(Tổ Quốc) - Để giúp hành trình hồi hương của hàng vạn đồng bào từ phương Nam về Bắc được thuận lợi, người dân Đà Nẵng đã "đội mưa" lắp đặt các biển chỉ đường và tặng xe máy mới thay thế cho những chiếc xe "hết đát" để đảm bảo an toàn cho bà con.
Nghĩa tình đồng bào trong đại dịch
Những ngày qua, dòng người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã lên đường về quê. Đa số họ là những người lao động nghèo đã và đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp hoặc thợ hồ, buôn bán tự do,... bỗng lâm vào cảnh thất nghiệp vì đại dịch Covid-19. Sau thời gian dài thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", khi TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương nới lỏng giãn cách, hàng nghìn người đã vượt hàng nghìn cây số với mong muốn được trở về quê nhà ở các tỉnh phía Bắc. Tài sản họ mang theo chẳng có gì nhiều ngoài chiếc xe máy cũ và một số đồ còn tận dụng được.
Thế nhưng với cả một chặng đường dài hàng trăm, có khi lên đến cả ngàn cây số như thế thật khó đảm bảo chiếc xe máy cà tàng ấy không xảy ra sự cố. Thấu hiểu nỗi khó khăn đó, một nhóm mạnh thường quân tại Đà Nẵng đã đứng ra tặng xe máy cho bà con về quê. Những hình ảnh được đăng tải lên mạng xã hội đã khiến nhiều người xúc động.
Chiếc xe máy cũ nát của anh công nhân bị hư trên đường về quê khiến nhiều người thương cảm
Trao đổi với PV, anh Trần Đình Quốc Khương (40 tuổi), Trưởng nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng cho biết, sáng ngày 5/10, khi anh đang di chuyển trên đèo Hải Vân thì gặp một anh công nhân đang sửa xe nên ngừng lại hỏi thăm.
Thấy bạn này loay hoay nên anh bảo mấy anh em trong đoàn vào bóng mát để tránh nắng, anh thì vội cầm lốp xe đi đến tận Lăng Cô để thay ruột xe và mang vào lại giao cho bạn.
Sau khi về lại Đà Nẵng nhưng hình ảnh chiếc xe đã cũ nát và hành trình về quê của bà con cứ quanh quẩn trong đầu khiến anh không thể yên lòng. Do đó, anh bàn bạc với anh em trong nhóm Tình Nguyện Trẻ Đà Nẵng huy động các mạnh thường quân mua tặng luôn cho bạn ấy chiếc xe máy mới.
Tuy nhiên, do thủ tục mua xe khá lâu, nên đến khi chỉnh sửa và đổ xăng đầy bình để mang ra tặng anh công nhân tại Lăng Cô thì anh đã hòa vào dòng người tiếp tục hành trình.
Chiếc xe máy mới được người dân Đà Nẵng mua tặng chàng công nhân
"Mặc dù tôi đã nhờ các anh trực chốt chặn bạn lại nhưng chắc đoàn người đông quá các anh không tìm ra bạn. Có hơi tiếc nuối vì tôi chưa kịp hỏi tên và số điện thoại của bạn, nhưng tôi được biết bạn là người ở huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) và quen với một người tôi đã hỗ trợ trước đó. Nên ngay từ hôm qua tôi đã gửi chiếc xe cho một người bạn ở Nghệ An, bạn này sẽ đưa xe đến huyện Tương Dương và chịu trách nhiệm liên lạc với anh công nhân qua những hình ảnh và thông tin tôi có được, anh công nhân chắc chắn sẽ nhận được xe mới khi về nhà từ khu cách ly tập trung”, anh Khương khẳng định.
Anh Khương cho biết thêm, ngoài chiếc xe đã được gửi đi để tặng anh công nhân nhóm đã huy động mạnh thường quân để chuẩn bị thêm 10 chiếc xe nữa nhằm trao tặng cho những bà con đi về quê trên những chiếc xe quá nát.
Làm biển chỉ đường cho dòng người hồi hương
Cùng chung tấm lòng sẻ chia với đồng bào như anh Khương, để giúp hành trình hồi hương của dòng người từ phương Nam về quê được thuận lợi, thầy giáo Trương Vĩnh Đặng (35 tuổi) đã cùng cha Trương Văn Luân (58 tuổi) đã tức tốc in các biển hướng dẫn đường đi và dầm mưa suốt một ngày trời để treo tại các ngã 3, ngã 4 trên các tuyến đường nhằm hướng dẫn những người về quê đi qua không bị lạc.
Anh Đặng cho biết, nhiều ngày qua trên đường đi tiếp sức bà con về quê, anh nhận được nhiều lời "cầu cứu" về tình trạng lạc đường khi qua các ngã rẽ vào thành phố.
Thầy giáo Trương Vĩnh Đặng cạnh một biển chỉ đường vừa được treo
Theo đó, người dân di chuyển từ phía Nam về miền Bắc, khi ngang Đà Nẵng sẽ qua hai chốt kiểm soát cửa ngõ ở Hòa Khương (quốc lộ 14G) và Hoà Phước (quốc lộ 1A). Tại đây, lực lượng Cảnh sát giao thông đứng chốt sẽ tập hợp khoảng vài trăm người thành một đoàn, dùng xe chuyên dụng dẫn qua hầm Hải Vân rồi bàn giao cho lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế. Thế nhưng, vì một số lý do khách quan nhiều người do xe hư dọc đường hoặc chở con nhỏ, không đi nhanh được nên không kịp theo đoàn và bị lạc.
"Có lẽ đây là lần đầu tiên những người từ phương Nam đi về quê bằng xe máy trên đoạn đường dài như vậy, nên chuyện lạc đường là điều không thể tránh khỏi. Thấy nhiều bà con đi lạc vào tận trung tâm thành phố, việc quay lại tuyến đường được quy định rất mất thời gian nên tôi đã quyết định in và treo các biển chỉ đường để hỗ trợ bà con đi đúng hướng, đồng thời cũng để người từ vùng dịch không vô tình đi nhầm vào thành phố, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu không may có ca F0", anh Đặng chia sẻ.
Ông Trương Văn Luân (cha anh Đặng, áo thun trắng) luôn là người đồng hành cùng con trong việc làm lần này
Được biết, anh Đặng là giáo viên mỹ thuật trường Tiểu học Tây Hồ (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Thầy giáo còn là một "nhà tự thiện" có tiếng ở Đà Nẵng, suốt 10 năm qua, anh thường tổ chức các buổi đấu giá các chậu bonsai do mình tự trồng để gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Suốt một tuần nay, thầy cùng người bố U60 của mình đã không quản mưa gió, lặn lội lên đèo Lò Xo, chốt Hoà Khương và đèo Hải Vân để cùng các nhóm tình nguyện khác phát bánh mỳ, bánh bao, nước uống, tiếp sức cho dòng người dân hồi hương.
Dù dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn và con đường phía trước của họ vẫn còn đó những khó khăn, bộn bề bao gánh nặng lo toan, nhưng với nghĩa tình đồng bào, hàng vạn con người ấy dù đi đến bất cứ đâu cũng luôn nhận được yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ từ bà con cũng như lực lượng chức năng. Và trên hành trình hồi hương ấy, không một ai bị bỏ lại...
Sự kiệnCập nhật NaN-NaN-NaN NaN:NaN:NaN12 tin bài
Khương Mỹ