(Tổ Quốc) - "Tôi đi ra miền Trung diễn với thân hình nhỏ bé, gầy gò, có 48kg. Khán giả nhìn thấy tôi tội quá nên thương lắm" – Ngọc Sơn nói.
Ngọc Sơn được biết đến là một người con vô cùng hiếu thảo, dành hết tình yêu thương cho cha mẹ mình.
Tại chương trình Ngôi sao đương thời tuần này, Ngọc Sơn đã bật khóc nức nở nhớ về người cha đã mất của mình. Anh nói:
"Đến giờ, tôi vẫn nhớ năm 1975, khi mới giải phóng, cha tôi dắt tôi vào miền Nam sinh sống. Nhà tôi lúc đó ở ngay bờ biển, chung một khu với ông nội. Lúc gió rét thổi về, cha thấy tôi nằm co ro liền cởi chiếc áo măng tô đi biển choàng lên người tôi.
Cả đêm đó tôi ngủ không được, cứ nằm khóc. Tôi thương cha lắm, vì tôi mà cha phải làm như thế. Sau này, nhớ về khoảnh khắc đó nên tôi mới viết ra bài Tình cha.
Sau này, cha tôi bị bệnh tim, tôi đã chăm sóc hết lòng nhưng ông vẫn ra đi. Tôi thương cha lắm".
Ngoài tình yêu với cha mẹ, Ngọc Sơn cũng dành trọn tấm lòng của mình tới khán giả, nơi anh gọi là đại gia đình. Anh bật khóc thêm lần nữa bày tỏ:
"Tôi có nhiều tình cảm với khán giả lắm, mỗi ánh mắt họ nhìn tôi tôi đều nhớ hết. Tôi chỉ cầu trời đến khi về thế giới bên kia không mất một ai.
Mỗi lần bước lên sân khấu nhìn thấy ánh mắt khán giả nhìn mình, tôi thấy mình như có một ánh hào quang, nguồn năng lượng vô tận.
Tôi còn nhớ, hồi đó tôi đi ra miền Trung diễn với thân hình nhỏ bé, gầy gò, có 48kg. Khán giả nhìn thấy tôi tội quá nên thương lắm. Tôi vừa bước ra khán giả đã thương ngay, nên tôi cảm động lắm, cứ khóc mãi.
Đến giờ, tôi chỉ cầu mong trời cho mình sức khỏe, cho tôi kiếm được nhiều tiền để giúp chỗ nọ chỗ kia, làm từ thiện cho mọi người".
Về việc từ nhạc trẻ chuyển sang Bolero và được phong làm Ông hoàng nhạc sến, Ngọc Sơn chia sẻ:
"Thời gian đầu tiên lên Sài Gòn, tôi thi vào trường Sân khấu, học tại lớp diễn xuất. Nhưng vì đam mê ca hát lớn hơn nên sau ba tháng, tôi nhảy sang Viện nghiên cứu âm nhạc, cũng ngay trong trường Sân khấu. Tôi được luyện về âm nhạc, hiểu từng nốt nhạc ngay từ nhỏ, nên có thiên hướng đi hát nhiều hơn đi diễn.
Lớp này chỉ mở ra đúng một lần và mở rất gấp. Họ tuyển 12 anh chị có kinh nghiệm, chỉ có tôi là ít tuổi, ít kinh nghiệm nhất, được học nhiều giáo sư, thầy cô nổi tiếng.
Trong quá trình học tại Viện nghiên cứu âm nhạc, tôi được nghiên cứu về ngũ cung và nhận thấy đó chính là tình cảm của người Việt mình truyền tải vào âm nhạc. Tôi đi hát thấy khán giả rất thích cách thể hiện tình cảm kiểu đó. Trong khi đó, Bolero lại chính là ngũ cung, nên tôi chuyển từ nhạc trẻ sang hát Bolero.
Những bài hit Tình cha, Tình mẹ của tôi chính là ngũ cung. Ngũ cung là hơi thở, tình cảm của con người Việt Nam và nằm trong Bolero.
Ngày xưa, người ta hay gọi Bolero là nhạc sến, phân biệt với nhạc trẻ. Nhạc trẻ đi theo hệ thống bát âm của nước ngoài, cũng rất hay, nhưng cái gốc tình cảm của ông cha ta lại là ngũ cung.
Vì thế nên tôi quyết định kết hợp cả âm nhạc Tây phương với ngũ cung dân tộc để sáng tác, ca hát. Với tôi, quan trọng nhất là giữ được truyền thồng.
Tôi cứ hát Bolero liên tục, tới một ngày được khán giả phong làm Ông hoàng nhạc sến. Đó là tấm lòng, tình yêu thương của khán giả, tôi không cản được, nhưng tôi lúc nào cũng chỉ nhận là tấm thân nhỏ bé trước mắt đại gia đình thôi".
Tùng Ninh