(Tổ Quốc) - Những ngày này, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc tiếp tục xuất hiện nắng nóng gay gắt, nhiệt độ có nơi hơn 40 độ C, khiến nhiều người bị say nắng, sốc nhiệt, viêm phổi, đột quỵ…
Bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, những ngày nắng nóng gần đây, người cao tuổi nhập viện điều trị nội trú do bị viêm phổi, rối loạn điện giải tăng gấp 150% so với những ngày bình thường. Trung bình mỗi ngày có 30-40 người phải nhập viện vì những bệnh lý do nắng nóng, trong đó có không ít trường hợp rơi vào tình trạng nguy kịch.
Nguyên nhân là do ở người cao tuổi, khả năng chống chịu với sự thay đổi của thời tiết kém, nhất là khi nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, có một lý do khác là người bệnh sử dụng điều hòa không đúng cách, để nhiệt độ trong phòng với bên ngoài chênh lệch lớn dẫn đến tình trạng viêm phổi.
Tương tự, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị tiếp nhận trung bình 1.200 bệnh nhân/ngày. Số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi họng, thanh quản, viêm xoang... tăng cao trong những ngày Hà Nội nắng nóng.
Còn ở khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, số lượng bệnh nhi tới khám tăng hơn 30% so với tháng trước. Theo các bác sĩ, hè năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh đến trường cho đến giữa tháng 7. Nhiều trẻ có lịch học vào buổi chiều, phải đi học vào đúng giờ nắng gắt nhất trong ngày. Do các em đi ngoài đường vào lúc nhiệt độ lên đến đỉnh điểm, khi tới lớp là vào phòng điều hòa nên nhiều em bị sốt, viêm họng, viêm phổi...
Đề phòng các bệnh đường hô hấp vào mùa hè
Để tránh các bệnh đường hô hấp vào mùa hè do sử dụng điều hòa, mọi người nên thường xuyên súc miệng, sát trùng họng bằng nước muối vào buổi sáng, trưa và tối trước khi đi ngủ.
Ngoài người cao tuổi, trẻ nhỏ cũng dễ bị sốc nhiệt. Thời tiết nắng nóng dễ khiến trẻ bị viêm màng não, viêm não với các triệu chứng sốt cao, co giật, rối loạn nhịp thở và nhịp tim, có thể bị rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê. Khi trẻ bị sốt, bố mẹ phải chú ý theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời, tránh biến chứng lên não. Không nên cho trẻ ra ngoài trời vào những ngày nắng nóng, nhất là thời điểm nắng dữ dội nhất (từ 10h đến 16h). Cũng không nên cho trẻ ra vào phòng điều hòa liên tục, vì sự chênh lệch nhiệt độ lớn cũng khiến cơ thể của trẻ không thích ứng kịp, dễ bị bệnh về hô hấp.
Đối với người cao tuổi cần thường xuyên kiểm soát bệnh, uống thuốc đều đặn theo đơn, duy trì lịch khám thường xuyên, bảo đảm chế độ ăn uống hợp lý các chất rau, củ, quả, các vitamin, vi lượng, uống đủ nước, hạn chế ra ngoài tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Đặc biệt, cần tránh để bệnh nhân bị lạnh vì sử dụng điều hòa, ngoài ra cần uống nhiều nước, trung bình 2 lít/ngày.
Trong trường hợp phải ra ngoài, người cao tuổi cần có đồ bảo hộ để tránh ánh nắng trực tiếp; che kín tay, đội mũ nón, đi vào chỗ râm mát, giảm tối đa thời gian tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Để duy trì thói quen tập thể dục, người cao tuổi nên tập vào sáng sớm. Vào những ngày nắng nóng, từ 6h sáng đã có bức xạ mặt trời thì nên tập tại nhà, không ra ngoài.
MT