(Tổ Quốc) - Giữa bộn bề cuộc sống, mỗi ngày chị Phượng đều cảm thấy bình yên khi trở về nhà, ngôi nhà ấm cúng với các loại hồng được trồng xung quanh vườn cùng đủ loại cây ăn trái.
Chị Nguyễn Phượng sinh năm 1990. Gia đình chị có công ty riêng nhưng từ khi sinh bé thứ 2, hai vợ chồng quyết định giảm tải công việc để dành thời gian cho các con nhiều hơn. Ngôi nhà của chị trước đây được trồng chủ yếu là cây ăn quả, các loại cây cảnh dễ chăm sóc.
Tuy nhiên, từ khi bắt đầu đợt dịch, giãn cách xã hội nên cả hai vợ chồng đều dành thời gian tìm hiểu về các loại cây trồng, cách chăm sóc, tỉ mỉ đọc kinh nghiệm của những người đi trước và quyết định "dấn thân" vào tình yêu đối với hoa hồng.
Với chị Phượng, ngôi nhà hoa hồng dường như đã là ước mơ từ lâu nhưng đến thời điểm ấy, cả hai vợ chồng mới có cơ hội và thời gian để trải nghiệm.
Ngôi nhà của chị Phượng có diện tích khoảng 160m2/sàn. Diện tích còn lại được chị thiết kế sân và vườn để trồng cây ăn quả, các loại hoa hồng, hoa theo mùa.
Trong khu vực sân vườn, vợ chồng chị thiết kế bể cá dài khoảng 10 mét. Chị rất thích khoảng diện tích nhỏ xinh này. Mỗi sáng dậy, việc làm đầu tiên của chị là cho cá ăn, ngắm chúng bơi lội để cảm thấy vui vẻ, thảnh thơi khi bắt đầu ngày mới.
Trong vườn còn được trồng khá nhiều cây ăn quả như mít Thái, bưởi Diễn, hồng… Nhờ học hỏi kinh nghiệm chăm cây nên mít thường được thu hoạch quanh năm. Bưởi Diễn cũng là loại cây chị yêu thích vì vừa được ngửi hương bưởi từ khi cây ra hoa tới lúc ra quả.
Những quả bưởi cũng tỏa hương dịu dàng, chín vàng đẹp mắt tô điểm cho không gian sân vườn nhà chị. Với những cây hồng, quả thường chín ngọt lịm. Mỗi lần thu hoạch, chị đều chia cho hàng xóm và người thân cùng thưởng thức.
Những gốc hồng tô điểm cho khu vườn nhà chị Phượng thêm rực rỡ, ngát hương.
Trong khu vườn ấy, chị yêu thích nhất là những gốc hồng. Chị Phượng trồng khoảng 30 gốc gồm hồng đào, hồng cổ Sapa, hồng cổ Huế, quế kép… Chị Phượng sau khi tìm hiểu các loại hồng, đã ưu tiên lựa chọn hồng cổ vì giống cổ thường sống khỏe, sai bông, hoa rất thơm và lại dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Đều đặn 7 – 10 ngày chị tưới phân một lần cho cây.
Vì định trồng ở khu vực hàng rào nên chị đã đào hết phần đất chứa sỏi cát vữa trong quá trình xây dựng để bỏ đất thịt trộn phân trùn quế vào. Hàng rào được chị trồng từ đợt dịch cuối tháng 2, nay đã tốt tươi và cho nhiều lứa hoa vô cùng đẹp mắt.
Nhờ học hỏi kinh nghiệm và cách chăm sóc hồng từ người đi trước, những gốc hồng luôn sai bông, khỏe mạnh.
Chị Phượng chia sẻ: "Ngày xưa mình luôn ao ước có một ngôi nhà hoa hồng thì sau chưa tới 1 năm là chạm tay tới mơ ước rồi. Nên mọi người ai thích có vườn hồng thì cứ chọn hồng cổ, vừa dễ chăm, sai bông lại lớn rất nhanh".
Khu vực trồng hồng mỗi lần hoa nở, chỉ cần đi ngang qua cũng ngát hương thơm dịu dàng. Ai đến nhà chị cũng dừng lại ở sân để được ngắm nhìn những cành hồng rung rinh khoe sắc trong gió. Có những hôm khách chẳng cần vào nhà, chỉ thích đứng bên ngoài chụp ảnh với hoa khiến chị Phượng cảm thấy rất vui khi thành quả của mình cũng được mọi người động viên, hưởng ứng.
Các bạn nhỏ mầm non gần nhà chị cũng thường được cô giáo dẫn qua sân vườn ngắm cá, chụp ảnh. Trồng hồng đối với chị còn là cách để kết nối mọi người với nhau.
Những chùm dạ yến thảo rực rỡ, hoa lan khoe sắc giúp ngôi nhà luôn tràn ngập sắc màu thiên nhiên.
Trồng hồng là cách để cả gia đình được thư giãn, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, giúp ngôi nhà đẹp hơn. Cũng nhờ trồng hồng, nhiều gia đình hàng xóm sang học hỏi để trồng thêm hoa cho nhà mình. Nhờ điều đó, khu phố của chị cũng đẹp hơn với sắc màu thiên nhiên.
Nguồn ảnh NVCC
Mộc Hương