(Tổ Quốc) - Theo thống kê tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam, mức rửa tay với xà phòng và nước sạch trong cộng đồng ở nông thôn vẫn còn rất khiêm tốn, với tỉ lệ chỉ 1.2/10 người.
Trong bối cảnh các quy định về giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng, thói quen rửa tay đúng cách với xà phòng càng cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Đây là biện pháp quan trọng giúp cộng đồng phòng chống sự lây lan của Covid-19 và sớm đạt được trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam, dù gắn liền với những nơi vi khuẩn tụ tập như đồng ruộng, ao vườn, mức rửa tay an toàn trong cộng đồng vẫn còn rất khiêm tốn. Theo thống kê của Kantar (tập đoàn nghiên cứu, tư vấn thị trường có trụ sở tại Anh) năm 2021, chỉ có 1.2/10 người ở nông thôn đảm bảo rửa tay với xà phòng và nước sạch.
Với điều kiện sinh hoạt lẫn giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều trẻ em tại nông thôn cũng chưa được trang bị đủ các kiến thức phổ thông, bao gồm cách giữ vệ sinh cơ thể, bảo vệ sức khoẻ.
Không ít trẻ em nông thôn cảm thấy xa lạ khi nhắc đến việc rửa tay thường xuyên với xà phòng, dẫn đến tình trạng gia tăng tỉ lệ tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm ký sinh trùng… ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của trẻ.
Với quyết tâm tiến gần hơn đến mục tiêu tăng tỷ lệ người dân rửa tay với xà phòng lên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030, dự án "Vì 10.000 trẻ em nông thôn Việt Nam" được triển khai với mong muốn để trẻ em cả nước, đặc biệt là trẻ em nông thôn có cơ hội tiếp cận vệ sinh tay và hình thành thói quen rửa tay với xà phòng từ khi còn nhỏ.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) chia sẻ, rửa tay là một trong những phương pháp hiệu quả và đơn giản để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi sự lây nhiễm Covid-19.
Với hành động nhỏ này có thể tạo ra tác động to lớn đến việc thích ứng với đại dịch, quan trọng hơn là ưu tiên việc học sinh được quay lại trường học an toàn. Trẻ em nếu không được thường xuyên rửa tay với xà phòng và sát trùng tay trong đợt dịch trước và sau giãn cách xã hội, nhiều nguy cơ sẽ dẫn đến đợt bùng phát dịch bệnh khác.
Dự án "10.000 trẻ em nông thôn Việt Nam" chú trọng đẩy mạnh việc giáo dục và khuyến khích thói quen rửa tay của trẻ thông qua các buổi tập huấn trực tuyến và trực tiếp về tầm quan trọng của thói quen rửa tay cũng như các bước rửa tay đúng.
Để các em thực hành vệ sinh mỗi ngày được thuận tiện sau các bài học, ban tổ chức dự án sẽ trao quà tặng là nước rửa tay đến các trường tham gia trong dự án.
Bên cạnh đó, những tài liệu tập huấn với cố vấn của nhiều chuyên gia giáo dục tiểu học sẽ được cung cấp để đảm bảo chất lượng kiến thức truyền đạt. Nội dung tập huấn được triển khai bởi đội ngũ giảng dạy của Teach For Viet Nam và các giáo viên tham gia tập huấn.
Thiên Kim