn hóa ứng xử" với cách hiểu ngắn gọn là "kính trên nhường dưới" trong đời sống đã hình thành "giá trị ổn định" như chính GS đã viết trong giáo trình "Cơ sở văn hóa Việt Nam" của mình:

"Văn hóa thực hiện chức năng giáo dục không chỉ bằng những giá trị ổn định (truyền thống) mà còn bằng cả giá trị đang hình thành. Hai giá trị này tạo thành hệ thống chuẩn mực mà con người hướng tới. Nhờ nó mà văn hóa đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách (trồng người).".

Tôi thấy người Hàn Quốc và Nhật Bản "hành lễ" rất cẩn trọng nhưng xã hội của họ vẫn phát triển rất đáng ngưỡng mộ. Khi bỏ nghề dạy học và nghề báo, làm ở công ty, tôi "nhường dưới" và "kính trên" rõ ràng đến nỗi sếp tôi hỏi: "Ông là bạn tôi sao phải giữ lễ đến như vậy?".

Tôi trả lời: Nếu Trái đất chỉ cần không tuân thủ vòng quay của nó thì mọi thứ sẽ đổ vỡ ngay. Vũ trụ tồn tại bằng "trật tự", xã hội loài người tồn tại bằng "lễ phép". Mà ngay cả bạn bè cũng có chữ "lễ" của bạn anh ạ!".

Xã hội loạn là do mất chữ lễ

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành cũng nêu quan điểm, cách ứng xử, văn hóa là điều rất quan trọng phải dạy trong nhà trường, bên cạnh kiến thức. "Character before Career là câu triết lý của một trường học danh tiếng ở Mỹ, được thành lập từ 1922, The Stony Brook School. Dù là con tỷ phú hay chính trị gia hàng đầu vào đây thì không có chuyện phân biệt đối xử, muốn có phòng riêng có tủ lạnh, bạn phải là người giỏi nhất và phải học cách cư xử cho phải phép với bạn học và mọi thành viên ở trường.

"Xã hội loạn như bây giờ là do mất chữ lễ em ạ" - một ông anh họa sĩ đã nói với tôi như vậy và mười mấy năm nay tôi vẫn chú ý và tâm đắc với câu nói ấy vì nó quá đúng.

Một ông chủ tịch đỏ mặt tía tai bảo với tôi: "Anh nhục quá, nhân viên vào thang máy nhìn thấy không thèm chào. Mấy ông khách chẳng nói gì nhưng chắc chắn họ sẽ coi thường mình.". Và thế là tôi khăn gói quả mướp đi dạy gần chục buổi cho mấy trăm nhân viên trong công ty về văn minh công sở, trong đó có một mục về chào hỏi và bắt tay đồng nghiệp, đối tác. Đó không phải là trường hợp duy nhất.

Trường học không phải chỉ dạy người ta cách kiếm sống mà còn dạy người ta biết cách sống với người khác. Cô giáo đáng kính của chúng tôi đã nói như thế từ khi chúng tôi còn ngồi trên giảng đường. Quả như thế, dù là dạy sinh viên hay người đã đi làm, chúng tôi vẫn ghi nhớ điều này và cố gắng giúp các bạn học viên sống hài hòa với người khác.

Có hai câu nói ở trường học Việt Nam mà tôi thấy chưa bao giờ lỗi thời đó là:

- Tiên học lễ, hậu học văn (đầu tiên phải học làm người trước khi học làm việc).

- Thầy ra thầy, trò ra trò (cố thủ tướng Phạm Văn Đồng)

Ở đời phải biết mình là ai. Câu nói tưởng chừng đơn giản này lại rất nhiều ý nghĩa. Biết mình là ai để hành xử sao cho phải phép. Biết mình là ai để tôn trọng người khác mà không làm tổn hại đến mình. Biết mình là ai, biết người là ai để cư xử sao cho hài hòa.

Học ăn, học nói, học gói học mở. Trường học không dạy người ta chữ lễ đến nơi đến chốn nên mới sinh ra một số tình huống thất thố trong lễ tân ngoại giao cấp cao như trong thời gian qua; mới sinh ra những cách hành xử thiếu văn minh cả trong đời thực và trên mạng.

"Lễ" thời đại số có thể nhìn thấy từ những chi tiết nhỏ như bật camera lên khi học online và mặc đủ quần dài khi họp, đóng cửa khi giật nước vệ sinh, tắt mic khi không phát biểu, không cởi trần lượn lờ trước camera...

Con người ta học lễ từ khi bé tí trong gia đình, đến ở trường học, ở ngoài đời. Ai cấm con người ta biết lễ nghĩa mà không được có tư duy phản biện?

Ai cũng có quyền có quan điểm riêng và cũng không nên ném đá người ta vì nghĩ khác mình. Bác Thêm có thể nghĩ câu nói ấy có thể tác động xấu đến tư duy phản biện nhưng cá nhân tôi nghĩ 2 câu nói ở trên vẫn nên được giữ ở mọi môi trường giáo dục ở Việt Nam, bởi người ta đến trường không phải chỉ để học cách làm việc mà còn học cách làm người.

Lễ chính là những nguyên tắc giúp người ta sống hài hòa với nhau mà không xâm phạm đến giá trị của mỗi người.


Bích Chi

Tin mới