(Tổ Quốc) - Vì trót yêu thích hàng thùng mà khi sang du học Nhật, cô bạn Hải Ninh vẫn giữ niềm đam mê này và thường tìm đến những cửa hàng để mua đồ thời trang phù hợp.
Hầu hết ai cũng biết rằng hàng nội địa Nhật có chất lượng rất tốt, bền và đẹp. Thêm đó, người Nhật vốn đã nổi tiếng là người biết giữ gìn các món đồ rất cẩn thận. Vậy nên nhiều người Việt khi sinh sống tại Nhật cũng mua đồ đã qua sử dụng nhưng chất lượng còn rất tốt.
Như trường hợp của bạn Hải Ninh, một du học sinh mới qua Nhật được một thời gian cũng vậy. Hải Ninh thường lựa chọn mua quần áo hàng thùng của Nhật thay vì các quần áo hàng hiệu của Gu, Uniqlo, H&M. Cô nàng lại thích săn các hàng thùng đặc biệt là những món đồ thiên hướng thổ cẩm, sắc màu.
"Mình mới qua Nhật nhưng vì yêu thích hàng thùng nên cũng đã tìm hiểu và dành thời gian tới nhiều cửa hàng. Theo mình biết, ở bên Nhật thường chia thành 3 loại cửa hàng đồ si. Một là chuỗi hệ thống bán giá bình dân, mỗi món đồ chỉ từ 20 - 150K một món. Thường sẽ có những đồ của hãng thời trang không được nổi tiếng, thi thoảng sẽ bắt gặp đồ của Gu, Uniqlo.
Thứ hai là cửa hàng đồ si tự mở bán. Có cả quần áo, giày dép, túi xách. Thậm chí là cả gấu bông, găng tay các kiểu. Thứ ba là các cửa hàng cao cấp, chuyên các đồ si của những thương hiệu nổi tiếng. Những cửa hàng này sản phẩm giá sẽ khá cao và đồ thường rất xịn", bạn Hải Ninh chia sẻ.
Những món đồ si của Nhật giá bình dân thường dao động từ 20 - 100.000 đồng. Thi thoảng có những món đồ handmade thì sẽ nhỉnh hơn một chút.
Dù là hàng thùng nhưng người Nhật rất chăm chút và có ý thức với món đồ họ bán. Quần áo sẽ được là ủi cẩn thận. Sau đó gắn tem mác đầy đủ. Nếu có bẩn hay thiếu cúc sẽ được ghi chi tiết trong phần tem mác này. Điều này có sự khác biệt hoàn toàn so với hàng thùng được bày bán tại các chợ ở Việt Nam.
"Ở Nhật, hàng thùng cũng sẽ có giá niêm yết, bày biện rõ ràng loại nào ra loại đó và được kiểm chọn khá kĩ. Những món đồ rách hỏng họ sẽ không treo lên kệ bán nên người mua có thể yên tâm về chất lượng của những món đồ mình sẽ mua. Ngoài ra, người mua cũng sẽ không cần mặc cả mà chỉ cần nhìn giá ghi trên tem mà thôi. Tuy nhiên, những món đồ bên Nhật khi mua sẽ mất thêm một khoản thuế nữa", Hải Ninh cho biết.
Ngoài ra, người Nhật cũng rất hạn chế sử dụng túi nilon nên nếu mua đồ dù là hàng thùng mà cần túi bạn sẽ phải trả khoảng 2 yên (400 đồng) để cho một chiếc túi đựng đồ.
Theo Hải Ninh, ở Nhật đồ cũ không có nghĩa là nó sẽ cũ cả về chất lượng. Khi mới sang Nhật mọi người đều ghé tới những cửa hàng bán đồ si để lựa mua và yên tâm sẽ không bao giờ bị thất vọng. Bản thân Hải Ninh cũng không quan trọng đồ mới hay đồ cũ, miễn nó chất lượng và phù hợp với điều kiện tài chính của bản thân.
Một vài lưu ý khi mua đồ hàng thùng ở Nhật:
- Nên tới những cửa hàng ở xa trung tâm vì chắc chắn mặt bằng sẽ rộng và nhiều sự lựa chọn hơn so với những cửa hàng ở chỗ trung tâm.
- Cửa hàng nào cũng sẽ không được miễn thuế dù bạn có là khách du lịch (vì đây là cửa hàng đồ cũ).
- Giá cả hợp lý nếu bạn vào các cửa hàng bình dân. Nếu các sản phẩm có vấn đề gì cửa hàng sẽ ghi trên tem mác.
- Mẫu mã đa dạng, chất lượng tuyệt vời.
NH