(Tổ Quốc) - Người Trung Quốc không còn tin tưởng vào Guus Hiddink và chiến lược gia Hà Lan cũng không mặn mà với bóng đá trẻ quốc gia này. Vấn đề là ở chỗ, cuộc chia tay này có giá bao nhiêu?
"Hiddink hãy nhìn sang bên kia biên giới mà học hỏi"
Khi Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc CFA trải thảm đỏ rước Guus Hiddink, họ kỳ vọng dưới sự lèo lái của nhà cầm quân được mệnh danh là phù thủy này, bóng đá trẻ Trung Quốc sẽ đến được với Olympic.
Nhưng khi giải U23 châu Á, giải đấu quyết định những tấm vé đi Tokyo 2020 còn 4 tháng nữa là khởi tranh, thì Hiddink bị CFA sa thải, đúng 1 năm sau ngày ông nhậm chức.
Truyền thông cũng như người hâm mộ Trung Quốc cho rằng, Hiddink thiếu nghiêm túc và thái độ làm việc không chuyên nghiệp. Trên mạng xã hội, chuyên gia bóng đá Trung Quốc Ma Dexing chỉ ra rằng, rất nhiều cầu thủ trẻ có tiềm năng, đang chơi ở giải VĐQG Super League nhưng lại không được Hiddink lựa chọn.
Giao hữu: U22 Trung Quốc 0-2 U22 Việt Nam (Nguồn: NEXT Sport)
Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân là do Hiddink không thường xuyên ở Trung Quốc và theo dõi các giải đấu ở quốc gia này. Thậm chí, đội ngũ trợ lý đông đảo của chiến lực gia 71 tuổi người Hà Lan cũng không bao giờ xuất hiện trên các khán đài của Super League.
Trên Tianjin Media, phóng viên Trung Quốc Zhao Rui chỉ ra rằng: "Thái độ của Guus Hiddink là không thể chấp nhận được. Ông ta còn không để ý và không biết cầu thủ trẻ nào ở giải VĐQG, nó khác hẳn hoàn toàn với trợ lý cũ của ông ấy là Park Hang-seo đang làm cho bóng đá Việt Nam".
"Hiddink không thể làm như cái cách cộng sự cũ của ông ta đang làm. Bóng đá Trung Quốc ngày càng nảy sinh vấn đề trầm trọng với những nhà cầm quân bóng đá trẻ như thế này".
Theo giới truyền thông cũng như chuyên gia Trung Quốc, dường như Hiddink không chuyên tâm lắm với công việc ở đội U22 nước này. Trận hòa Triều Tiên 1-1 và đặc biệt là trận thua muối mặt trước U22 Việt Nam ngay trên sân nhà không chỉ là giọt nước làm tràn ly, mà còn đụng chạm đến vấn đề tự trọng của cả một nền bóng đá. Và Guus Hiddink phải ra đi.
Trung Quốc phải đền bù bao nhiêu tiền?
Tháng 9 năm ngoái, Guus Hiddink đặt bút ký dẫn dắt đội trẻ Trung Quốc với thời hạn 3 năm, mức lương mỗi năm lên tới 4 triệu euro sau thuế, bằng 1/5 mức lương Lippi đang hưởng ở ĐTQG Trung Quốc. Vậy khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, CFA sẽ phải đền bù bao nhiêu cho nhà cầm quân Hà Lan?
Theo Tianjin Media, người đại diện của Hiddink đã có những đàm phán ban đầu về mức bồi thường mà bóng đá Trung Quốc phải trả cho chiến lược gia này, theo đó, Hiddink phải lĩnh đủ 2 năm lương còn lại là 8 triệu euro.
Nhưng cũng có những nguồn tin cho rằng, Hiddink chấp nhận mức bồi thường 4 triệu euro, tương đương 1 năm lương của ông. Đây là mức chấp nhận được và cũng thường là thông lệ khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt.
Việc sa thải Hiddink là cần thiết vào thời điểm này nhưng nó cũng ảnh hưởng ít nhiều tới công tác chuẩn bị của Trung Quốc trong mục tiêu lấy vé đi Olympic vào tháng Giêng tới ở Thái Lan.
Trong nỗi thất vọng về Hiddink, tờ Tailibao ca ngợi bóng đá Việt Nam và đề cao vai trò của Park Hang-seo. Trước đó, tờ báo này cũng nhiều lần đồn thổi về việc Trung Quốc sẵn sàng "rải tiền tấn" để chiêu mộ Park Hang-seo.
Tuy nhiên, chuyên gia bóng đá Trung Quốc Ma Dexing cho rằng, đã đến lúc người Trung Quốc cần tin dùng các HLV quốc nội, những người hiểu rõ nền bóng đá Trung Quốc, thay vì tung tiền tấn thuê các HLV nước ngoài nhưng hiệu quả lại không như mong đợi.
Trên thực tế, để thay thế cho Hiddink, CFA đã bổ nhiệm Hao Wei. Nhà cầm quân này từng dẫn dắt đội tuyển quốc gia nữ Trung Quốc.
Na Miên