(Tổ Quốc) - Đó là tâm trạng vui mừng, phấn khởi của anh Cao Văn Bảy (phố Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng như nhiều chủ quán ăn sau khi UBND huyện Gia Lâm có quyết định cho quán ăn ở vùng xanh "bán mang về" từ 6/9.
"Phấn khởi lắm, mừng hơn cả nhặt được vàng. Mấy đêm vừa qua, tôi toàn ngủ mơ mình được mở cửa bán hàng trở lại. Sáng nay (ngày 6/9) khi đọc tin UBND huyện Gia Lâm cho bán trở lại, tôi vẫn còn ngỡ là mơ", anh Cao Văn Bảy (phố Ngô Xuân Quảng, trị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) phấn khởi nói.
Trưa 6/9, anh Bảy cùng vợ và bố mẹ tất bật dọn dẹp hàng quán, thực phẩm để chuẩn bị mở quán cơm theo quyết định "chỉ bán mang về" tại khu vực "vùng xanh" mới được UBND huyện Gia Lâm ban hành.
11h30 anh Bảy vẫn miệt mài lau chùi, dọn dẹp để bán quán trở lại
Anh Bảy tâm sự, cửa hàng bán cơm bình dân hiện tại là do anh thuê với chi phí cao. Việc đóng cửa từ 23/7, theo Chỉ thị 16 khiến cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Ngay trong sáng 6/9, khi nhận được thông tin, các thành viên trong gia đình đều rất phấn khởi, mỗi người một việc, sẵn sàng mở bán lại trong ngày 7/9.
Nghe được thông tin UBND huyện cho phép bán mang về, từ chiều 5/9, chị Liễu (đường Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ) cùng 1 người cháu đã tất bật dọn dẹp, chuẩn bị cả đêm để mở lại quán. Do đó, trưa 6/9, chị đã mở bán cơm trở lại.
Cửa hàng của chị Liễu bán những suất cơm đầu tiên sau hơn 1 tháng đóng cửa
Chị Liễu không kìm được niềm vui, chị nói: "Chỉ mong thời gian tới dịch qua đi để cửa hàng có thể bán trở lại bình thường"
Chị Liễu chia sẻ, chị quê ở Phú Thọ lên thuê mặt bằng bán cơm bình dân gần Đại học Nông nghiệp. Giống trường hợp anh Bảy, chị Liễu cũng "mắc kẹt" tại Hà Nội từ 23/7.
"Không về được quê, ở lại Hà Nội chịu chi phí sinh hoạt cao nên hơn 1 tháng qua cuộc sống khá vất vả. Khi nghe được tin cho phép mở cửa lại chúng tôi mừng rơi nước mắt", chị Liễu nói.
Những suất cơm được giao cho khách mang về
Anh Thành (trú thị trấn Trâu Quỳ) cho hay, anh khá bận rộn không có thời gian nấu nên khi biết quán ăn mở trở lại anh đã ra mua
Theo ghi nhận của phóng viên, tuy UBND huyện Gia Lâm cho phép các quán ăn ở khu vực "vùng xanh" được phép mở bán cho khách mang về, tuy nhiên nhiều cửa hàng vẫn "cửa đóng then cài".
Theo lý giải của anh Tú (cửa hàng quán ăn thị trấn Trâu Quỳ), hiện rất vắng khách, sau hơn 1 tháng giãn cách, người dân đã quen với việc tự nấu nướng. Bên cạnh đó, các quán ăn lớn cần nhân viên thì nhiều trường hợp về quê chưa lên kịp. Quyết định mở lại mới được ban hành nên nhiều cửa hàng chưa kịp mở lại.
Bên cạnh một số cửa hàng đã bán trở lại, còn đa phần đều đang dọn dẹp
Anh Tú cùng vợ dọn dẹp cửa hàng, trưa 6/9, vợ chồng anh cũng bắt đầu bán hàng trở lại
Vợ anh Tú treo lại tấm biển "chỉ bán mang về" sau hơn 1 tháng đóng cửa
"Mới được phép mở lại nên rất vắng khách, tuy nhiên đây là tín hiệu đáng mừng. Bây giờ chỉ biết mong hết dịch", anh Tú bày tỏ
Những hộp canh được đóng sẵn cho khách mang về
Nhiều cửa hàng chưa kịp mở trở lại
Theo UBND huyện Gia Lâm, hiện huyện có 19 xã, thị trấn (vùng xanh) không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn sau thời gian cách ly, phong tỏa theo quy định sẽ thực hiện như Phân khu 2, trong đó cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) được mở cửa hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang về.
Quán ăn được mở tuân thủ quy định phòng dịch
Ngoài ra, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, chính quyền sở tại áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 15 để đảm bảo phù hợp và nhanh chóng đưa địa phương trở lại trạng thái "giai đoạn bình thường mới".
Đối với các cơ quan liên quan, huyện Gia Lâm yêu cầu phải đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên địa bàn; tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Đặng Thủy