(Tổ Quốc) - Người gốc Á đang bị đối xử bất công ở nhiều nơi. Người ta cho rằng Covid-19 đáng sợ thật nhưng thứ nguy hiểm hơn cả Covid-19 chính là "con virus kỳ thị".
Đã hơn 1 tháng trôi qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp với xu hướng lan nhanh sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến sáng ngày 7/3, Covid-19 đã xuất hiện tại 97 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 102.050 người nhiễm, trong đó 3.494 trường hợp tử vong.
Trung Quốc thông báo tổng số ca nhiễm và tử vong vì SARS-CoV-2 lên lần lượt là 80.651 và 3.070. Hàn Quốc là ổ dịch lớn thứ hai thế giới khi ghi nhận 6.593 ca nhiễm, tăng 309 trường hợp so với một ngày trước và 43 người đã tử vong.
Cả thế giới đang gồng mình lên để đẩy lùi Covid-19, để không còn cảnh người người nhà nhà đeo khẩu trang kể cả khi đang ở trong nhà của chính mình, để người ta có thể vô tư trao nhau những cái ôm, cái hôn thân mật dù ở bất kỳ nơi đâu, không phân biệt giới tính, màu da, chủng tộc.
Ấy vậy mà vẫn có những "con sâu làm rầu nồi canh" căm ghét con virus corona lại kỳ thị luôn cả những người gốc Á vô tội. Bằng chứng là hàng loạt video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người gốc Á đang bị đối xử bất công ở nhiều nơi và người ta cho rằng Covid-19 đáng sợ thật nhưng thứ nguy hiểm hơn cả Covid-19 chính là "con virus kỳ thị"...
Bị gọi là "con corona"
Cindy Lu, sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Nam California (Mỹ), đã phải "nén" cơn hắt xì (vì bệnh dị ứng) tại nơi công cộng để khỏi bị nhìn ngó và nhận lấy những cái lườm nguýt từ những người xung quanh. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Lu để ý thấy ánh mắt khác lạ của những người trong trường nhìn về phía các sinh viên gốc Á, đặc biệt là những người đeo khẩu trang.
Rồi sự kỳ thị cũng xảy ra với Lu. Có lần, cô lên xe buýt trường và tìm chỗ ngồi, nhưng cảm thấy bị xúc phạm khi hành khách ngồi kế bên nhanh chóng dịch người ra xa đến mức áp sát vào cửa sổ.
"Nếu tôi không phải là người gốc Á, chắc có lẽ tôi sẽ không rơi vào tình cảnh như thế", cô kể lại. Thậm chí, cô gái trẻ Lisa Tran, 18 tuổi ở Boston (bang Massachusetts), còn bị chỉ vào mặt và gọi là "Corona" trên đường đi học về.
Một tờ rơi ở khu vực Carson, Los Angeles (Mỹ) có con dấu giả của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi người dân tránh xa các cửa hàng của người Mỹ gốc Á. Thậm chí, hơn 14.000 người ký một bản kiến nghị kêu gọi các trường ở khu vực Alhambra đóng cửa vì lo ngại virus corona, bất chấp rằng chỉ có một ca nhiễm ở Los Angeles với dân số 10 triệu người.
Ở nhiều nơi từ New York đến New Mexico, làn sóng kỳ thị và tấn công người Mỹ gốc Á liên tục được báo cáo bởi những nỗi sợ không thiếu căn cứ rằng người Mỹ gốc Á liên quan tới SARS-CoV-2.
Sarah Kim, một cộng tác viên của Forbes chia sẻ khi trên đường về nhà, một nhóm đàn ông đã nhìn cô và hét: “Nhìn thấy đứa Nhật kia không? Hãy tránh xa nó ra nếu không muốn bị dính virus corona”.
Điều này khiến Sarah vô cùng tức giận. Cô không phải người Nhật, mà sinh ra ở Mỹ với bố mẹ là người Hàn, sinh sống ở Brooklyn và lâu rồi cô cũng chưa đi nước ngoài.
