(Tổ Quốc) - Nếu vợ chồng bạn đang muốn có một bé trai thì có thể bạn cần phải học cách giải tỏa căng thẳng và thư giãn hơn.
Liệu bạn sẽ đẻ con trai hay con gái? Đó vẫn là một câu hỏi muôn thuở của mọi gia đình trước khi có thể siêu âm. Và chắc chắn cũng vì thế mà có vô vàn đủ những truyền thuyết và giả thuyết khác nhau để đoán được giới tính của bé. Nhưng liệu bạn đã bao giờ nghe rằng chịu quá nhiều căng thẳng và áp lực trong suốt thai kỳ có thể làm tăng khả năng sinh con gái chưa?
Một nghiên cứu mới đây từ Khoa Sức khỏe Công cộng Trường Đại học Oxford (Anh) cho biết những phụ nữ mắc phải căng thẳng trong thời gian dài sẽ thường sinh con gái. Nghiên cứu cũng tìm ra rằng những phụ nữ bị lo âu ngắn hạn thôi cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thụ thai.
Bà bầu nào cũng tò mò về giới tính của con (Ảnh minh họa).
Nghiên cứu đã phân tích 338 phụ nữ từ Vương quốc Anh đang cố gắng để thụ thai. Họ phải ghi chép nhật ký mỗi ngày về lối sống hàng ngày của họ cũng như chuyện sinh hoạt "chăn gối". Nghiên cứu cũng ghi lại mức độ của hai loại hormone là cortisol và alpha-amylase. Cortisol liên quan đến những căng thẳng áp lực trong thời gian dài như công việc, những mối lo về sức khỏe và tiền bạc. Trong khi đó mức alpha-amylase sẽ tăng khi adrenalin tăng, ví dụ như sau một cuộc cãi vã.
Sau cùng 130 phụ nữ đã sinh em bé với 58 bé trai và 72 bé gái. Các kết quả cũng cho thấy rằng những phụ nữ với mức cortisol cao sẽ có khả năng sinh con trai thấp hơn 75% và con số này là 69% đối với những phụ nữ có mức cortisol cao thứ hai.
Tuy vậy, chính các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận rằng đây vẫn còn là một nghiên cứu ở quy mô nhỏ và là nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này nên giả thuyết cần được kiểm nghiệm ở một quy mô lớn hơn nhiều để khẳng định mối liên hệ giữa áp lực và mang thai.
7 cách để kiểm soát những áp lực và căng thẳng về mặt cảm xúc trong suốt thai kỳ
Sẽ có nhiều bà mẹ cùng chung cảm giác vừa mới hôm qua thôi vẫn đang vui vẻ tự do làm mọi thứ mình thích mà bây giờ đã mắc kẹt với một đứa bé gào khóc suốt ngày, tự hỏi điều gì đã xảy ra với cuộc đời bạn. Sinh con có thể là một cú sốc khá lớn với cuộc đời mỗi người, nhưng vẫn có cách giúp bạn cân bằng lại.
Sinh con có thể là một cú sốc khá lớn với cuộc đời mỗi người, nhưng vẫn có cách giúp bạn cân bằng lại. (Ảnh minh họa)
1. Vạch ra một kế hoạch nuôi dạy con
Nếu bạn là kiểu người thích mọi thứ có trật tự và được sắp xếp, hãy ngồi lại với chồng và bàn về những vấn đề liên quan đến nuôi dạy con, thậm chí là phân chia trách nhiệm rõ ràng. Khi cả hai người đồng thuận, mọi thứ sẽ tự động đâu vào đó.
2. Thật linh hoạt
Mặc dù đã vạch sẵn kế hoạch nhưng một đứa trẻ ra đời cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ cần luôn sẵn sàng thay đổi. Cha mẹ phải ứng biến rất nhiều trong năm đầu đời của trẻ và hai người phải luôn biết cách phối hợp tốt với nhau.
3. Ghi chép
Hãy ghi chép lại những thói quen ăn, ngủ và khóc của con bởi nó có thể rất hữu ích đối với bất kì ai chăm sóc cho bé nhà bạn. Bạn cũng nên có danh sách những việc nên làm mỗi ngày, nhưng nhớ chỉ là những thứ liên quan đến sức khỏe và an toàn của gia đình bạn mới được coi là quan trọng thôi. Làm như vậy sẽ giúp bạn luôn kiểm soát được và cảm thấy chủ động.
4. "Giữ lửa" cho tình cảm vợ chồng
"Xương sống" của một gia đình vừa có thêm thành viên mới chính là mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Thỉnh thoảng hãy sắp xếp vài cuộc hẹn, ăn mặc thật đẹp và dành thời gian thật vui vẻ với nhau. Có một luật khá hay có thể áp dụng chính là trong những hôm đi chơi như vậy thời gian tối đa để nói về con chỉ được là 10 phút mà thôi.
5. Đừng cố trở thành bà mẹ siêu nhân
Đừng cố gánh hết tất cả các trách nhiệm nếu bạn không muốn tự làm mình kiệt sức. Hãy lên tiếng và từ bỏ một số công việc. Đừng cảm thấy tội lỗi khi chia sẻ công việc cùng với chồng, bạn không phải là siêu nhân nên đừng cố ôm hết về mình.
6. Tập thể dục với bé
Không phải là tập thể dục cường độ mạnh trong thai kỳ nhưng bạn cũng nên tập luyện và giữ cho bản thân luôn năng động. Quan trọng hơn chính là năm đầu tiên sau khi sinh con vì đây là khoảng thời gian mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần. Mấu chốt là giữ cho cả bé và bản thân mẹ khỏe mạnh chứ không phải là lấy lại vóc dáng đẹp. Hãy bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng trước và sau đó tăng dần, kết hợp luyện tập với những lúc chăm sóc con.
7. Nghĩ về một điều lớn hơn
Đúng vậy, trải nghiệm sinh đẻ và nuôi con có thể gây ra rất nhiều áp lực và căng thẳng nhưng giai đoạn này rồi cũng sẽ qua thôi, và nó sẽ qua nhanh hơn bạn tưởng nhiều. Bạn hoàn toàn có thể làm được mà!
Lam Phương