(Tổ Quốc) - Theo luật sư, nếu Đường “Nhuệ” có hành vi "đếm người chết để thu tiền" thì khả năng cao sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, hình phạt có thể lên đến 20 năm tù.
Nhiều chủ cơ sở dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình tố cáo trong nhiều năm đã phải nộp tiền bảo kê 500 nghìn đồng mỗi ca hoả táng cho công ty của gia đình Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ", 49 tuổi).
Theo đó, đầu năm 2018, Đường "Nhuệ" làm việc với hơn 20 cơ sở làm dịch vụ hỏa táng trên địa bàn để đề nghị không làm việc trực tiếp với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình ở tỉnh Nam Định. Công ty Đường Dương của vợ chồng Đường "Nhuệ" nhận làm đầu mối độc quyền trung chuyển ca hỏa táng từ Thái Bình qua Nam Định.
Các doanh nghiệp phải nộp cho Đường "Nhuệ" 500 nghìn đồng/ca đưa đi hoả táng. Đường "Nhuệ" yêu cầu doanh nghiệp ký văn bản viết tay với nội dung số tiền này là nhờ hắn làm từ thiện. Có trường hợp tự ý đưa người sang Đài hóa thân Thanh Bình mà không "báo ca" liền bị chặn đường đe đoạ, đập xe. Ai lén đưa một vài ca đi mà không báo cũng đều bị phát hiện và bắt nộp tiền.
Liên quan đến sự việc nêu trên, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, với những tố cáo nêu trên của nhiều chủ cơ sở dịch vụ hỏa táng thì cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra, nếu sự thật có hành vi "đếm người chết để thu tiền" thì khả năng cao Đường "Nhuệ" sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, về tội danh này Bộ luật Hình sự quy định như sau:
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tái phạm nguy hiểm.
3. Nếu phạm tội thuộc trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đồng thời, Luật sư Phạm Thanh Hữu nhấn mạnh, Tòa án sẽ căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan công an, quá trình tranh tụng tại phiên Tòa để đưa ra hình phạt cụ thể. Tuy nhiên, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này (đúng như những gì mà nhiều chủ cơ sở dịch vụ hỏa táng tố cáo) thì khả năng cao Đường "Nhuệ" bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm vì phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thậm chí có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản có trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
LS Phạm Thanh Hữu