Ngày 4/2, một đoạn video gây sốc được đăng lên Twitter cho thấy một người đàn ông tấn công một phụ nữ châu Á đeo khẩu trang tại ga tàu ở quận Manhattan, thành phố New York. Người này văng tục và la lên: “Đừng chạm vào tôi!”, nói người phụ nữ bị bệnh, theo Tony He, cư dân New York đã đăng video.
Video: Người đàn ông tấn công một phụ nữ châu Á.
“Nhưng điều mà mọi người quên mất là nhiều người châu Á có thói quen đeo khẩu trang từ lâu trước khi có dịch Covid-19”, ông He viết thêm, và cho rằng “dịch bệnh chỉ khiến mọi người chú ý hơn tới khẩu trang”.
Chỉ mới đây thôi, vào ngày 05/03, một video quay trên một chuyến tàu công cộng tại thành phố New York (Mỹ) đang thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng với 1,6 triệu lượt xem, 18.000 lượt chia sẻ và 18.000 lượt bình luận.
Đoạn video cho thấy một thanh niên châu Á mặc áo khoác đen cố gắng bình tĩnh, tránh gây xô xát bất chấp người đàn ông da đen liên tục mắng chửi yêu cầu anh này phải tránh ra chỗ khác. Vẻ mặt của người đàn ông da đen rất tức giận trong khi anh chàng châu Á phải tỏ ra phớt lờ mọi lời nói của người kia. Thậm chí sau đó, người đàn ông còn cầm bình xịt khử mùi và xịt thẳng về phía người đàn ông châu Á, như để "xua đuổi con virus đến từ châu Á”.
Học sinh, sinh viên bị đánh nhập viện vì bạn bè kỳ thị "có virus corona"
Một cậu bé 16 tuổi sống tại California đã bị các bạn học đánh đến mức nhập viện bởi vì cậu là người Mỹ gốc Á. Những kẻ đánh đập cậu đều cho rằng cậu đã bị nhiễm Covid-19. Cậu bé lập tức được đưa đến phòng cấp cứu tại bệnh viện, chụp chiếu để kiểm tra mức độ chấn thương.
Các quan chức không tiết lộ danh tính của học sinh này cũng như thông tin chi tiết về vụ tấn công. Ông Debra Duardo, Giám đốc học khu Los Angeles cho biết: "Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi lúc này là gửi thông tin cụ thể tới tất cả 80 quận và hơn 2 triệu trẻ em. Chúng tôi muốn nói với họ rằng không cần phải sợ hãi quá mức vì có rất ít rủi ro nhiễm virus corona. Chúng tôi cũng sẽ không dung thứ cho bất kỳ trường hợp bắt nạt nào".
Cho dù dịch bệnh bùng phát từ Trung Quốc, nó cũng không liên quan gì đến người châu Á và càng không thể khẳng định rằng tất cả người châu Á đều mang bệnh dịch này.
Trường hợp khác một học sinh lớp 8 người Mỹ gốc Việt ở Los Angeles tên là Dylan Muriano cũng đã được giáo viên đưa xuống phòng y tế vì cậu bị ho do sặc nước. Thế nhưng, khi trở lại lớp, cậu bị bạn bè trêu chọc vì cho rằng Dylan Muriano đã nhiễm virus corona.
Cũng như giám thị của một trường học tại Los Angeles đã nói, sự thay đổi trong hành vi nhất thiết phải bắt đầu từ phụ huynh. “Kỳ thị là điều trẻ em học được. Nó không tự nhiên đến với chúng”.
Rạng sáng 3/3, Jonathan Mok, du học sinh người Singapore học tập tại Anh đăng tải lên Facebook cá nhân hình ảnh khuôn mặt biến dạng của mình để kêu gọi người chứng kiến anh bị nhóm thành niên tấn công và kỳ thị chủng tộc đứng ra làm chứng.
Đăng kèm 2 bức ảnh, Jonathan kể rằng vụ việc xảy ra khoảng 21h15 phút ngày 24/2 trên đường Oxford.
