Người dân muốn mua thuốc, cần đi cấp cứu trong thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách phải làm thế nào?

(Tổ Quốc) - Trong thời điểm TP.HCM siết chặt giãn cách từ ngày 23/8, các tiệm thuốc Tây vẫn mở cửa nhưng người dân không được tự đi mua.

Chiều 23/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Tại cuộc họp, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, trong ngày 22/8 TP đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 52.212 người, số lượng cộng dồn qua 5 đợt tiêm là 5.447.056 người.

Về công tác xét nghiệm COVID-19 trong 24 giờ qua (từ 18g 21/8/2021 đến 18g 22/8/2021), TP.HCM có tổng số 115.360 người được xét nghiệm COVID-19.

Trong đó có 53.095 người được làm test nhanh kháng nguyên, 62.265 người được làm xét nghiệm PCR.

Việc thành lập các trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân trực thuộc Trung tâm cấp cứu 115 đã được UBND TP ban hành Quyết định 2811/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 về thành lập trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến tại 05 Khu vực trên địa bàn Thành phố.

Về việc người dân muốn đi mua thuốc sau khi TP.HCM đã bắt đầu siết chặt giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó" từ ngày 23/8 thì làm thế nào, ông Phạm Đức Hải cho biết, các tiệm thuốc Tây vẫn mở nhưng người dân không tự đi mua.

Thay vào đó Tổ công tác đặc biệt của mỗi phường, xã sẽ giúp người dân đi mua thuốc.

Người dân muốn mua thuốc, đi cấp cứu trong thời điểm TP.HCM siết chặt giãn cách từ ngày 23/8 phải làm gì? - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng mua thuốc ngày 22/8.

Trường hợp trong gia đình có người mắc bệnh lý thông thường (không phải COVID-19) thì có thể tự đến bệnh viện để chữa trị.

Hiện nay, các bệnh viện vẫn đang thực hiện mô hình chia đôi, vừa điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa điều trị bệnh nhân có bệnh lý khác.

Riêng đối với người nhiễm COVID-19 cần liên hệ với Tổ phản ứng nhanh, Trạm y tế lưu động hoặc Trung tâm cấp cứu 115 để được hướng dẫn, tư vấn.

Về việc di chuyển, hiện TP có 500 xe taxi của hãng Mai Linh và Vinasun được hoạt động phục vụ cấp cứu cho người dân.

Người dân có thể gọi 2 hãng xe này khi cần tới bệnh viện cấp cứu.

Đối với trường hợp bệnh nhân F0 chuyển nặng, TP.HCM có 260 xe của Phương Trang được phân bổ về 22 quận huyên, TP Thủ Đức để chở F0 tới bệnh viện.

Người dân muốn mua thuốc, đi cấp cứu trong thời điểm TP.HCM siết chặt giãn cách từ ngày 23/8 phải làm gì? - Ảnh 2.

Người mắc bệnh lý thông thường (không phải COVID-19) thì có thể tự đến bệnh viện để chữa trị.

Tối 23/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận TP.HCM có 4.251 ca mắc COVID-19 mới.

Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 180.245 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Cùng ngày sau khi làm việc với UBND Quận 4, nhận thấy còn nhiều trường hợp người lang thang, cơ nhỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị công an tuần tra, phát hiện và đưa người lang thang, cơ nhỡ ở TP.HCM vào các cơ sở thu dung do quân đội quản lý.

Đồng thời tiến hành xét nghiệm, phân loại để chăm sóc. Phó Thủ tướng đề nghị trong ngày 23/8, phải quản lý được toàn bộ người lang thang, cơ nhỡ.

Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên (thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) cũng vừa cho ra mắt Tổng đài phòng chống COVID-19 qua hotline 1900.638.090. 

Người dân có thể gọi đến tổng đài để được hỗ trợ cấp cứu cộng đồng, kết nối các đơn vị cung cấp túi thuốc điều trị F0, "ATM oxy", chăm sóc sức khỏe tại nhà, thực phẩm cứu trợ, hỗ trợ mai táng miễn phí cho người dân gặp khó khăn.

Hoàng Lê

Tin mới