(Tổ Quốc) - Bánh đúc thêm lạc dừa chấm tương, món ăn dân dã đậm vị quê hương hiện đang được nhiều người tìm đến để thưởng thức trong những ở nhà thực hiện giãn cách xã hội.
Là người chuyên bán hàng ẩm thực, chị Thanh Hương ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết vợ chồng chị mở quán phục vụ đồ ăn văn phòng đã gần chục năm.
Chị cho biết cửa hàng nhà chị nằm ngay mặt phố, xung quanh có rất nhiều công ty tư nhân cũng như cửa hàng kinh doanh nên lượt khách quen qua lại quán khá đông. Đặc biệt, 2 năm nay nhà chị phục vụ thêm món bánh đúc chấm tương được rất nhiều khách ưa thích tìm tới ăn.
"Một lần về Hải Dương thăm người bạn thân, mình được chị ấy đãi món bánh đúc chấm tương ăn kèm rau thơm. Mình thấy bánh đúc ở đây hương vị rất đặc biệt bởi cốt bánh mềm, dẻo, còn thơm mùi gạo mà không bị mùi vôi nồng quá như bánh đúc ở nhiều nơi khác nên liền nảy ra ý tưởng đặt hàng chị để mang về Hà Nội bán.
Ban đầu mình chỉ đặt mấy chục suất chào hàng thăm dò khách. May mắn mẻ bánh ấy đã được khách hàng ủng hộ ăn rất nhiều. Đặc biệt là dân văn phòng, họ rất thích ăn món ăn dân dã này", chị Hương kể.
Chị Hương cho biết, vì bánh đúc quán chị bán được đặt từ người dân chính gốc Hải Dương làm nên hương vị rất đặc trưng, trong bánh đúc có thêm lạc, dừa được ăn kèm rau thơm. Vị bánh đúcTương để chấm bánh đúc chị cũng đặt người dân ở đó làm, thi thoảng có khách thích đổi vị ăn bánh đúc chấm mắm tôm cũng khá ngon.
"Đợt mới bán mình chỉ đặt hàng 1 tuần 2 lần gửi từ Hải Dương lên và ghi rõ lịch bán bánh đúc để khách tiện theo dõi. Sau khi lượt khách tới ăn bánh đã đông và đều thì mình sẽ áng chừng để đặt theo từng ngày. Riêng khách mua oline thì mình gom đơn hàng từ trước".
Tiểu thương này chia sẻ bánh đúc dễ ăn và mát. Mùa hè và mùa thu, bánh đúc của hàng chị bán chạy hơn những món khác. Trung bình một ngày chị Hương bán khoảng 50 suất bánh đúc tại quán, khoảng 30 đến 40 đơn qua mạng. Chị đăng bán trên trang cá nhân giá công khai 70 nghìn đồng trên một suất gồm 10 tấm bánh cùng rau thơm, gia vị kèm theo.
"Từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách, cửa hàng mình phải đóng cửa tạm dừng hoạt động tại quán thì mình chuyển sang hoàn toàn bán qua mạng. Mỗi ngày mình bán khoảng 70 đến 80 suất bánh đúc. Những hôm nắng nóng cao điểm, có ngày mình giao hơn trăm đơn. Trừ mọi chi phí, mỗi mỗi ngày mình thu về được khoảng 500.000 – 600.000 đồng", chị Hương kể.
Là một người "mê" bánh đúc chấm tương, chị Thu Ngọc một nhân viên văn phòng ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Ngày bé mình cũng hay được bà với mẹ nấu bánh đúc cho ăn. Từ khi lên thành phố học và lập nghiệp trên này, mình rất ít khi được ăn lại món ấy nên thi thoảng mình cũng tìm tới những quán ăn có bán bánh đúc chấm tương để thưởng thức. Từ hôm thực hiện giãn cách làm việc tại nhà, mình đã đặt tất cả 3 lần bánh đúc qua mạng để ăn đổi vị cho đỡ ngán".
Cùng ghiền bánh đúc nhưng lại thích bánh đúc chấm mắm tôm, anh Hưng ở Hoàng Mai, Hà Nội kể: "Cả mình với vợ đều thích bánh đúc chấm mắm tôm ăn kèm rau thơm. Nghỉ dịch ngày ăn 3 bữa ở nhà cũng chán nên thi thoảng cuối tuần, vợ chồng lại bảo nhau không nấu cơm mà đặt bánh đúc về ăn cho mát lại có cảm giác gần gũi với tuổi thơ ngày nào".
Cũng là 1 fan cuồng bánh đúc chấm tương, chị Ngọc Hà ở Đống Đa, Hà Nội lại tranh thủ những ngày nghỉ dịch để tự tay nấu bánh đúc cho cả nhà: "Nhà mình sống chung 3 thế hệ, tất cả đều thích ăn bánh đúc nên thi thoảng cuối tuần có thời gian, mình lại ngâm gạo xay để làm bánh. Nấu 1 nồi bánh đúc khá cầu kỳ, mất nhiều thời gian, nhiều công đoạn thì nghỉ giãn cách chính là khoảng thời gian lý tưởng để mình làm món bánh đúc lạc chấm tương đãi cả nhà.
Hơn nữa mình còn muốn cùng các con làm bánh đúc để cho các con mình có trải nghiệm tuổi thơ cùng mẹ và biết về món ăn ngày nhỏ của bố mẹ ngày trước như thế nào. Từ đó mà tuổi thơ của con mình cũng có những kỷ niệm đáng nhớ", chị Hà cho hay.
Giang Nguyễn