(Tổ Quốc) - May mà bệnh viện ở gần nhà nên bác sĩ đã cấp cứu kịp thời.
Sặc sữa là một hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh, nhưng trong hầu hết trường hợp, các em bé đều có thể tự mình giải quyết như nôn trớ bớt ra ngoài. Tuy nhiên mới đây, bác sĩ tại Bệnh viên Nhân dân số 2 (Trung Quốc) đã tiếp nhận một bé gái 20 ngày tuổi bị sặc sữa đến mức không thở được.
Theo ghi nhận của bệnh viện, đứa trẻ được đưa đến trong tình trạng mặt tím tái vì không thở được, tay chân lạnh rất nguy hiểm. Bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán em bé bị sặc sữa nên đã sơ cứu kịp thời. May mắn là 2 phút sau, bé gái đã thở lại bình thường. Mặc dù vậy, cô bé vẫn được giữ lại bệnh viện để theo dõi thêm vài ngày.
Mẹ của đứa trẻ, chị Vương cho biết đêm hôm đó, chị đã vừa nằm vừa cho con bú. Nhưng vì quá mệt nên chị đã ngủ thiếp đi. Một lúc sau, bà mẹ này giật mình tỉnh dậy khi nghe tiếng con gái ho và khóc một cách khác lạ. Ngay lập tức, chị đã vùng dậy, bế con theo hướng thẳng đứng và vỗ lưng cho con.
Tuy nhiên, vì phương pháp sơ cứu không đúng nên tình hình của con gái chị Vương không thuyên giảm. Gia đình đã vội chở bé gái đến bệnh viện, cũng may là bệnh viện ở cách nhà không xa nên đứa trẻ đã được cứu sống.
"Đó là một đêm kinh hoàng đối với tôi, và cho đến bây giờ tôi vẫn bủn rủn chân tay mỗi khi nghĩ lại", chị Vương cho biết.
Những điều mẹ cần lưu ý khi cho con bú để tránh tình trạng trẻ bị sặc sữa
Tiến sĩ Amanda Gorman - người sáng lập nên Nest Collaborative, trung tâm tập hợp các Chuyên gia tư vấn cho con bú được chứng nhận bởi Hội đồng Quản trị Quốc tế cho biết, lý do phổ biến nhất khi trẻ bị sặc sữa chính là sữa chảy nhanh hơn mức mà trẻ có thể nuốt được. Nó thường xảy ra ở các bà mẹ có nhiều sữa. Dấu hiệu phổ biến của sặc sữa chính là cảm giác ho sặc hoặc nuốt nhanh. Nguyên nhân là do sữa về quá nhanh và quá nhiều khiến các bé không nuốt kịp.
Để ngăn ngừa tình trạng trẻ bị sặc sữa, tiến sĩ Gorman khuyên các mẹ trong khi cho con bú thỉnh thoảng nên kéo trẻ ra khỏi vú, để con lấy lại nhịp thở và bú chậm lại. Mẹ có thể cho con ngưng bú trong 20 đến 30 giây đầu tiên khi sữa bắt đầu xuống.
Khi bế cho con bú, mẹ nên ngồi thẳng lưng, dùng khuỷu tay đỡ đầu của con. Cơ thể của trẻ phải nằm nghiêng và quay về phía vú mẹ với cánh tay phía trong được kẹp giữa bụng mẹ và bụng bé. Mẹ hãy chọn cho mình một tư thế cho con bú thoải mái nhất, bạn có thể ôm con vào lòng hoặc đặt con trên một chiếc gối đặt trên đùi.
Đối với trẻ bú bình, tiến sĩ Gorman hướng dẫn cha mẹ nên để bình sữa song song với mặt đất. Điều này giúp em bé kiểm soát được dòng chảy của sữa. Đồng thời, kỹ thuật này cho phép bé chủ động kéo sữa ra khỏi bình bằng khả năng mút của mình, cũng như khi nào muốn ngừng bú, con cũng dừng lại dễ dàng.
Trong trường hợp trẻ bị sặc sữa, cha mẹ nên:
- Nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp trên tay hoặc đùi, đầu thấp hơn cơ thể, rồi vỗ liên tiếp 5 cái đủ mạnh vào vùng giữa 2 bả vai của trẻ. Sau khi vỗ xong, nhẹ nhàng lật trẻ ngược lại xem con đã tự thở được chưa, da đã hồng hơn chưa. Nếu con chưa hồi phục thì tiến hành ấn ngực.
- Giữ nguyên trẻ ở tư thế ngửa, dùng ngón 2 tay trái ấn mạnh vào vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái, với tốc độ 1 lần/giây.
- Tiếp tục đánh giá dấu hiệu hồi phục, nếu trẻ vẫn chưa hồi phục thì thực hiện lại thao tác vỗ lưng - ấn ngực cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục (có thể là từ 6 – 10 lần). Khi con đã khóc được, hồng hào trở lại thì cha mẹ nên mau chóng đưa con đến bệnh viện để được kiểm tra và sơ cứu y khoa.
Nguồn: Sohu, Healthline, Parenting
H.H