(Tổ Quốc) - Không gian sống của gia đình chị Huyền (40 tuổi) khiến nhiều người ước ao, một ngôi nhà vườn cổ kính, bình yên giữa khu vườn chỉ toàn rau, hoa và bóng nắng bên thềm.
Trong cuộc sống hiện đại, ai cũng bận rộn, dễ bị cuốn theo vòng xoáy của công việc, của sự tấp nập, huyên náo phố phường.
Và chắc chắn sau một ngày bận rộn, ai cũng yêu thích được trở về tổ ấm của mình, nơi chỉ có những yêu thương và bình yên.
Chị Huyền cũng vậy, chị yêu từng lối nhỏ vào nhà, yêu hàng rào được xây không rõ từ bao giờ và ngôi nhà vườn của gia đình chị hiện tại, nơi ẩn chứa những yêu thương, nhuộm đầy nét mộng mơ của xứ Huế.
Ngôi nhà có diện tích khoảng 60m², được xây dựng trên mảnh đất có tổng diện tích là 770m². Theo chị được biết, ngôi nhà vườn này đã tồn tại cả trăm năm nay nhưng những người chủ cũ đã ly tán nên cả quãng thời gian dài không có ai ở. Chị Huyền mua lại và sửa chữa mất khoảng hơn 3 tháng.
Chị cũng khá kỳ công ở phần gỗ và phần thợ kép (bao gồm lợp ngói, đắp sành sứ, làm bình phong). Những người thợ chị chọn để cải tạo nhà đều là những người có kinh nghiệm trùng tu cho các di tích ở Huế (làm các công trình như Đại Nội, lăng tẩm) với nhiều kỹ thuật đặc biệt chỉ có thợ Huế mới thi công được.
Chị Huyền chia sẻ: "Mình là người Hà Nội nên có rất ít kinh nghiệm về nhà cổ, nhất là các cấu trúc gỗ, mặc dù đã từng xây sửa nhà khá nhiều nhưng đó đều là những ngôi nhà hiện đại".
Ngôi nhà của chị được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống của miền Trung, một gian hai chái. Sau đó người chủ cũ đã cải tạo thành nhà ba gian. Những nét kiến trúc chính của công trình vẫn còn được giữ nguyên. Đó là hệ thống kèo, cột chắc chắn với nhiều hoa văn tinh tế.
Bên cạnh đó, màu ngoại thất (tường hồng cửa xanh) cũng là màu nguyên bản. Đáng chú ý đây không phải là sơn mà được quét vôi. Vì thế, chị Huyền cũng chọn cách quét vôi trong quá trình cải tạo.
Ngôi nhà ba gian được chia gian giữa để thờ, hai bên là hai gian để gia chủ nghỉ ngơi. Ngày xưa thì người nam và người nữ không ngủ chung nên được chia hai khu riêng biệt như vậy.
Phòng ngủ và nội thất trong nhà.
Chị đã rời cuộc sống ở thành phố nhộn nhịp, phồn hoa Hà Thành để đến với xứ Huế. Đặt chân đến nơi đây, chị còn nhiều bỡ ngỡ bởi phải tập thích nghi với phong cách xây dựng và cả thổ nhưỡng. Chị yêu thiên nhiên nên khi có duyên mua ngôi nhà vườn này, chị đã vô cùng yêu thích và bắt tay vào việc lên kế hoạch cũng như thực hiện cải tạo khu vườn.
Những góc nhỏ xanh tươi trong khu vườn bình yên.
Vườn của chị Huyền được chia làm 3 phần: phần trồng cây ăn quả, phần trồng rau và phần trồng hoa. Theo chị, một khu vườn "khỏe mạnh" là một không gian trồng nhiều loại cây khác nhau. Nếu chỉ có hoa hay rau thì cũng sẽ không có đủ các loại thiên địch để thiên nhiên tự cân bằng, dễ gây ra bệnh tật cho cây.
Vì thế, chị tôn trọng tự nhiên và để cho nhiều loại cây cùng mọc, thậm chí là cả cỏ dại. Với cách này, chị cũng đỡ tốn công sức mà khu vườn vẫn giữ được nét đẹp tự nhiên, duyên dáng, khác hẳn với những khu vườn kiểu "tiểu thư nhà kính".
Trong vườn, ngoài trồng cây lưu niên, chăm sóc rau hàng ngày, chị Huyền còn chú trọng trồng các loại hồng cả nội và ngoại. Chị cho biết thêm: "Mình nhận thấy hồng ngoại đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, mùi thơm nhưng lại dễ nhiễm bệnh và không phải là phù hợp nhất với thổ nhưỡng Việt Nam. Hồng nội gồm các loại như hồng cổ Hải Phòng, hồng cổ Sơn La, hồng Vân Khôi, hồng Tố Nữ, phớt hồng Đà Lạt... có sức sống hơn, và có mùi thơm tinh tế, nhẹ nhàng tuy không rõ ràng như hồng ngoại".
Chị Huyền rất yêu hoa hồng. Chị thường tưới nước, bắt sâu cho cây. Lâu lâu bón thêm phân dê và phân heo đã qua xử lý. Thỉnh thoảng chị bón thêm đạm cá cho cây.
Để chăm sóc khu vườn thật tốt, bí quyết của chị chính là quan sát, "lắng nghe" cây cỏ. Khi ở bên cây cỏ, chị luôn cảm thấy nhẹ nhõm, thư thái. Với những cây không chống chọi được với điều kiện tự nhiên, chị sẽ để chúng được ra đi nhẹ nhàng, không dùng các loại thuốc để chữa trị triệu chứng hoặc làm hại những con côn trùng trong vườn.
Ngôi nhà nhỏ, khu vườn đủ loại sắc màu xanh tươi, rực rỡ của hoa cỏ đã góp phần giúp cuộc sống của chị Huyền thêm ý nghĩa trong niềm vui rất đỗi bình dị mỗi ngày.
Nguồn ảnh: NVCC
Mộc Hương