(Tổ Quốc) - "Mình đi làm về đi chợ xong rồi nấu cơm, xay cơm cho con rồi đón con về, đút cho con ăn. Hôm nào vợ anh tăng ca là hai bố con mượn xe đạp đi đón mẹ không cô ấy lại phải đi bộ", anh Hải chia sẻ.
Những bộ quần áo bạc màu, những gương mặt mệt mỏi sau giờ tăng ca, những câu chuyện muôn hình vạn trạng của các cô/ anh công nhân như 1 mảng màu không thể thiếu trong xã hội này. Họ có rất nhiều những tâm tư tình cảm nhưng đâu có nhiều thời gian để lên mạng đăng status chờ người like, bình luận. Họ cũng có những mong muốn thảnh thơi như bao người làm công việc khác nhưng cuộc sống bắt họ chọn lựa 1 hướng khác, tất bật và bộn bề hơn.
Nói đến những cô/ anh công nhân chắc hẳn người ta sẽ nghĩ đến công việc đầu tắt mặt tối trong những nhà xưởng, 4 mùa như 1. Sáng thì dậy sớm, tối lại về muộn, không tăng ca thì không có nhiều tiền lo cho gia đình. Thậm chí với những người độc thân, cơ hội tìm bạn đời tốt có phần nào khó khăn hơn.
Công nhân là những người lao động phổ thông, điều kiện bằng cấp đầu vào không khắt khe như công việc văn phòng? - Chắc hẳn sẽ có nhiều người có suy nghĩ như vậy. Nhưng chỉ khi đi sâu tìm hiểu, họ mới biết có những anh công nhân với trình độ kĩ sư nhưng vẫn khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ, mặt mũi lấm lem, chắt nhặt từng đồng mang về cho gia đình.
Những ngày tháng cơ cực không đủ tiền mua 1 mớ rau
Đó là câu chuyện của anh Phạm Hoàng Hải - 1 kỹ sư Hàn đang làm việc tại Kuwait. Anh bắt đầu đi công trình từ năm 27 tuổi. Anh đã có 1 mối tình đầu đẹp đẽ với chị Vinh - người phụ nữ là vợ anh bây giờ. Anh chị yêu nhau từ năm 2007, năm 2011 thì 2 người chính thức về chung 1 nhà. Ngay từ khi lấy vợ anh đã xác định gắn bó với cái nghề đúng chuyên môn của mình.
Ban đầu, mọi người nhà vợ cũng lăn tăn suy nghĩ vì cái nghề của anh phải đi xa mới có thu nhập chứ làm công nhân gần nhà chỉ đủ đồng rau, đồng mắm.
Anh Hải trải lòng: "2 vợ chồng mình lấy nhau tay trắng, khó khăn nên càng phải bươn trải. Cưới vợ xong mình đi làm 1 thời gian ở Thanh Hóa thì quyết định học lên Đại học. Mình đưa cả vợ con ra ngoài Nam Định để theo học tiếp. Ở nơi đất khách, vừa học vừa làm lại chăm con nhỏ nên vợ chồng mình khổ vô cùng. Thật sự có thời gian trong túi không đủ tiền mà mua mớ rau.
Có những khi không có tiền đóng học, con cái lại hay ốm đau, mình không lo được nên vợ đã phải cho con đi gửi trẻ để đi làm công ty may. May mắn là những người xung quanh thương và giúp đỡ vợ chồng mình rất nhiều. Có 2 bác gần phòng trọ thương vợ chồng mình khổ quá trông con giúp không lấy đồng công nào. Để kể hết thời gian cơ cực ấy thì nhiều lắm".
Đổi lại là sự bình yên của 1 cuộc hôn nhân thuận vợ, thuận chồng. Cả anh chị đều coi những vất vả đó là bình thường.
"Mình đi làm về đi chợ xong rồi nấu cơm, xay cơm cho con rồi đón con về, đút cho con ăn. Hôm nào vợ anh tăng ca là hai bố con mượn xe đạp đi đón mẹ không cô ấy lại phải đi bộ. Thời gian đó chẳng ai than vãn nửa lời, cũng không nói gì nhiều, chỉ biết trong lòng ai cũng thế, phải cố gắng vì gia đình nhỏ đó", anh Hải nhớ lại.
Rồi thời gian khó khăn nhất cũng qua dần khi anh chính thức tốt nghiệp. Anh quyết định ra Quảng Ninh làm và sự nghiệp lênh đênh nay đây mai đó bắt đầu từ ngày ấy. Anh đưa vợ con về quê để tập trung kiếm tiền. Rồi có thời điểm, chị mang bầu bé thứ 2, vất vả chồng chất nhưng anh cũng không được gần vợ.
Người phụ nữ vì chồng mà "gánh cả thế giới"
Sau bao năm đi làm xa và với số tiền vay mượn, năm 2015 anh chị đã xây được căn nhà mơ ước. Món nợ còn đấy, anh vẫn phải tiếp tục cuộc sống công nhân công trình.
Anh trải lòng: "Lúc làm nhà mình vợ một nách hai đứa nhỏ, chẳng ai đỡ đần hay giúp gì cả, kể cả bố mẹ em út người thân. Thân gái một mình lo cho con cái đã mệt rồi còn làm nhà, chạy vật liệu quán xuyến thợ, nước nôi. Bao nhiêu việc đến tay bố mình lại ốm cũng vợ lo hết. Vợ vì mình mà đã hi sinh rất nhiều. Chắc lời cảm ơn cũng chẳng đủ những gì cô ấy làm cho mình".
