(Tổ Quốc) - Kem chống nắng nên được coi là vật bất ly thân với chị em phụ nữ ham muốn có được làn da căng bóng, ít nguy cơ mắc các vấn đề bệnh về da, giúp chị em luôn trẻ trung hơn tuổi thật.
Kem chống nắng - Vật bất ly thân để làn da phái đẹp được bảo vệ mỗi ngày, dù không đi ra ngoài nắng!
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều thói quen sống hàng ngày của chúng ta. Nếu như bình thường, mỗi sáng, chị em thức dậy đều có bước chăm sóc da trước khi lên xe đi làm thì điều ấy giờ đây không phải ai cũng đảm bảo nữa. Đa số những người bỏ qua bước bôi kem chống nắng vì tiết kiệm, vì thấy không cần thiết, vì "có đi ra ngoài nắng đâu mà phải bôi làm gì".
Những nhận định ấy hoàn toàn sai lầm. Không dùng kem chống nắng ngay khi ở trong nhà trong thời gian giãn cách xã hội có thể khiến da bạn nhanh chóng bị xấu xí, nám sạm, thậm chí gặp nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến làn da.
Thế nên, có một sự thật là nhiều chị em cảm thấy làn da của mình bị xấu đi ngay khi chỉ ở trong nhà, khi không lạm dụng trang điểm, không phải ra ngoài đường, không phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay khói bụi ô nhiễm.
Theo ThS.BS da liễu Vũ Thị Thơm (Giảng viên học viện y dược học cổ truyền Việt Nam), chống nắng hay nói rõ hơn là chống tia UV (tia tử cực tím) một loại tia không nhìn thấy của ánh sáng mặt trời.
Nhưng ngoài tia này, hàng ngày còn có các tia với bước sóng giống tia UV là ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, bóng đèn led "tấn công" bạn... Khi bạn ở nhà, bạn có chắc mình không dùng các thiết bị này 100% hay không? Đó là điều không thể. Khi sinh hoạt nguyên ngày trong nhà, bạn vẫn cần phải làm việc với máy tính. Không làm việc với máy tính, bạn vẫn phải đụng đến điện thoại. Chưa kể, ánh sáng đèn trong phòng... không thể không bật.
BS Thơm nhận định, khi những tia này tác động vào da gây tổn thương trực tiếp hay gián tiếp do sinh ra nhiều các gốc tự do. Hậu quả là bạn có thể sẽ gặp phải phản ứng bỏng nắng; sạm nắng, tăng sắc tố; dày lớp sừng; giảm miễn dịch tại chỗ và toàn thân; lão hóa da do ánh sáng; ung thư da.
Vậy, ngay cả khi ngồi trong nhà, kem chống nắng của bạn cần đáp ứng những tiêu chí nào?
Theo BS Thơm, việc đầu tiên trong chống nắng đúng cách chính là lựa chọn kem chống nắng phù hợp. Cụ thể, kem chống nắng cần đáp ứng những yêu cầu sau:
- Chọn kem chống nắng phù hợp với loại da của bạn để tránh kích ứng, bít tắc nổi mụn…
- Chọn kem chống nắng có chỉ số chống nắng phù hợp với điều kiện thời tiết và cường độ phơi nắng. Không nên chọn kem chống nắng có chỉ số chống nắng quá cao SPF > 60, chỉ trừ khi da quá nhạy cảm với ánh sáng hoặc ở giữa trưa trời nắng mà phải phơi nắng trực tiếp trong thời gian dài.
- Nên chọn kem chống nắng chống được cả tia UVA và UVB, trên sản phẩm có ghi Broad Spectrum hoặc Full Spectrum hoặc PA .
- Chọn hãng mỹ phẩm uy tín, sản phẩm nhập khẩu chính hãng có tem chứng nhận.
Ngoài việc lựa chọn đúng loại kem chống nắng phù hợp, bạn cũng cần biết cách sử dụng đúng kem chống nắng mình đã lựa chọn. Không phải cứ dùng kem chống nắng càng nhiều càng tốt. BS Thơm cho biết, dùng kem chống nắng đúng cách cần đảm bảo các tiêu chí sau:
- Dùng lượng kem chống nắng vừa đủ. Nếu dùng thiếu, làn da không có tác dụng bảo vệ tối ưu, dùng quá nhiều sẽ gây lãng phí, đồng thời gây bít dính làn da, dễ nổi mụn. Trong thời gian chỉ ngồi trong nhà, không đi ra ngoài nắng, chị em nên bôi 2 đốt ngón tay kem chống nắng cho vùng mặt là vừa đủ.
- Thông thường, bạn dùng kem chống nắng trước 15-20 phút khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và cứ sau 2-3 giờ phải bôi lại kem chống nắng. Tuy nhiên, hiện nay nếu bạn chỉ ngồi trong nhà, không tiếp xúc ánh nắng có tia UV thì có thể bôi mỗi ngày 2 lần kem chống nắng. Đối với kem chống nắng có chỉ số SPF 50, bôi lượng dày thì bạn có thể không cần phải bôi lại khi chỉ ngồi trong nhà.
- Dùng kem chống nắng sau khi bôi sản phẩm dưỡng da và trước khi trang điểm (nếu có).
- Phải tẩy trang sau dùng kem chống nắng vì sữa rửa mặt không thể làm sạch được kem chống nắng. Nói chung các bước skincare khi ở nhà với đi làm cần đảm bảo từng bước, vì một làn da khỏe đẹp, đặc biệt còn tránh bệnh về da trong thời gian dịch bệnh kéo dài.
TH