Khi Jonathan đi qua nhóm thanh niên và nghe thấy họ nhắc đến virus corona nên anh quay lại nhìn. Vậy là một người trong số đó hét lên: "Sao mày dám nhìn tao?" rồi đánh tới tấp vào mặt Jonathan. Những người qua đường cố gắng can ngăn. Một thanh niên khác, cũng thuộc nhóm đó, hét lên: "Tao không muốn virus corona của mày vào nước tao", rồi đấm vào mặt nạn nhân.
Jonathan được đưa đến bệnh viện, bác sĩ khoa cấp cứu cho biết anh gãy xương mặt, có thể phải phẫu thuật tái tạo một số xương.
"Tại sao một số người, chỉ đơn giản vì màu da, trở thành nạn nhân của bạo lực, cả thể xác và tinh thần? Tại sao tôi phải giữ im lặng trước những lời kỳ thị, phân biệt chủng tộc?", Jonathan Mok viết.
Jonathan tỏ ra bất bình và cho rằng những kẻ phân biệt chủng tộc luôn tìm lý do để thể hiện sự thù ghét của họ. Bây giờ, họ lại lấy cớ dịch Covid-19 để kỳ thị người châu Á.
Bài đăng của Jonathan Mok nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với hơn 17.000 lượt thích, 3.100 bình luận và 12.000 lượt chia sẻ. Nhiều người động viên anh sớm khỏe mạnh và đòi lại công bằng trước pháp luật. Trong khi đó, không ít người bày tỏ bức xúc khi người châu Á bị phân biệt đối xử, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19.
Đừng để "virus kỳ thị" lây lan thêm
Ở Pháp, những ngày vừa qua, dòng hashtag #JeNeSuisPasUnVirus (Tôi không phải virus) được nhắc đến rất nhiều trên mạng xã hội để kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt đối xử vì SAR-CoV-2.
Giáo sư Ya-Han Chuang của Viện Nghiên cứu Nhân khẩu Quốc gia Pháp nói trong một cuộc phỏng vấn với Euronews rằng: "Vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao nhận thức".
Ngày 3/2, tờ Wall Street Journal đăng tải một bài xã luận có tiêu đề "Trung Quốc là kẻ ốm yếu của châu Á" khiến cộng đồng người Hoa tại Mỹ vô cùng phẫn nộ. Chỉ 3 ngày sau đó, một bản kiến nghị gửi tới Nhà Trắng kêu gọi Wall Street Journal xin lỗi và rút lại bài viết, hoặc ít nhất là sửa lại tít.
"Dù tác giả có quan điểm thế nào về các vấn đề nội tại của Trung Quốc, thì chỉ riêng cái tít cũng đã thể hiện sự phân biệt chủng tộc rõ ràng. Những lời lẽ thiếu tôn trọng như vậy đối với người Trung Quốc vô tội sẽ chỉ khuyến khích phân biệt chủng tộc và sẽ gây hậu quả đối với người gốc Hoa cũng như gốc châu Á khác", bản kiến nghị viết.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề này trong cuộc họp báo ngày 4/2.
"Trong các tình huống như dịch bệnh, rất dễ có các quan điểm mang tính phân biệt đối xử, vi phạm nhân quyền, kỳ thị đối với những người vô tội chỉ vì họ đến từ một nước nào đó", ông nói. "Việc tránh những quan điểm đó là rất quan trọng".
Vấn đề phân biệt chủng tộc đối với người Châu Á, gốc Á cũng từng xảy ra vào năm 2003, khi dịch SARS bùng phát. Các quan chức cảnh báo rằng đây là hành vi không chấp nhận được.
“Sự phân biệt đối xử có thể nghiêm trọng hơn khi virus lây lan trong các cộng đồng Mỹ thời gian tới. Chúng ta cần phải lên tiếng chống lại điều này khi là người chứng kiến. Chúng ta không phải là người ngoài cuộc”, ông Robin Toma, giám đốc Ủy ban Quan hệ Con người quận Los Angeles nói.
(Nguồn: ABC7, CBS, Laist)
L.T