(Tổ Quốc) - Nếu có thể, tôi muốn nói với Thu Hằng - nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 rằng: Em ăn mừng vẫn hiền lắm và những kẻ kịch liệt chỉ trích em, có lẽ chưa bao giờ được sống trong niềm vui chiến thắng đích thực của bản thân.
Chiến thắng hay thắng lợi (victory) vốn là thuật ngữ xưa xửa xừa xưa của loài người, để chỉ thành tích của cá nhân hay tập thể đạt được sau các trận đấu tay đôi hoặc lớn hơn là quy mô chiến tranh. Với con người, chiến thắng mang nặng tính cảm xúc, dễ khiến ta bùng cháy trong sự hân hoan phấn khởi.
Cách đây ít hôm, nhà vô địch trẻ tuổi của một trong những cuộc thi tri thức đình đám nhất Việt Nam, đã bị chỉ trích vì "ăn mừng chiến thắng không đúng mực".
Cùng trò chuyện với 3 người trẻ tiêu biểu để xem quan điểm của họ về "chiến thắng" và "cách ăn mừng". Hầu hết các cuộc chơi đều có thắng thua rõ ràng, liệu có nhất thiết phải ăn mừng ý nhị trong đoan trang hiền dịu?
Tú Nhã hiểu thế nào là chiến thắng?
Với em chiến thắng không chỉ là khoảnh khắc, mà là cả quá trình tôi dưỡng không ngừng. Chiến thắng là thành quả nhờ rèn luyện gian khổ mới đem lại được. Em không tin vào chiến thắng nhờ may mắn, phải chiến thắng bản thân và vùng an toàn của mình đã, sau cùng mới là chiến thắng đối thủ.
Là một nữ sinh sở hữu nhiều thành tích đáng nể so với bạn đồng trang lứa, chiến thắng ấn tượng nhất với bản thân em là gì?
Là chiến thắng trong học tập.
Xuất phát điểm của em là 1 nữ sinh bình thường, vị trí thấp dù có mặt trong đội tuyển chuyên Toán. Em thường chỉ biết ngước nhìn người khác và tự hỏi: Sao bộ óc họ thần kỳ vậy? Sao các bạn nam lại nhanh nhẹn đến thế?
Sau lần thất bại trong kỳ thi HSG tỉnh đầu tiên, em đã cố gắng rất nhiều để theo kịp các bạn, tự đưa bản thân ra khỏi vùng an toàn. 1 năm sau, Lý Tú Nhã của tuyển chuyên Toán Đầm Dơi đã kinh qua nhiều giải đấu trong sự tự tin.
Cuối cùng, em trở thành nhân tố mà đối thủ trong môn toán phải e dè, ngước nhìn.
Mới đây, Thu Hằng - nữ sinh vô địch Olympia lần đầu trong 9 năm qua bị netizen chỉ trích vì "ăn mừng chiến thắng chưa đúng mực". Nhã nghĩ gì về điều này, em đã từng ăn mừng chiến thắng của bản thân ra sao?
Thu Hằng mới 17 tuổi lại là nữ sinh đầu tiên vô địch Đường lên đỉnh Olympia sau 9 năm, em thấy bạn ấy ăn mừng chiến thắng như vậy là bình thường, xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Điều đó diễn ra với nhà vô địch là nam thì cũng vậy thôi.
Dù chưa trải qua lần thi đấu nào được phát sóng trực tiếp như Hằng, em cũng có những khoảnh khắc hân hoan trong chiến thắng, đặc biệt là thi đồng đội (Cheerleading) - Vui hết nấc cùng đồng đội và mặc kệ thế gian hay ai bàn tán vì đó là công sức khổ luyện mới có được.
Nếu là chiến thắng cá nhân, em sẽ khoe ngay với gia đình và những ai đã dìu dắt mình với sự tự hào mãnh liệt. May mắn thay, bạn bè người thân của em đều rất hồ hởi lắng nghe và chia sẻ cảm xúc, không bị chỉ trích vô lý như Thu Hằng.
Chiến thắng có ý nghĩa gì với người chơi hip-hop? Là 1 trong những cá nhân được cọ xát với rất nhiều dancer trên thế giới, Huy thấy cách họ ăn mừng chiến thắng có khác chúng ta không?
Với mình thì mỗi chiến thắng là 1 kỉ niệm bé nhỏ trong cuộc đời nhảy múa thôi.
Nhất giải thì ăn mừng là đương nhiên, lấy tiền thưởng đi đánh chén với anh em, đem bằng khen về treo lên tường. Những gì còn lại không phải là giải đấu gì, mà là khoảnh khắc được thiêu cháy đối thủ một cách không khoan nhượng dù chưa rõ mình có vô địch hay không.
Mình từng tiếp xúc với nhiều dancer tầm cỡ thế giới, họ cũng tận hưởng niềm vui chiến thắng một cách thuần khiết: Gào thét, khoe khoảnh khắc của mình lên MXH... Sau đó họ truyền đạt lại kinh nghiệm, rằng tôi đã đấu với ai, giải đấu nào chứ không nhắc đến việc vô địch nữa.
