(Tổ Quốc) - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo rằng sẽ có tới gần 25 triệu người bị sa thải nếu dịch bệnh không được kiểm soát. Tình trạng cắt giảm một loạt nhân sự từ Áo cho đến Mỹ đã cho thấy một cuộc suy thoái trong thời bình sâu sắc nhất kể từ những năm 1930, trong bối cảnh các nền kinh tế "đóng băng" đến chống chọi với đại dịch.
Peter Hooper – trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Deutsche Bank, nhận định: "Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi thanh thiếu nên ở Mỹ và châu Âu tăng lên. Những gì chúng ta đang chứng kiến ở Mỹ và châu Âu là điều chưa từng có kể từ cuộc Đại Suy thoái."
Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ gây áp lực đối với các chính phủ và ngân hàng trung ương, thúc giục họ cần tăng tốc đưa ra những chương trình hỗ trợ người lao động hoặc nỗ lực thuyết phục người sử dụng lao động "giữ chân" nhân viên cho đến khi dịch bệnh qua đi. Nếu tình trạng này không được giải quyết thì nguy cơ suy thoái hoặc tốc độ phục hồi yếu ớt sẽ tăng lên, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc các biện pháp kích thích mạnh hơn nữa so với những gì đã được triển khai.
Số lượng việc làm ở Mỹ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2010.
Tại JPMorgan, các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại các nền kinh tế phát triển sẽ tăng 2,7 điểm phần trăm vào giữa năm nay, từ mức thấp trong 4 thập kỷ vào đầu năm nay. Dù con số trên sẽ được cải thiện phần nào khi các nền kinh tế hồi phục, nhưng JPMorgan vẫn ước tính tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng 4,6%, khu vực đồng euro là 8,3% vào cuối năm 2021.
Cú sốc đối với thị trường lao động cũng là một bài kiểm tra sức chịu đựng đối với các mô hình xã hội khác nhau. Mỹ có nền văn hoá pha trộn nhiều hơn nên số lượng việc làm sụt giảm cũng nhiều hơn eurozone và Nhật Bản – những nơi vốn có "truyền thống" giữ chân người lao động khi có một cú sốc diễn ra.
Nhìn vào thị trường lao động Mỹ, trong tháng 3, số việc làm giảm tới 701.000 - cao hơn nhiều lần so với mức dự báo giảm 100.000 được các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó. Những con số này thậm chí còn đáng lo ngại hơn khi hiện tại mới chỉ là thời gian đầu mà thị trường lao động chịu thiệt hại, do nhiều công ty sa thải nhân viên và ngừng hoạt động.
Do đó, một cú sốc mạnh hơn đang chuẩn bị diễn ra, nhất là khi số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức cao kỷ lục – 6,65 triệu, vào tuần trước, gấp đôi so với con số của tuần kết thúc vào ngày 20/3. 9,96 triệu đơn trợ cấp thất nghiệp trong 2 tuần tương đương với con số trong hơn 6 tháng đầu tiên của cuộc suy thoái 2007-2009.
Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Tây Ban Nha (đơn vị: triệu).
Tuần này, Goldman Sachs dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ sớm tăng vọt lên mức kỷ lục là 15%. Tại châu Âu, một báo cáo cho thấy gần 1 triệu người Anh đã nộp đơn trợ cấp phúc lợi trong 2 tuần, cao gấp 10 so với mức bình thường. Văn phòng thống kê của Anh cũng công bố kết quả của cuộc khảo sát với các doanh nghiệp, trong đó 27% đang cắt giảm nhân sự trong ngắn hạn.
Tây Ban Nha cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục 14% - mức cao nhất trong số các nước phát triển. Trong khi đó, con số này ở Áo là 12% - cao nhất kể từ sau Thế chiến II.
Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức hầu như không tăng trong tháng 3, dữ liệu này được theo dõi vào đầu tháng 3 khi chính phủ chưa áp đặt lệnh phong toả. Tuy nhiên, Detlef Scheele -người đứng đầu Cơ quan Lao động Liên bang Đức, cho biết con số trên ở sẽ tăng lên trong tháng tới. Trong tháng 3, 470.000 công ty đã nộp đơn xin hỗ trợ tiền lương của nhà nước – đây là con số kỷ lục và có khả năng tiếp tục tăng. Điều này cho thấy, đến nay đã có khoảng 1/5 lực lượng lao động của Đức có thể đã giảm giờ làm việc.
Các doanh nghiệp Pháp cũng nhanh chóng tìm đến viện trợ từ chính phủ để giữ chân người lao động, trong khi đã được hỗ trợ 84% mức lương. Tính đến ngày 2/4, 400.000 công ty đã nộp đơn trợ cấp phúc lợi cho 4 triệu người – tương đương 20% lực lượng lao động trong khu vực tư nhân.
Theo dữ liệu của Bloomberg, thị trường lao động của Bắc Âu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, khi có hơn 800.000 người mất việc, trong đó có 620.000 nhân viên làm việc tạm thời ở Phần Lan và Na Uy.
Tỷ lệ thất nghiệp ước tính sẽ tăng vọt tại Mỹ và châu Âu.
Tại châu Á, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản trong tháng 2 là 2,4%, nhưng số lượng cơ hội việc làm đã sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 3 năm. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người tìm đến các khoản vay khẩn cấp thông qua một chương trình của chính phủ, hỗ trợ cho những đối tượng mất việc hoặc bị cắt giảm lương.
Gần 23 triệu người, tương đương 1/3 dân số Thái Lan, đã đăng ký nhận hỗ trợ tiền mặt của chính phủ kể từ ngày 28/3. Trong khi đó, các khoản trợ giúp của chính phủ chỉ có thể hỗ trợ 9 triệu người và chi trả cho mỗi cá nhân 15.000 baht (455 USD) trong 3 tháng.
Hiện tại, mọi sự chú ý sẽ hướng đến Trung Quốc, khi nền kinh tế đã tái khởi động với toàn bộ công suất. Trong tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị nước này đã tăng lên mức kỷ lục 6,2% khi các hoạt động kinh doanh đều đóng cửa. Theo các nhà kinh tế của Australia & New Zealand Banking Group, sự gián đoạn mà nền kinh tế vừa trải qua đã khiến khoảng 8 triệu người Trung Quốc mất việc.
Peter Hooper nhận định, khi nhiều ý kiến lo ngại rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã diễn ra, thì triển vọng có thể không hề ảm đạm khi dịch bệnh được kiểm soát và nhu cầu tăng trở lại. Ông nói: "Tỷ lệ thất nghiệp sẽ sụt giảm khá nhanh từ mức cao như hiện nay."
Tham khảo Bloomberg
Giang Ng