(Tổ Quốc) - Chính sự tỉ mỉ và cầu kì đến từng chi tiết nhỏ trong từng khung hình như thế này đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của MV mới nhất đến từ Hòa Minzy - "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp".
Có lẽ đến lúc này, không ai có thể phủ nhận sự thành công bùng nổ của Hòa Minzy với sản phẩm âm nhạc comeback sau 2 năm - "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp". Không chỉ vững vàng giữ vững vị trí top 1 trending YouTube Việt Nam, mang về hơn 15 triệu lượt xem chỉ sau gần 1 tuần lễ ra mắt, MV cũng nhận được cơn mưa lời khen về kịch bản lấy cảm hứng từ chuyện tình giữa Nam Phương Hoàng hậu và Hoàng đế Bảo Đại, về những cảnh quay tuyệt đẹp, phô bày được giá trị về văn hóa - nghệ thuật - kiến trúc - trang phục cung đình của một thời đại.
Hoàn toàn có thể khẳng định, đây là bước ngoặt quan trọng của sự nghiệp Hòa Minzy, là sản phẩm bùng nổ và thành công nhất của cô cho đến lúc này. Để có thể tạo nên một "siêu phẩm" kéo dài 8 phút là công sức của một ekip hàng trăm cá nhân. Bên cạnh đạo diễn Kawaii Tuấn Anh thì người đứng sau những khung hình đẹp lung linh đến từng chi tiết là Lan Zi, người đảm nhiệm khâu Art - Production Design (Nghệ thuật và Thiết kế sản xuất). Trước đó, cô cũng là người phụ trách khâu tương tự cho MV "Để Mị Nói Cho Mà Nghe" của Hoàng Thuỳ Linh.
MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp" - Hòa Minzy.
Mới đây, Lan Zi cũng đã có bài chia sẻ chi tiết về quá trình sáng tạo và thiết kế của cô trong MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp", chắc chắn khiến khán giả "mắt chữ O, mồm chữ A" vì ngạc nhiên xen lẫn thán phục! Bài đăng chia sẻ về quá trình thực hiện MV của Hoà Minzy đã nhận được rất nhiều sự chú ý trên MXH. Ai cũng phải "nể" trước sự tỉ mỉ của cô nàng, đầu tư rất nhiều công sức, chất xám và tâm huyết để sản phẩm ra mắt mang tính nghệ thuật cao.
Một chiếc thuyền xuất hiện chưa đến một phút nhưng cũng lắm nhiêu khê
Với cảnh quay đầu tiên: cảnh Nam Phương Hoàng hậu cô độc và đầy tâm trạng trên một chiếc thuyền gỗ. Được biết, cảnh này được thực hiện tại khu vực Hồ Truồi, nằm ở khá xa trung tâm Thành phố Huế, nằm gần khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã. Chiếc thuyền dù lên hình không nhiều nhưng thể hiện sự kì công hết mực của ekip.
Với phần mái che của chiếc thuyền, khán giả khi nhìn kĩ có thể thấy được trang trí bằng những ô đan lát thực hiện rất kì công. Được biết, lối đan trang trí này được gọi là kĩ thuật đan Chân Chỉ Hạt Bột, một kĩ thuật trang trí được các nghệ nhân cung đình sử dụng trang trí trên kiệu của Đức Từ cung, mẹ ruột của Hoàng đế Bảo Đại, tạo nên cảm giác xa hoa, quyền quý.
Chiếc mái được trang trí sử dụng trong MV.
Và ảnh hiện vật thật: chiếc kiệu của Đức Từ cung Hoàng Thái hậu, hiện vật đang được trưng bày trong Đại Nội Huế.
Đám rước hoành tráng: tỉ mỉ cho đến từng chi tiết... không xuất hiện trên khung hình
Với đám rước đại hôn giữa Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương kế tiếp, ekip đã thực hiện cảnh quay trong Trường Lang của Đại Nội Huế. Các nhân vật sử dụng cổ phục được cung cấp bởi một đơn vị chuyên phục dựng trang phục cổ, kết hợp với các trang phục được Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế cho mượn.
"2 chiếc đèn Erik và Đức Phúc cầm, phần đuôi tua rua đã bị hư hỏng hoàn toàn. Mình phải nói thiết kế chạy đi mua liền 2 chiếc lồng đèn mới chỉ để gỡ phần đuôi mới gắn vào đây. Thành quả nhìn cũng tạm."
Thanh kiếm mà nhân vật thị vệ cầm được mượn từ một nhà sưu tập cổ vật.
