(Tổ Quốc) - Luật sư cho rằng, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, sự việc thực tế. Đồng thời lấy lời khai những người làm chứng, khám nghiệm hiện trường, thu thập các chứng cứ, dấu vết để lại trên hiện trường để xác định có hành vi bạo hành, đánh đập trẻ em hay không. Từ đó làm căn cứ để xét xử đúng người, đúng tội
Vụ bé trai 4 tháng tuổi được đưa vào viện trong tình trạng đa chấn thương trên cơ thể, gãy xương đùi, xuất huyết não, tím tái toàn thân ngày 3/2 mới đây khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Đáng nói, tất cả những vết thương trên nghi đều do cha ruột bé - một người nghiện ma túy gây nên.
Nhận định về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, vụ việc này rất nghiêm trọng, có dấu hiệu bạo hành trẻ em.
Cụ thể, luật sư phân tích: "Với đứa trẻ 4 tháng tuổi thường đặt đâu nằm đấy, nếu đặt trẻ nhỏ trong võng thì thường người ta sẽ đặt bé nằm ngang, nếu trẻ đã biết lẫy rồi thì cũng không thể lẫy trên võng được nên không thể tự ngã từ võng xuống đất được. Trong trường hợp do người lớn đặt trẻ ở võng hớ hênh hoặc do một tác nhân nào đó khiến đứa trẻ ngã tư võng xuống đất (khoảng cách chỉ 20-30cm) thì không thể gây ra thương tích ở mức độ gãy đùi, bầm tím ở má, ở ngực, ở bụng, hai tay xuất huyết não như vậy. Vì thế, trường hợp người cha nói con bị ngã là thiếu căn cứ".
Bên cạnh đó, luật sư Cường cho rằng: "Bố của cháu bé này có một quá khứ bất hảo, trước đây nhiều lần đánh đập vợ con tàn nhẫn khiến vợ phải bế con đi thuê trọ. Khoảng thời gian đứa trẻ bị thương tích là khoảng thời gian có mặt của người đàn ông này. Người đàn ông này lại chính là người đưa đứa trẻ vào bệnh viện. Bởi vậy, có rất nhiều cơ sở khiến những người dân bình thường cũng có thể nghi ngờ đây là một vụ bạo hành, đánh đập trẻ em chứ không đơn thuần chỉ là sơ ý làm đứa trẻ bị ngã.
Dưới góc độ khoa học pháp lý hình sự, cơ quan giám định pháp y có đủ trình độ chuyên môn, phương tiện kĩ thuật để có thể giám định cơ chế hình thành vết thương, làm rõ những vết thương hở, bầm tím, tụ máu, gãy chân, chấn thương sọ não... Cơ quan giám định pháp y sẽ xác định ở mức độ tác động ngoại lực như thế nào mới có thể gây ra thương tích đó. Với sàn nhà phẳng, độ cao của võng không lớn, ngã một lần thì không thể gây ra những vết thương nghiêm trọng, nhiều chỗ, nhiều vị trí đến vậy...".
Trong vụ án này, luật sư cho rằng, cơ quan điều tra sẽ triệu tập vợ chồng người đàn ông này để xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ sự việc thực tế như thế nào, đồng thời lấy lời khai những người làm chứng, khám nghiệm hiện trường, thu thập các chứng cứ, dấu vết để lại trên hiện trường để xác định có hành vi bạo hành, đánh đập trẻ em hay không?
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng có thể tiến hành giám định thương tích, giám định cơ chế hình thành vết thương để xác định mức độ thiệt hại, tổn hại và nguyên nhân có thể xảy ra của vụ việc này.
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, trong trường hợp có căn cứ cho thấy do thù tức, mâu thuẫn mà người đàn ông đó đã đánh đập, ném, vứt đứa con của mình khiến đứa trẻ thương tích trầm trọng như vậy thì có thể khởi tố người đàn ông này về Tội giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 với các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi... Khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Hiện tại, cơ quan điều tra cần khẩn trương thực hiện các hoạt động tố tụng, thu thập các tài liệu chứng cứ, tiến hành trưng cầu giám định để làm rõ chân tướng của vụ việc và sớm giải quyết vụ việc công bằng, đúng pháp luật.
Được biết, mới đây nhất, chị N.H.T (mẹ bé K., 21 tuổi, ngụ Quận 9) đã có đơn cầu cứu về việc bé C.M.K. (4 tháng tuổi) bị bố đẻ bạo hành.
Theo đơn trình bày sự việc của chị T. (mẹ bé K.) cho biết chị và chồng kết hôn đã nhiều năm và có 2 người con, K. là con thứ 2. Hai người kết hôn và có con khá sớm.
Từ năm 19 tuổi, T. đã thường "chơi đá" bị đưa đi cai nghiện 2 năm và sau đó đi thêm một lần khác 15 ngày, nhưng vẫn chứng nào tật đó. Vì cuộc sống gia đình có những mâu thuẫn nên chị T. buộc gửi con cho nhà ngoại chăm sóc để đi làm thêm.
Cũng theo lời chị T., có lần bé K. mới được 1,5 tháng đã bị bố đánh sưng mặt, sưng đầu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Minh Khôi