(Tổ Quốc) - "Trước mỗi bữa ăn, chồng mình đều hỏi 'Hôm nay em thích ăn gì?' để chuẩn bị. Có những hôm anh còn mày mò lên mạng tìm hiểu để đổi món cơm cữ cho vợ đỡ ngán lại đa dạng, nhiều chất dinh dưỡng, lợi sữa cho con".
Sau khi sinh, dù ít dù nhiều, các bà mẹ đều phải gánh chịu những đau đớn từ quá trình vượt cạn. Thêm vào đó là việc làm quen với lịch sinh hoạt của em bé mới chào đời nên sẽ không tránh khỏi mệt mỏi, thiếu ngủ. Hiểu được điều đó, hầu hết các gia đình đều cố gắng chuẩn bị cơm cữ thật đầy đủ, phong phú cho các mẹ mới sinh để hồi phục sức khỏe cũng như có nguồn sữa dồi dào, nhiều dưỡng chất cho con bú. Song bên cạnh đó, cũng không ít mẹ khổ sở vì cơm cữ không như ý mình.
Thông thường, cơm cữ sau sinh đa số do các bà chuẩn bị cho con đẻ hoặc con dâu. Song cũng có những ông chồng đảm đang không chỉ khéo léo chăm con để vợ được nghỉ ngơi mà còn "cân" luôn cả việc chuẩn bị từng bữa ăn cho vợ mới sinh. Tự nhận mình là một bà mẹ may mắn khi có chồng "trên cả tuyệt vời", chị Nguyễn Trân (23 tuổi, hiện đang sống tại bang Georgia, Mỹ) đã hạnh phúc khoe những bữa cơm cữ đích thân chồng chuẩn bị khiến các mẹ bỉm sữa vừa ngạc nhiên, vừa ghen tị.
Chị Trân vừa sinh bé thứ hai được gần 2 tháng và trong thời gian từ lúc sinh đến nay, mỗi bữa cơm cữ của chị đều được chồng chuẩn bị tươm tất với đầy đủ các món bổ dưỡng. Bà mẹ trẻ xinh đẹp hạnh phúc chia sẻ: "Vợ chồng mình đang sống ở Mỹ nhưng những bữa ăn chính của gia đình vẫn là những món truyền thống Việt Nam. Vì vậy, thực đơn cơm cữ của mình cũng không ngoại lệ".
Lần đầu sinh bé tại Việt Nam nên chị Trân đã có ít nhiều kinh nghiệm kiêng cữ từ trước. Lần này, sinh con tại Mỹ, chị tiếp tục áp dụng cách ăn uống sau sinh như ở Việt Nam, chỉ có điều tất cả đều do chồng chuẩn bị: "Trước mỗi bữa ăn, chồng mình đều hỏi 'Hôm nay em thích ăn gì?' để chuẩn bị. Có những hôm anh còn mày mò lên mạng tìm hiểu để đổi món cơm cữ cho vợ đỡ ngán lại đa dạng, nhiều chất dinh dưỡng, lợi sữa cho con. Ngoài ra, mình cũng thường chia sẻ với anh các món ăn bổ dưỡng dành cho mẹ mới sinh để anh nấu".
Mẹ bầu xinh đẹp những ngày chuẩn bị lâm bồn.
Bà mẹ 2 con cho biết chị sinh thường nên việc việc ăn uống sau sinh không quá khắt khe và hạn chế. Dù đang sinh sống ở trời Tây nhưng chồng chị vẫn chuẩn bị các món ăn truyền thống như thịt kho, cá, trứng (đa phần món nào cũng được cho nhiều tiêu) và các loại rau củ lợi sữa như đu đủ, rau lang, bí đỏ... dùng để làm soup: "Mình chỉ kiêng ăn đồ chua, thịt bò, rau muống, mướp đắng, đồ sống.... để tránh ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho bé cũng như sức khoẻ của mẹ".
Ngoài ra, mẹ Việt ở Mỹ cũng lưu ý thêm cách ăn uống trong thời gian ở cữ để có nguồn sữa dồi dào cho con: "Thời gian ở cữ, buổi sáng mình chỉ ăn nhẹ nên ăn trứng chiên và bánh kẹp mật ong kèm tách cafe nóng, còn lại trưa và chiều ăn cơm chính. Ngoài ra, mình còn uống thêm sữa tươi không đường mỗi tối, ăn dặm nhẹ bánh ngọt và bổ sung thêm vitamin sau sinh. Trộm vía sữa mình về nhiều, từ lúc chào đời đến giờ bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ".
Thịt kho, rau lang, đậu Hà Lan luộc và canh sườn đu đủ/Cơm chiên thập cẩm, thịt nạc kho tiêu, canh sườn bí.
Đậu kho ba chỉ cay, canh sườn đu đủ/Cơm tấm sườn ốp la, canh bí đỏ.
Xúc xích áp chảo, rau lang luộc, canh bí đỏ/Gà xào su su, xúc xích, canh bí đao.
Gà xào susu, cá cơm kho tiêu/Cá xốc mắm, dưa leo, canh khoai thịt bằm.
Gà kho sả ớt, canh sườn đu đủ/ Cá hố chiên, canh giò thập cẩm.
Trứng chiên, canh sườn bí/ Ba chỉ thưng, trứng luộc, canh sườn bí.
Mực ram tiêu, canh sườn bí/Gà rán, nui chiên.
Bún cà ri gà, bánh mì heo quay.
Cơm sườn nướng, canh khoai/Thịt nạc kho tiêu, dưa leo, canh sườn khoai môn.
Thịt nạc rim tiêu, canh giò thập cẩm/Cá hố chiên, cà tím nướng mỡ hành.
Bữa sáng với bánh và trứng/Cơm sườn rim, canh bí.
Bình Nguyên