Các bạn có thể thấy có một đôi ngỗng màu trắng được quân lính bế trên tay, một lễ vật trong đám cưới Hoàng gia. Theo như chia sẻ thì đây lại là một cặp... vịt xiêm giả ngỗng, được du khách và ekip rất yêu thích vì sự đáng yêu.
Viên quan dẫn đầu chính là... quản lý của Hòa Minzy, anh mặc trang phục đại triều của quan đại thần nhà Nguyễn: mãng bào, đội mũ phốc đầu. Các bức tranh treo dọc Trường Lang trong ngày thường là ảnh tư liệu lịch sử triều Nguyễn, khi lên cảnh quay, ekip đã dùng giấy đỏ có chữ Song Hỉ để dán lên trên.
Từ điện Kiến Trung đến cung An Định: cầu kì đến cả những phân cảnh không xuất hiện trên khung hình!
Phần lớn các cảnh quay còn lại của MV được thực hiện trực tiếp tại cung An Định, đây là một tòa cung điện xây theo kiểu Châu Âu nằm bên bờ sông An Cựu, là nơi ở thực sự của gia đình Hoàng gia sau CMT8/1945. Hiện tại, cung An Định còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, ekip đã xin phép được sử dụng di tích lịch sử này, trang trí và bày biện thêm một số các chi tiết để khung hình thêm nghệ thuật.
Cảnh hồi tưởng này chính là một phần của điện Kiến Trung - công trình mà Nam Phương Hoàng hậu và Hoàng đế Bảo Đại ở khi vẫn còn ở trong Kinh thành Huế.
Trở lại với cung An Định, phía sau Hoàng đế là phòng làm việc với bàn, máy đánh chữ... những cảnh không thể thấy rõ trong MV, thậm chí chúng ta sẽ không để ý. Tương tự với Hoàng hậu là bàn trang điểm.
Các món ăn của Hoàng đế và Hoàng hậu làm kiểu Tây, thể hiện đúng phong cách của cả hai lúc bấy giờ.
Cặp hươu màu nâu nằm trên thành cầu thang được ekip đặt vào sau, được mượn từ một nhà sưu tầm cổ vật nhằm mục đích tạo điểm nhấn cho cảnh tượng Nam Phương nhận được tin dữ.
Trên bàn ăn vừa có dụng cụ dao nĩa của bàn ăn Tây phương, vừa có đũa của Đông phương, thể hiện một sự "xung đột" giữa Á - Âu vì lúc đó, Đức Từ cung vẫn đang sống chung với gia đình.
Chiếc nôi mà Nam Phương dùng để ru ngủ Hoàng tử Bảo Thăng lại khiến khán giả sửng sốt: bao gối thêu rồng bốn móng dành cho các Hoàng tử, Hoàng thân,... đây lại là đồ cổ chính hiệu được ekip mượn của nhà sưu tầm cổ vật. Khi lên MV, chiếc gối thậm chí chỉ xuất hiện thoáng qua một hai giây, thậm chí chỉ hiện có một góc nhỏ mà thôi!
Chiếc bàn trang điểm của Nam Phương có sự xuất hiện của phấn nụ - loại mỹ phẩm đặc trưng của nữ giới quý tộc ở Huế. Các chai nước hoa đều là đồ hoàn toàn mới, nhưng ekip đã lựa chọn những lọ nước hoa có kiểu dáng cổ điển để đưa lên bàn trang điểm. Chiếc hộp gỗ cẩn xà cừ đặc trưng của nghệ thuật Huế.
Mang cả Hong Kong và Hà Nội về đến Huế!
Cảnh cuối được diễn ra với bối cảnh tại Hong Kong, khi Lý Lệ Hà cùng chung sống với Cựu hoàng Bảo Đại và nhận được lá thư từ Nam Phương Hoàng hậu ở cách xa. Đây lại là một khách sạn sang trọng ở Huế, nhìn ra phía sông Hương, nhưng với cách sử dụng đèn hai sắc xanh lá - đỏ, ekip đã mang khán giả đến Hong Kong chỉ trong chớp mắt!
Bên cạnh đó, ngôi nhà số 51 Gambetta (nay là đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội), nơi Bảo Đại chung sống với Thứ phi Bùi Mộng Điệp cũng được tái hiện ngay tại khu Khách sạn này.
Càng theo dõi từng chi tiết nhỏ được chính người trong cuộc "bóc tách", khán giả như "nổi da gà" trước sự tỉ mẩn và cầu kì của toàn bộ ekip, góp phần không nhỏ vào sự thành công của MV mới nhất đến từ Hòa Minzy - "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp". Thành công của ngày hôm nay rõ ràng là một điều mà Hòa Minzy và toàn thể ekip xứng đáng có được!
Koi Koi