(Tổ Quốc) - Trước thông tin dây chuyền sản xuất tai nghe AirPods của Apple sẽ được chuyển sang Việt Nam, dân mạng Trung Quốc có người chê bai, có người hồ hởi, nhưng cũng không ít người tỏ ra lo lắng.
Trung Quốc từ lâu đã được mệnh danh là "sân sau", hay "công xưởng" chính của Apple, nơi mà các mẫu sản phẩm mới nhất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ được sản xuất, lắp ráp và ra đời.
Tuy nhiên, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại kéo dài giữa chính quyền Bắc Kinh và Washington, cũng như đại dịch Covid-19 đã khiến Apple buộc phải chuyển dần các dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục. Và mới đây nhất, một loạt thông tin cùng hình ảnh rò rỉ đã cho thấy Việt Nam được Apple lựa chọn để là nơi tạo ra các mẫu tai nghe không dây mới nhất cũng như sắp sửa ra mắt của mình.
Cư dân mạng khá quan tâm về thông tin dây chuyền sản xuất tai nghe của Apple sẽ chuyển sang Việt Nam.
Trước thông tin mới mẻ này, cộng đồng mạng Trung Quốc đã ngay lập tức có nhiều luồng dư luận phản ứng trái chiều nhau.
"Thoát khỏi việc làm thuê cho nước ngoài, công nhân Trung Quốc đã được giải phóng", một bình luận trên trang Sina viết.
"Tất cả các thương hiệu nước ngoài nên bước ra khỏi Trung Quốc", một vài người dùng trên mạng xã hội Weibo cũng có tư tưởng khá cực đoan.
"Nên áp dụng mức thuế 135% đối với việc nhập khẩu phụ kiện Apple được lắp ráp ở nước ngoài", một người dùng đến từ Sơn Đông viết.
Đáp lại đó là ý kiến phản hồi: "Thực tế không cần thiết, bởi vì những gì được bán ở Trung Quốc phải được lắp ráp tại Trung Quốc. Giá trị lớn nhất của Trung Quốc là thị trường tiêu dùng lớn, không chỉ thị trường sản xuất."
"Trung Quốc ban đầu sản xuất 1 triệu, bán ra 300.000 trong nước và xuất khẩu 700.000. Giờ 700.000 đơn vị này sẽ được chuyển đến sản xuất tại Việt Nam, xuất ra thị trường châu Âu và Mỹ. Apple sẽ luôn có các nhà máy ở Trung Quốc, nhưng quy mô sẽ giảm đi rất nhiều", thành viên có nickname "Panda đắm mình dưới ánh mặt trời" nêu quan điểm.
"Hãy cứ rời khỏi Trung Quốc và ra bên ngoài, rồi quay về so sánh, để biết cách đánh giá cao những lợi thế của chuỗi cung ứng và lực lượng lao động của Trung Quốc", một người dùng khác bình luận.
Nhiều người Trung Quốc tự hào về chất lượng thương hiệu "Made in China" của quốc gia mình.
Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận người dùng trên mạng Internet ở Trung Quốc nghi ngờ về việc Việt Nam có khả năng đón nhận "trách nhiệm nặng nề" này hay không.
"Không còn được lắp ráp tại Trung Quốc, chất lượng sản phẩm sẽ thật đáng lo ngại", một người dùng có thông tin địa chỉ ở Bắc Kinh bình luận. "Không sao đâu. Việt Nam sẽ lắp ráp sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của Apple", ngay lập tức có người dùng khác phản bác quan điểm này.
"Tôi hy vọng giá AirPods sẽ rẻ hơn để có thể nâng cấp tai nghe của mình lên thế hệ mới", một người dùng trên Sina viết. Tuy nhiên, ngay lập tức đã có ý kiến phản bác: "Giá cả sản phẩm ngày nay không liên quan gì đến chi phí sản xuất hết!".
Nhưng không ít người cho rằng "việc chuyển chuỗi công nghệ sang khu vực có giá nhân công rẻ hơn là xu hướng tất yếu", bởi đó là con đường mà chính Trung Quốc đã đi nhiều năm trước.
"Hệ thống sản xuất của Nhật Bản trong những năm 1990 cũng thống trị thế giới. Trung Quốc sau đó đã dần thay thế Nhật Bản trong 10 năm qua. Nó chứng minh rằng những thứ như chuỗi sản xuất công nghiệp có thể được chuyển giao trong một thời gian ngắn", một người dùng khác nhận xét.
Hình ảnh mẫu AirPods cao cấp nhất hiện tại của Apple, với dòng chữ "Lắp ráp tại Việt Nam".
Những người có quan điểm dung hòa thì cho rằng việc chuyển hệ thống dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc là việc tốt cho tất cả các bên, nhất là ở thời điểm phức tạp hiện tại.
"Lắp ráp một chiếc điện thoại di động chỉ có thể kiếm được vài chục USD, trong khi lắp một chiếc AirPods thậm chí còn kiếm được ít tiền hơn. Vì Việt Nam gần với Trung Quốc và thuận tiện cho việc vận chuyển, nên lắp ráp tại Việt Nam có lợi cho việc sử dụng chuỗi hậu cần công nghiệp của Trung Quốc trong khi không còn bị áp thuế quan cao. Việc chuyển dây chuyền sang Việt Nam thực sự là một kết quả có lợi cho tất cả các bên", một người dùng giấu tên khác cũng đưa ra ý kiến cá nhân.
"Giá lao động của Trung Quốc đang tăng lên hàng năm, giá đất cũng tăng lên tương tự. Việc chuyển dây chuyền sang Việt Nam là hoàn toàn bình thường", người dùng có nickname
"Bây giờ thì tốt rồi, một số lượng lớn người lao động trong nước đã bị cho nghỉ việc và không có gì để làm", một quan điểm khác lại tỏ ra lo lắng về số phận công nhân Trung Quốc.
"Sản phẩm của Apple sản xuất ở đâu không quan trọng, vì chất lượng của hãng hoàn toàn ổn!", người khác chia sẻ quan điểm. Nhưng cũng có người dùng khác bình luận theo quan điểm châm biếm: "Sự đổi mới ý tưởng của họ đã cạn kiệt, đây mới là vấn đề nghiêm trọng nhất!"
"Chỉ trích Việt Nam? Chất lượng gia công nhiều sản phẩm ở Trung Quốc vẫn còn rất kém. Đừng vội hả hê và chê cười người khác. Hãy nhanh chóng nâng cấp công nghệ các ngành công nghiệp trong nước trước khi quá muộn", một người dùng trên Weibo đưa ra lời cảnh tỉnh.
CN