(Tổ Quốc) - Trước khi có cái tên “Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ”, ít ai biết rằng chủ nhân của ngôi nhà này từng là một đứa trẻ sống bụi đời. Trưởng thành từ cái quá khứ bế tắc đó, hơn 30 năm qua, ông Vũ Tiến (80 tuổi) đã đi khắp nơi "nhặt" những trẻ em lang thang, cơ nhỡ về nuôi dạy thành người.
Với nhiều người, mỗi khi nhắc tới vợ chồng ông Vũ Tiến và bà Vũ Thị Ngọc Oanh (phố Ngô Văn Sở, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn làm "bố mẹ" của những đứa con mồ côi thì đều không mấy xa lạ.
Trưởng thành từ một đứa trẻ bụi đời, hơn 30 năm qua, ông Vũ Tiến cặm cụi "nhặt" những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ về nuôi dạy. Nhà ông giờ được biết đến với cái tên "Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ".
Vươn lên mạnh mẽ từ đứa bé bụi đời
Vốn sống trong gia đình khá giả. Tuy nhiên, đến năm lên 7 tuổi thì bố mất, mẹ ông Tiến khi ấy rất thương con nhưng thương theo kiểu "cho roi, cho vọt", vì cứ nghĩ như thế là tốt cho con. Thế nhưng, những trận đòn đó vô tình khiến cậu bé Tiến khi ấy trở nên ngang bướng đến bị đuổi học. Khi ấy ông Tiến chẳng mấy quan tâm, còn đem bán quần áo lấy tiền ăn quà.
"Tôi khi ấy từng bị mẹ báo công an xin cho đi cải tạo 2 năm. Tôi vẫn nhớ ngồi ở đồn công an, ông đồn trưởng xuống gặp mẹ tôi bảo với bà rằng 'không thể chấp nhận đơn của chị vì chị nhớ rằng cho đi 2 năm về con hư hơn, thậm chí chị còn mất con. Hiện đứa trẻ nghịch ngợm, trộm của chị ít tiền ăn quà chứ chưa phải ăn cắp. Việc của chị là việc gia đình, đừng biến cháu trở thành việc của xã hội. Còn khi cháu có tội không cần chị tôi vẫn bắt. Cháu chưa ngoan phải giáo dục, tìm cách giáo dục, chấn chỉnh'.
Sau hôm đó trở về nhà, vì giận những trận đòn roi hà khắc của mẹ, tôi ra Ga Hà Nội đi theo một người di cư Lào Cai, Yên Bái lên làm thuê. Tôi phiêu bạt 5 năm trời, sống trong cảnh quần áo mong manh, ngủ đầu đường xó chợ", ông Tiến nhớ lại.
15 tuổi, ông Tiến rửa bát thuê cho hàng cơm tại chợ Cốc Lếu (Lào Cai), trong một lần lên cơn sốt rét, chủ quán khi đó sợ người làm thuê bệnh nặng chết trong nhà liền khiêng ông ra để ở góc chợ rồi đắp cho cái chiếu.
"Ngày hôm sau tôi cố gắng gượng dậy, chống gậy 2km lên bệnh viện tiêm. Cô y tá khi đó hỏi tôi ăn gì chưa? Tôi lắc đầu. Cô ấy bảo chưa tiêm vội. Lúc sau cô ấy bê ra cho bát cháo nói ăn đi. Thời đó, lúc thì có gia đình cưu mang tôi, cho ăn. Rồi có một gia đình ở Yên Bái nuôi tôi mấy tháng. Nếu không có những người tốt giúp đỡ có lẽ không có tôi bây giờ", ông Tiến xót xa nhớ lại.
Sau 40 năm, ông Tiến có dịp quay trở lại những nơi gian khó mình đã trải qua, ông gặp lại gia đình đã từng cưu mang, giúp đỡ mình. Thấy hoàn cảnh gia đình này nghèo khó ông đã nhận lời giúp đỡ, đưa 10 người là con cháu trong gia đình họ về Hà Nội cưu mang, lo cho nên người, giúp đỡ có nghề nghiệp.
Cho đến bây giờ, vợ chồng ông Tiến không thể nhớ nổi từng đứa trẻ mà mình đã cưu mang, giúp đỡ. Có nhiều người hiện đã thành đạt, có chuỗi cửa hàng, bất động sản, có người đã trở thành những đầu bếp chuyên nghiệp ở nhà hàng lớn, có người đã tốt nghiệp thạc sĩ và có việc làm ổn định. Những đứa con của ông bà vẫn thường xuyên quay về với gia đình, cùng ông bà giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn...
Dành cả thanh xuân làm cha của hơn 600 mảnh đời cơ nhỡ
Từng có thâm niên hơn 20 năm là cán bộ trại giam. Gặp chúng tôi, ông Tiến ngần ngại cho biết "bao nhiêu người viết về cuộc đời tôi rồi. Tự nhiên tôi trở thành bình phong kẻ khen, người chê". Thậm chí từng mang tiếng là bóc lột sức lao động của trẻ. Sau một hồi lưỡng lự ông mời chúng tôi lên nhà rồi bồi hồi lật giở từng trang ký ức về cuộc đời mình, về "công việc" ông đã và đang thực hiện suốt nhiều năm qua.