Thời gian vừa qua, bạn biết chuyện về Thu Hằng, nữ sinh đầu tiên vô địch Đường lên đỉnh Olympia sau 9 năm chứ?
Có chứ, ở đâu cũng nhắc đến việc đó.
Được biết đến như "chú khỉ điên" không biết sợ hãi trên nhiều sàn đấu hip-hop, bạn thấy sao về việc "ăn mừng không đúng mực", "có phần ngạo mạn" mà không ít người gán cho Thu Hằng?
Người đời và dân mạng kỳ quá!
Mình thấy chẳng có vấn đề gì cả, cũng chẳng phải không lễ phép hay tự tin thái quá. Lấy ví dụ gần gũi như các trận đấu thể thao: Cách vận động viên ăn mừng căng hơn nhiều những gì Thu Hằng đã thể hiện trên trường quay.
Với Huy thì Đường lên đỉnh Olympia không khác gì 1 môn thể thao - thể thao kiến thức. Thật mâu thuẫn khi TV chiếu đi chiếu lại cảnh các hảo thủ tuyển bóng đá U23 Việt Nam ghi bàn, ăn mừng chiến thắng trong sự ngạo nghễ tự tin, được tôn là người hùng - thì Hằng lại bị chỉ trích tơi bời? Chuyện gì đang xảy ra với nhận thức của 1 bộ phận netizen Việt Nam vậy?
Chiến thắng mà bạn nhớ nhất?
Trong 11 năm rèn luyện và thi đấu, chiến thắng ấn tượng nhất với mình là lần đầu tiên lọt vào chung kết giải trẻ các CLB Hà Nội năm 2011.
Chức vô địch đánh đổi bằng mồ hôi, máu và nước mắt khiến cảm xúc vỡ òa, mình đã cõng các đồng đội to như voi lên lưng để ăn mừng.
Chuyện thắng thua quan trọng như thế nào với những bộ môn cạnh tranh khốc liệt? Có hảo thủ bóng rổ thế giới nào bị ăn mắng vì "ăn mừng không đúng mực" chưa?
Nó giúp ta nhận thức được vị trí của bản thân.
Chiến thắng hay thất bại đều dạy chúng ta nhiều điều. Đương nhiên, đã thi đấu thì ai cũng khát khao chiến thắng.
Mình may mắn được cọ xát với nhiều nền bóng rổ cả trong và ngoài nước. Hồi còn ở Mỹ, mình cảm thấy con người ở đó văn minh và thẳng thắn trong mọi việc, kể cả ăn mừng. Bên cạnh việc thể hiện cảm xúc, cách ăn mừng chiến thắng của họ luôn mang đậm "CÁI TÔI" trong đó. Dù là người điềm đạm hay bình tĩnh nhất, khó có ai trầm lắng trong chiến thắng.
Để mình lấy ví dụ:
Dwyane Wade, huyền thoại của Miami Heat - kết thúc 1 trận đấu bằng cú ném 3 điểm rồi nhảy cả lên bàn trọng tài để khẳng định đây là sân nhà của tôi, tôi là nhất hiểu không?
Michael Jordan, huyền thoại của các huyền thoại bóng rổ, đã thẳng thắn giơ 6 ngón tay về phía khán đài của đối phương để khẳng định chức vô địch lần thứ 6 của mình.
Rất nhiều quái nhân thể thao khác như cầu thủ bóng đá CR7, Zlatan Ibrahimovic... đều biến thành mãnh thú, gào thét điên cuồng sau khi lập công.
Và chẳng có cái miệng chua ngoa hay những ngón tay lách cách trên bàn phím nào đủ tuổi phán xét khoảnh khắc chiến thắng phải đánh đổi bằng mồ hôi xương máu.
Được biết Việt Anh đã làm cha, bạn sẽ dạy con mình nhìn nhận thế nào về "chiến thắng" trong tương lai?
Câu hỏi hay đấy.
Mình sẽ dạy bé con rằng: Phải sống sao cho không hổ thẹn với lương tâm, sống đúng với những gì mình chọn và "You need to be happy to live, I don't", nghĩa là người ta có thể cần vui vẻ để sống cuộc đời mình, còn tôi thì không. Hãy sống sao cho trọn vẹn theo ý mình dù đời có đắng cay như thế nào.
Dù chiến thắng hay thất bại, tuổi trẻ cần sự tự tin và ngạo nghễ nhất định, buồn có thể khóc, vui thì cười. Cuộc đời luôn có những điều ý nghĩa để ta học hỏi!
Trên đây là các "option" thể hiện sự đắc thắng oách liệt hơn, Thu Hằng có thể xem xét để áp dụng vào các chiến thắng sau này. Chúc em sẽ luôn thành công và có nhiều dịp hơn để cho thấy năng lực nữ giới không bao giờ kém cạnh đàn ông.
JJJ | Design: Bi