(Tổ Quốc) - Dù được hứa hẹn trả lương đầy đủ, nhưng 8 tháng qua, 160 y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh vẫn mòn mỏi chờ đợi.
Khoảng 17h chiều 12/1, ngày thứ 2 liên tiếp, gần 50 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam) xuống đường cầu cứu vì bị "khất" lương 8 tháng.
Người cầm giấy, người cầm băng rôn ra trước cổng bệnh viện "cầu cứu" người đi đường lên tiếng bảo vệ các y bác sĩ. Họ đề nghị Học viện thực hiện đúng hợp đồng làm việc đã ký kết với người lao động, trả lương đúng hẹn.
8 tháng qua, nhân viên y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ 50% số lương cơ bản. Tháng 12/2021, 50% số lương được xem là cố định sẽ trả hàng tháng vẫn chưa được nhận. Với số tiền lương ít ỏi họ nhận hàng tháng, không thể đủ cho cuộc sống mưu sinh.
Mặc dù lãnh đạo Học viện đã làm việc với Bộ Y tế và các ban ngành để giải quyết quyền lợi cho hơn 160 y bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phía bệnh viện chưa nhận được một động thái nào từ các lãnh đạo. Thậm chí, tiền lương tháng 12 vẫn còn nợ 100%.
Kết thúc giờ làm việc, gần 50 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường cầu cứu vì bị nợ lương 8 tháng
Họ mang theo băng rôn kêu gọi trả lương đúng hẹn
Số khác cầm giấy với lời kêu gọi "hãy cứu lấy blouse trắng", "trả lương cho chúng tôi", "đề nghị trả lương cho chúng tôi"
Chị Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ Công đoàn, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, cơ sở y tế này vốn là bệnh viện thực hành, tức là nơi các bác sĩ trẻ thực hành tay nghề, không phải nơi khám chữa bệnh và kinh doanh.
Cuối năm 2019, bệnh viện xây dựng cơ chế tự chủ, theo chị Bình là "không đúng với mục đích ban đầu" dẫn đến quyền lợi bị giảm, chỉ còn lương cơ bản.
Chị Bình cho hay, Tuệ Tĩnh là một trong ba đơn vị trực thuộc Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam, trong khi các đơn vị khác vẫn được hưởng các phúc lợi hoặc bảo đảm do bệnh viện chi trả, thì riêng Tuệ Tĩnh không được. Nhưng khi người lao động có ý kiến với ban lãnh đạo, họ được trả lời rằng "bệnh viện đã tự chủ, vì vậy phải tự lo đến trách nhiệm của đơn vị".
"Từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021, chúng tôi bị nợ 50% lương, đến tháng 12 chưa có đồng lương nào. Và tháng 11 thì tại các buổi giao ban, ban giám đốc cho biết không có nguồn để chi trả cho bệnh viện Tuệ Tĩnh", chị Bình bức xúc.
Theo chị, đa số cán bộ của bệnh viện là điều dưỡng viên nên hệ số lương rất thấp, tính cả phụ cấp ngành hay phụ cấp độc hại, cũng chỉ được 6 - 7 triệu đồng mỗi tháng. Từ tháng 5/2021, họ chỉ được nhận một nửa, tức 3 triệu mỗi tháng.
"Sau lần xuống đường thứ nhất" vào hôm qua, ban lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã tổ chức cuộc họp cùng các cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, phía lãnh đạo bệnh viện chỉ động viên anh em cùng vượt qua khó khăn mà không hề đưa ra hướng giải quyết thích đáng cho khoản lương còn nợ suốt nhiều tháng qua.
Do đó, chúng tôi bắt buộc phải "xuống đường" lần thứ 2. Chúng tôi là trong nghề y, đều là người có ăn học. Thực sự phải ra đường để khiếu nại như thế này tự cảm thấy rất nhục nhã, nhưng chúng tôi đã đến đường cùng và không còn lựa chọn nào khác", chị Bình bức xúc.
Đến khoảng 17h30, lực lượng chức năng đã giải tán đám đông trước Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Hơn 160 y bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương và ảnh hưởng quyền lợi
Chị Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ Công đoàn, Bệnh viện Tuệ Tĩnh
Một nữ nhân viên y tế khác xúc động khi nhắc về những khó khăn trong thời gian qua
Bộ Y tế cũng đã chính thức lên tiếng yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương. Đồng thời đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.
Minh Nhân