(Tổ Quốc) - Bị trượt chân ngã bất ngờ, nhiều người cho rằng nghệ sĩ Công Lý bị đột quỵ. Bằng chứng thêm rõ khi anh không tham gia chương trình Táo quân năm 2022...
Công Lý bị ngã đến nỗi phải nhập viện, nhiều người đồn thổi do đột quỵ phải vào viện theo dõi vài tháng
Vào tháng 7, người hâm mộ cả nước hay tin NSND Công Lý bị ngã phải nhập viện. Đáng nói, thời gian qua đã có những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội như nam nghệ sĩ bị té ngã do đột quỵ, phải điều trị trong viện kéo dài nhiều tháng. Chia sẻ trên facebook cá nhân, chị Lê Ngọc Hà - vợ của NSND Công Lý cho biết, Công Lý bị ngã đột ngột do trượt chân trên sàn nhà. Nam nghệ sĩ có vào viện để thăm khám nhưng chưa từng nằm viện suốt thời gian dài như nhiều người xì xào. Thực ra, thời gian qua nam nghệ sĩ đã về nhà nghỉ ngơi, sau đó quay trở lại viện thời gian ngắn để bác sĩ thăm khám, điều trị cho sức khỏe ổn định và tốt hơn.
Được biết, nam nghệ sĩ không muốn xuất hiện trước công chúng với hình ảnh mệt mỏi. Đây cũng là lý do anh "ở ẩn" trong thời gian qua chứ hoàn toàn không phải di chứng đột quỵ để lại sau cú ngã trên sàn.
Đây là tin tức đáng mừng với những người hâm mộ nghệ sĩ Công Lý. Thế nhưng, dù không phải bị đột quỵ, việc bị ngã đột ngột cũng gây ra những hậu quả sức khỏe khó lường và việc dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân như nghệ sĩ Công Lý là quyết định sáng suốt.
Theo Ncbi, té ngã là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi và có những tác động xấu như tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ tàn tật, cô lập xã hội cao hơn. Đối với người cao tuổi, tình trạng này càng cần được lưu tâm hơn.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy, bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ có nguy cơ bị ngã cao. Việc xác định những bệnh nhân có nguy cơ có thể là bước đầu tiên để thực hiện các biện pháp phòng ngừa té ngã cho những bệnh nhân này.
Ngoài đột quỵ, giới khoa học nhận định còn rất nhiều thứ có thể gây ngã. Thị lực, thính giác và phản xạ của bạn có thể không còn nhạy bén như khi bạn còn trẻ. Bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc các vấn đề về tuyến giáp, dây thần kinh, bàn chân hoặc mạch máu có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng của bạn. Một số loại thuốc có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt hoặc buồn ngủ, khiến bạn dễ bị ngã...
10 nguyên tắc ngăn chặn té ngã đáng tiếc trong cuộc sống hàng ngày, siêu quan trọng với người cao tuổi
Một điều đơn giản nhưng thực sự có thể đổi thay cuộc đời bạn, ví dụ như vấp phải tấm thảm, trượt chân trên sàn ướt. Hậu quả để lại có thể là gãy xương.
Riêng đối với những người cao tuổi, vấp ngã có thể là khởi đầu của những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như phải đến bệnh viện, bị chấn thương nặng, thậm chí bị tàn tật. Thực hiện các bước sau đúng cách sẽ giúp bạn tránh tối đa việc bị té ngã:
1. Duy trì hoạt động thể chất
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện cơ bắp. Nó cũng giúp giữ cho khớp, gân và dây chằng của bạn linh hoạt. Các hoạt động chịu trọng lượng nhẹ, chẳng hạn như đi bộ hoặc leo cầu thang, có thể làm chậm quá trình mất xương do loãng xương.
2. Kiểm tra mắt và thính giác thường xuyên
Ngay cả những thay đổi nhỏ về thị giác và thính giác cũng có thể khiến bạn bị ngã. Khi bạn dùng kính hãy dành thời gian để làm quen với chúng. Luôn đeo kính khi bạn cần. Nếu bạn có máy trợ thính, hãy chắc chắn rằng nó vừa vặn và đừng quên đeo nó.
3. Tìm hiểu tác dụng phụ của thuốc
Nếu đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bạn cần tìm hiểu kỹ tác dụng phụ xem có gây buồn ngủ, chóng mặt không... Hãy chia sẻ điều này với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để có biện pháp thay thế.
4. Ngủ đủ giấc
Buồn ngủ làm gia tăng khả năng bị ngã. Do đó, để không buồn ngủ vào ban ngày, để đầu óc luôn tỉnh táo, bạn cần có một giấc ngủ ngon vào đêm hôm trước. Điều này sẽ giúp phòng tránh té ngã cho bạn.
5. Hạn chế lượng rượu bạn uống
Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ gãy xương hông ở người lớn tuổi tăng lên khi sử dụng rượu. Ngay cả một lượng nhỏ rượu cũng ảnh hưởng đến sự cân bằng và khả năng phản xạ của bạn nên hãy tiết chế tối đa dùng loại đồ uống này.
6. Từ từ đứng lên
Đứng dậy quá nhanh có thể khiến huyết áp của bạn giảm xuống. Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy chao đảo.
7. Sử dụng thiết bị trợ giúp nếu bạn cần khi đi bộ
Sử dụng gậy và khung tập đi thích hợp có thể ngăn ngừa ngã. Nếu bác sĩ yêu cầu bạn sử dụng gậy hoặc khung tập đi, hãy đảm bảo rằng nó có kích thước phù hợp với bạn và bánh xe lăn trơn tru.
8. Cẩn thận khi đi trên bề mặt ẩm ướt hoặc băng giá
Những bề mặt này có thể rất trơn. Tốt nhất bạn nên tránh đi trên những bề mặt này. Ở trong nhà có thể lau khô sàn rồi mới đi...
9. Đi giày không trượt
Những loại giày không trượt như có đế chống trượt, đế thấp... sẽ hữu ích với bạn. Điều quan trọng là đế không quá mỏng hoặc quá dày. Không đi trên cầu thang hoặc sàn nhà khi đang xỏ tất hoặc đi giày, dép có đế dễ trơn trượt.
10. Thông báo với bác sĩ
Luôn cho bác sĩ biết nếu bạn bị ngã kể từ lần kiểm tra sức khỏe cuối cùng, ngay cả khi bạn không bị thương khi ngã. Cú ngã có thể cảnh báo bác sĩ của bạn về một vấn đề y tế mới hoặc các vấn đề với thuốc hoặc thị lực của bạn cần được điều chỉnh.
TH