Phòng trưng bày loạt tạo tác độc bản - gần 300 con hổ trong bộ sưu tập 2.022 con của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Sơn Tây, Hà Nội) chuẩn bị ra mắt phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tiếp nối thành công của bộ sưu tập trâu độc bản, năm nay nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tiếp tục cho ra mắt bộ sưu tập gồm 2.022 tác phẩm hổ độc bản, mang đậm giá trị truyền thống để phục vụ người dân đón Tết.
Hiện 2.022 tượng hổ được làm từ gỗ mít đang được triển khai tại xưởng ở thôn Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm, dự kiến ra mắt công chúng dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Hình tượng hổ được làm từ gỗ mít, là chất liệu bản địa tại miền trung du Sơn Tây, kết hợp với nghệ thuật sơn mài thuần Việt.
Nghệ nhân Phát chia sẻ, bộ sưu tập 2.022 bức tượng hổ sơn mài độc bản trên gỗ mít năm nay là một thử thách sáng tạo mới đối với người nghệ nhân này.
Nghệ nhân Phát chia sẻ thêm, những bức tượng hổ dự kiến ra mắt năm nay sẽ là những tác phẩm độc bản bởi không con nào giống con nào. Với số lượng tạo tác rất lớn, người nghệ nhân Hà Nội quyết tâm làm xong trong dịp Tết Nguyên đán này.
"Mỗi con hổ phải trải qua hàng chục công đoạn, từ lên ý tưởng, rồi đục, đẽo tạo dáng cho khối gỗ, sau đó phủ lên nhiều lớp sơn, phơi khô, đánh bóng, khảm trai, vẽ tạo tác... nên nhanh thì vài ngày, lâu thì cả tháng mới xong", nghệ nhân Phát chia sẻ.
Vì được làm thủ công hoàn toàn nên mỗi con sẽ là một phiên bản khác biệt với những đường nét, hoa văn, màu sắc, kích thước và thần thái không giống nhau.
Mỗi chú hổ sẽ được "mặc" nhiều "lớp áo", lớp sơn quét xong cần có thời gian phơi khô trước khi thêm lớp khác hoặc làm công đoạn tiếp theo.
Sau khi được quét lớp sơn mài, các sản phẩm tiếp tục được khảm vỏ trứng trang trí hoặc khảm vỏ trai. Được biết lý do anh chọn 2 loại vật liệu trên để khảm là vì xem đó như một cách để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường.
Xuất phát điểm là một họa sĩ thiên về mỹ thuật ứng dụng do được đào tạo tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nên các mạch sáng tạo suốt gần 20 năm của nghệ nhân Phát đều mang tính ứng dụng rất cao. Những tạo tác hổ của anh lần này đều mang trên mình những công năng riêng.
"Hổ tượng trưng cho sự mạnh mẽ, uy nghi, nên tôi đã sử dụng hình tượng hổ trong ca dao, trong các câu chuyện dân gian để đưa vào bộ sưu tập, tạo hình gần gũi, đáng yêu, được cách điệu, giàu giá trị sử dụng", nghệ nhân Tấn Phát chia sẻ.
Dưới đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, có khi hổ được thiết kế là chiếc hộp, khi là lọ hoa, bàn trà, chiếc ghế.
"Tôi sẽ biến những chú hổ trở nên thân thuộc hơn bằng cách tạo hình để chúng khoác lên mình những hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu hơn chứ không nhất thiết phải hung tợn, nhe nanh, giơ vuốt... Tôi tin rằng, bộ sưu tập sẽ mang đến cho mọi người ấn tượng mới, cảm giác mới về hổ và làm cho chúng trở nên gần gũi hơn”, anh Phát tâm sự.
Gia Đoàn