Tầng 1 của "Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ" là quán cơm, đây cũng là nghề chính để vợ chồng ông Tiến có tiền nuôi trẻ. Tầng 2 hiện tại là nơi sinh sống của 7 đứa trẻ, nhỏ nhất 14 tuổi, lớn nhất chuẩn bị lên lớp 12. Các phòng được ông bà bố trí đầy đủ tiện nghi, bé trai và bé gái được ở trong các phòng chia riêng.
Đặc biệt, tại phòng học của các em được trang bị một chiếc đàn piano cùng nhiều đạo cụ. Ông bảo "nuôi hết lớp trẻ này khi nào chúng nó ra trường, có công ăn việc làm tự lo được cho cuộc sống của mình vợ chồng tôi sẽ nghỉ hẳn".
Những đứa trẻ vợ chồng ông Tiến nhận nuôi đều được đến trường. Đặc biệt, vợ chồng ông còn dạy chúng biết múa hát, khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Ít ai nhận ra chúng là những đứa trẻ mồ côi, từng nhem nhuốc và đói khổ.
Ông Tiến cho biết, đã nuôi dạy khoảng 600 đứa trẻ trong hơn 30 năm qua. Thời gian đầu là những trẻ lang thang cơ nhỡ, sống vất vưởng ở gầm cầu, vỉa hè Hà Nội. Sau này đều trở thành những công dân lương thiện. Không ít đứa trẻ ở "Tổ bán báo Xa Mẹ" ngày nào giờ trở thành những người thành đạt, chính thức vượt qua số phận.
Ông luôn tự nhận mình là người hoạt động xã hội giúp đỡ trẻ mồ côi, lang thang, giúp chúng biết đọc, biết viết rồi tìm kiếm được nghề nghiệp nuôi sống mình, gia đình.
"Vợ chồng tôi cũng dựng vợ gả chồng cho các cháu. Tôi dạy học đến khi các cháu lớn đi học nghề có công ăn việc làm. Có cháu mới ra trường vợ chồng tôi vẫn nuôi và xem như con mình, có như vậy các cháu mới trưởng thành được", bà Oanh chia sẻ.
Ông Tiến tự nhận từng giấu vợ con chuyện mình là đứa trẻ bụi đời. Dẫu trải qua cảnh sống khổ cực, nhưng bằng ý chí, nghị lực, ông Tiến đã tự vươn lên, tự học tập rồi trở thành người có ích. Tới năm 1990, khi ông có ý định đưa những đứa trẻ đầu tiên về với mái ấm vợ con ông mới biết.
"Hồi đó, tôi thấy các cháu nhỏ lang thang không người thân ở khu Ga Hà Nội tội quá muốn đưa chúng về chăm sóc, nuôi dưỡng. Vợ tôi ban đầu chỉ đồng ý cho các cháu về ăn sau ra ga ở vì nuôi người rất phức tạp.
Bà ấy bảo 'sao ông thích thế' tôi mới dám nói ra sự thật. Tôi nói nếu cho chúng ăn chỉ cứu khỏi chết đói nhưng để cho phát triển, có gia đình yên ấm thì phải nuôi dạy, học văn hoá, trang bị kiến thức nghề nghiệp. Nghe xong câu chuyện của tôi bà ấy không những không giận vì tôi giấu quá khứ khổ cực của mình mà thấy thương tôi. Sau vợ tôi gật đầu đồng ý. Và bà ấy đã dạy cho đám trẻ tốt, tâm lý hơn tôi", ông Tiến nhớ lại.
Không có đứa trẻ nào đáng bị coi là kẻ xấu
Trong thâm tâm mình, ông Tiến mong muốn các bậc cha mẹ nói riêng và người lớn nói chung đừng bao giờ sỉ nhục con cái, trẻ nhỏ, xem chúng như đồ bỏ đi. Không có đứa trẻ nào đáng bị coi là kẻ xấu. Quan trọng nhất là chúng cần được bố mẹ, gia đình quan tâm, chấn chỉnh. Đừng bao giờ tự "loại con mình ra khỏi xã hội", khi mà chúng chưa làm gì gây ảnh hưởng cho xã hội cả.
"Trong số những đứa trẻ tôi chăm sóc, nuôi dạy suốt hơn 30 năm thì quá nửa số đó là những đứa cá biệt, bị gia đình nhà trường đẩy ra ngoài xã hội. Rất may tôi gặp chúng, giúp các cháu trở thành người lương thiện, có văn hoá, có gia đình. Nếu không có sự giúp đỡ đó chúng sẽ ra sao", ông Tiến bày tỏ.
Dành cả thanh xuân giúp những đứa trẻ, ông Tiến chỉ tâm niệm bản thân mình từng "thừa sống thiếu chết, thập tử nhất sinh" được người đời cưu mang, giúp đỡ nên muốn làm lại điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời này.
Gia Đoàn