(Tổ Quốc) - Thói quen của cậu bé này cho thấy đó là một dấu hiệu thiếu thốn tình cảm, cha mẹ cần chú ý.
Có một thực tế cho thấy, trước khi sinh con nhà cửa gọn gàng bao nhiêu thì sau khi sinh con lại càng bừa bộn bấy nhiêu. Nhiều người mẹ than phiền rằng, nhà mình có quá nhiều đồ chơi của con cái. Có một số cái đã hỏng hoặc quá cũ, muốn vứt đi nhưng đứa con lại không đồng ý.
Mới đây, một bà mẹ ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã đăng một bài viết phàn nàn về con trai mình. Cô chia sẻ rằng: "Chiếc giường 1m8 của gia đình 3 người vẫn không đủ chỗ. Thậm chí, chiếc giường này mỗi ngày có hơn chục người ngủ cùng nhau. Thế có bất lực không cơ chứ".
Sau đó, người mẹ này bắt đầu giải thích, đầu tiên là cha của đứa trẻ quanh năm độc chiếm vị trí ngoài cùng. Tiếp theo là người mẹ ở giữa và con trai ngủ trong cùng. Chưa dừng lại ở đó, số lượng thành viên ngoài gia đình 3 người còn có thêm một đống siêu nhân Ultraman với đủ kích cỡ, tên gọi khác nhau nằm ngay ngắn bên cạnh con trai mỗi đêm. Song song đó, có thêm vài cuốn sách mẹ hay đọc cho con cũng cần phải để trên giường.
Người mẹ còn nói đùa rằng: "Những siêu nhân này là con trai của tôi. Chiếc giường 1m8 của chúng tôi quá chật chội rồi, thực sự không đủ chỗ".
Lời chia sẻ và than thở của người mẹ này thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Một số người còn bày tỏ: "Nhà tôi cũng thế", "Con nhà tôi cũng thế, lúc nào đi ngủ trên giường cũng lỉnh kỉnh 5 – 6 món đồ chơi", "Giường nhà tôi toàn là máy xúc, máy đào, xe các loại", "2 vợ chồng tôi thì ngủ với một đống Hello Kitty cỡ lớn".
Một số cha mẹ quan sát và nhận thấy rằng, khi con mình đến một độ tuổi nhất định, chúng sẽ bị ám ảnh đặc biệt bởi một món đồ nào đó, có thể là một chiếc chăn hoặc đồ chơi. Dù làm gì, trẻ cũng phải mang chúng theo, không có bên cạnh thì không thể ngủ.
Hiện tượng tôn sùng một thứ gì đó của trẻ là gì?
Trên thực tế, tình trạng yêu thích quá mức một thứ gì đó là hiện tượng bình thường trong quá trình trẻ lớn lên. Sự gắn bó này của trẻ thường xảy ra ở độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi. Đây thực chất là một cách để trẻ tìm kiếm cảm giác an toàn, tình trạng này sẽ dần dần biến mất trong quá trình trẻ lớn lên, cha mẹ không cần quá lo lắng.
Điều cha mẹ cần lưu tâm nhất, đây là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang thiếu thốn tình thương của cha mẹ. Thông thường, nó sẽ xảy ra khi trẻ thường xuyên không được tương tác với cha mẹ mình. Lúc này, trẻ sẽ chuyển mong muốn được gần gũi sang một món đồ nào đó. Món đồ này sẽ trở thành vật thay thế cha mẹ, lúc nào cũng ở bên cạnh trẻ.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ quá tôn sùng một thứ nào đó?
Trên thực tế, kiểu hành vi tôn sùng này của trẻ là một biểu hiện nhu cầu tâm lý. Đối với cha mẹ, những đồ vật này đơn thuần chỉ là một món đồ chơi vô tri vô giác, nhưng đối với trẻ chúng lại là một người bạn đồng hành, mang lại cảm giác ấm áp và an toàn.
Chính vì thế, cha mẹ không nên ép trẻ phải tách rời khỏi những đồ vật này. Điều này có thể ảnh hưởng tới cảm giác an toàn, khiến trẻ ngại giao tiếp với người khác.
Sau đây là một số điều cha mẹ nên làm:
- Đồng hành thường xuyên
Mặc dù một số cha mẹ ở bên con cái hàng ngày nhưng họ không mang lại cảm giác an toàn cho con mình. Họ cũng có xu hướng ít khi chơi đùa, ít tham gia vào các hoạt động ngoài trời cùng con cái. Vì vậy, để trẻ bớt lệ thuộc vào một thứ nào đó, cách tốt nhất bố mẹ nên thường xuyên ở bên cạnh con mình.
- Tiếp xúc cơ thể nhiều hơn
Tiếp xúc cơ thể là một trong những cách trực tiếp nhất để cha mẹ thể hiện tình yêu của mình với con cái. Cha mẹ có thể thường xuyên ôm, hôn và nói yêu con cái. Điều này sẽ mang lại cho trẻ cảm giác an toàn, cho phép trẻ lớn lên một cách khỏe mạnh và tự tin.
- Tạo cơ hội kết bạn
Ngoài sự đồng hành của cha mẹ, sự giao tiếp và kết bạn cũng rất cần thiết đối với trẻ, giúp chúng thoát khỏi thói quen tôn sùng.
Tóm lại, việc trẻ tôn sùng một đồ vật nào đó là tín hiệu cho thấy trẻ cần sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Trong quá trình trẻ lớn lên, nếu cha mẹ có thể đồng hành, quan tâm tới con cái nhiều hơn, trẻ sẽ bớt lệ thuộc vào một thứ nào đó.
T/H
PHAN HIỀN