Người ta hay gọi đùa anh là "công nhân cao cấp" vì anh có trình độ nên thu nhập cũng cao hơn. Nhưng chỉ ai trải qua cuộc sống như anh mới biết trăm nghìn vất vả. Kiếm được đồng tiền nơi xứ người đâu có dễ dàng gì. Làm công trình trong nước còn đỡ chứ ra nước ngoài khác đủ mọi thứ, ăn uống cũng khó ăn hơn.
Có lẽ điều khiến anh Hải day dứt nhất là thời điểm bố anh mất. Lúc sức khỏe yếu ông còn gọi điện dặn con trai: "Con yên tâm, bố có chết cũng đừng về, xa xôi, tốn kém". Trước đấy anh đã có 4 tháng ở nhà chăm sóc bố. Nhưng thực tế vẫn phải đối diện, tiền sinh hoạt, tiền thuốc thang bao thứ phải lo, anh lại là con trai, trụ cột gia đình. Vậy nên việc nhà chỉ có thể nhờ vợ.
Mọi cám dỗ thử thách hôn nhân
Bao năm đi làm xa nhà, Hải đã chứng kiến và trải qua rất nhiều chuyện trong xã hội đầy rẫy phức tạp này. Nhưng anh vẫn khẳng định: "Không có hoàn cảnh nào biến người tốt thành người xấu cả. Môi trường tác động nhưng có 'biến động' theo không lại là bản lĩnh của mỗi người".
Cảnh màn trời, chiếu đất đã quá quen thuộc
Ngày làm 10 tiếng với giờ sinh hoạt rất oái oăm "sáng 3h30 dậy vì chỗ làm xa, chiều không tăng ca thì 7h về đến nhà", thời gian rảnh của anh hầu như là để ngủ và xem phim, thi thoảng cafe giải trí cùng bạn bè. Hải cũng thú nhận: "Bao năm xa nhà mình chưa 1 lần phản bội vợ. Không biết có phải do làm nhiều mệt quá không. Đàn ông tất nhiên không tránh khỏi những lúc bản năng trỗi dậy. Những lúc như thế mình nghĩ đến vợ rồi 'xem phim' để tự thỏa mãn là nhanh quên thôi.
Nhưng mấy ông xung quanh mình không thế đâu nhé. Họ vẫn có nhu cầu bồ bịch, có thể là kiếm 1 người để chuyện trò, nhắn tin, giải quyết nhu cầu cũng thú vị. Đa phần chọn cặp bồ chứ không 'bóc bánh trả tiền'. Thực ra mấy ông đi làm xa cũng có thu nhập ổn, vì vậy không dại gì mà dính với cái đó để rước bệnh vào người. Cặp bồ sẽ có cảm giác yêu đương chân thật hơn.
Ngoài ra đàn ông cũng nhiều hình thức giải khuây lắm: đi nhậu, đi hát 'tay vịn', massage... Còn sa ngã hay không là do bản thân mỗi người, đã không muốn thì ép cũng chả được. Nhưng có 1 điểm chung là những mối quan hệ đó chỉ tạm bợ, chả có ông nào bỏ vợ cả".
Tất nhiên việc đi xa ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, hiểu lầm xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Hải kể 1 kỉ niệm làm anh nhớ mãi: "Hồi mình mới sang Malaysia làm việc, có cô bạn trước thích mình tự nhiên nhắn tin tâm sự. Gia đình cô ấy gặp trục trặc. Cô ấy buồn chán rồi nhắn tin cho mình. Mình cũng động viên ở mức độ đúng mực thôi. Chẳng hiểu sao vợ biết được.
Đầu tiên là hỏi mỉa nhưng mình không nhận, sau đưa tin nhắn cho mình đọc thế là mình xin lỗi luôn. Vợ giận lắm, đòi ly hôn. Đến tận Tết mình về vẫn giận, chồng nịnh thế nào cũng không được. Tối ấy mình bị ngủ giường ngoài không màn, không chăn. Đêm đến muỗi đốt quá vợ mới thương bảo vào phòng mà nằm. Kết quả ôm vợ ngủ thế là được tha thứ.
Nói chung vợ chồng lúc nào cũng phải tạo niềm tin tuyệt đối, chứ 1 lần bất tín là khó mà vun đắp lại được lắm".
Từ anh công nhân lương 3 cọc 3 đồng đến gửi tiền về xây nhà cả tỷ đồng ở quê, "nộp 80% lương mỗi tháng cho vợ" đến tích lũy được bao nhiêu kinh nghiệm chuyên môn Hải khẳng định: "Mình không hối hận khi chọn nghề này. Tất nhiên phải đánh đổi nhiều nhưng nó là lựa chọn tốt nhất dành cho mình. Mình đã từng đi làm kĩ thuật trong công ty gần nhà nhưng không chịu được môi trường. Cứ thích làm anh công nhân hết ngày lĩnh tiền cho đỡ đau đầu tính toán".
Hải cũng đã có dự định cho tương lai "trồng rau nuôi gà, yên bình bên gia đình nhỏ". Cũng vì thế mà anh cố gắng vài năm nữa để vợ anh không phải khổ, tương lai con anh sẽ rộng mở hơn. Anh vẫn sống theo châm ngôn: "Khó khăn hay dễ dàng là do cách nhìn nhận của mình. Cứ coi như nó là gia vị cuộc sống thì sẽ thấy nhẹ nhàng hơn thôi".
Ross