(Tổ Quốc) - Tình trạng ô nhiễm nguồn nước của sông Ngũ Huyện Khê, Bắc Ninh đã xảy ra nhiều năm nay nhưng chính quyền vẫn chưa có phương án giải quyết, phải chờ đợi các giải pháp của thành phố. Trong thời gian đó, người dân buộc phải sử dụng dòng nước đổi màu, sủi bọt để tưới rau, hoa màu.
Những cống nước thải đã bức tử sông Ngũ Huyện Khê, đoạn chảy qua phường Phong Khê, Bắc Ninh nhiều năm nay. Chỉ cần tìm địa danh Phong Khê, Bắc Ninh trên Google Earth là có thể thấy sự ô nhiễm xảy ra trên một đoạn sông dài chảy qua địa phận này, bởi màu nước trở nên đen kịt.
Nguồn nước ô nhiễm từ dòng sông Ngũ Huyện Khê.
Cách đó khoảng 500m là cánh đồng trồng rau rộng 32 ha tại khu phố Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, nơi đang phải dùng chính nguồn nước ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê, đoạn chảy qua xã Phong Khê để tưới.
Theo các hộ dân khu Hòa Đình, nhiều dự án công trình mọc lên, khiến ao hồ trữ nước bị thu hẹp, dẫn đến tình trạng mùa hè nơi đây bị thiếu nước tưới cho trồng nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Tâm, người dân tại khu vực cho biết: "Chính quyền không vào cuộc được thì chúng tôi phải chịu ảnh hưởng. Mà đây là dân cư chúng tôi cũng kêu nhiều lắm rồi..."
Bà Nguyễn Thị Tâm - người dân sinh sống tại khu vực.
PV liên hệ với ông Đỗ Quang Minh, cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND phường Võ Cường để hỏi về thực trạng này. Ông Minh cho rằng vào mùa hè có thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài thì đành chấp nhận nguồn nước từ bên sông Ngũ Huyện Khê.
"Hết nước đến mùa khô, bắt buộc phải lấy nước tràn của đồng chiêm phường Phong Khê sang, thì làm sao mà đảm bảo được" - ông Minh cho biết.
Dù biết rõ về sự ô nhiễm của nguồn nước, người dân không còn lựa chọn nào khác và buộc phải sử dụng nguồn nước này để tưới tiêu hoa màu.
Theo tìm hiểu, nước được bơm trực tiếp từ sông, qua hệ thống kênh mương và đồng chiêm khu vực Hòa Đình, qua đập tràn và chảy vào hệ thống nước tưới cho cánh đồng dâu. Người dân trồng rau tại khu vực này, rồi bán trong khu vực và lân cận bằng cách giao cho người buôn tới lấy rồi bán ở chợ đêm.
Phong Khê là một làng nghề sản xuất giấy tái chế. Đi dọc dòng sông Ngũ Huyện Khê, không khó để bắt gặp những cống xả thải ngập đầy chất ô nhiễm, bốc mùi hôi thối và nhiễm độc do hóa chất từ các cơ sở sản xuất quanh vùng xả thẳng ra sông.
Dù người dân sinh sống địa phương biết rõ nguồn nước này ô nhiễm, độc hại và ảnh hưởng tới chất lượng rau thế nào, nhưng họ không còn cách nào khác.
"Nguồn nước ở đây cũng không được sạch lắm đâu. Chúng tôi ở đây thì chỉ có nguồn nước này để tưới thôi, không còn sự lựa chọn nào khác nữa" - bà Nguyễn Thị Hà, người dân khu vực chia sẻ.
Clip: Nguồn nước ô nhiễm từ dòng sông Ngũ Huyện Khê, Bắc Ninh được người dân sử dụng để trồng rau
Hiện toàn bộ khu Hòa Đình có tới gần 300 hộ dân chuyên trồng rau và hoa màu. Các loại hoa màu ở đây được trồng xen kẽ, quanh năm nối tiếp nhau, tạo thành vòng quay để sử dụng đất khép kín với nhiều loại cây như cà rốt, su hào, bắp cải, hành tây, cà chua, bí xanh, các loại rau gia vị. Chủ yếu người dân giao bán các loại cây này cho các chợ đầu mối tại thành phố Bắc Ninh và một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương.
Sau khi thu hoạch, rau được đem vào bán cho các chợ đầu mối tại thành phố Bắc Ninh và một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương.
Trao đổi thêm với ông Đỗ Quang Minh về chất lượng nước để tưới cho cả vùng rau rộng lớn, ông cho biết chính quyền đã biết thực trạng này nhiều năm nhưng hiện vẫn đang phải tiếp tục chờ các giải pháp của thành phố.
Trong thời gian chờ đợi các giải pháp từ chính quyền, người dân vẫn sẽ phải tiếp tục sử dụng nguồn nước ô nhiễm để trồng rau và đem bán, gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe của những người tiêu dùng.
Mới đây, sau khi nhận được phản ánh của báo chí, Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh Nguyễn Song Hà đã chỉ đạo UBND phường Võ Cường cùng Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố xác minh thông tin, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng nguồn nước không đảm bảo để phục vụ sản xuất rau màu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch TP Bắc Ninh chỉ đạo UBND phường Võ Cường tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trồng rau trên địa bàn dùng nước trữ tự nhiên hoặc nước giếng khoan để tưới rau; có phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp, đảm bảo nguồn nước an toàn phục vụ cho việc sản xuất rau màu trên địa bàn.
An Huy - Clip: KingPro