(Tổ Quốc) - Chúng ta có thể thử thực hiện năm điều sau đây để có thể cải thiện phần nào khả năng xã giao kém của mình.
Phương Thảo là nhân viên mới vào làm việc ở một công ty truyền thông lớn, có tiếng ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Nghiêm túc, nhiệt huyết và giàu lòng đam mê, Phương Thảo thường xuyên có những ý tưởng độc, lạ khiến không ít đồng nghiệp gật gù tán thưởng.
Tuy nhiên, đi cùng với năng lực của cô gái trẻ là cái “tật” cũng nhỏ không kém. Phương Thảo không khôn khéo trong việc giao tiếp. Cô sẵn sàng gân cổ lên để tranh luận đúng sai, thiệt hơn, hay dở với sếp của mình, dù lúc đó chỉ có riêng 2 người hay trong một cuộc họp đủ mặt “con dân” đi chăng nữa.
Đây là một trong những điểm yếu cố hữu của Phương Thảo nói riêng và người trẻ đi làm nói chung. Mặc dù đã được một vài chị em không ít lần nhắc nhở, Thảo vẫn “chứng nào tật nấy” và cho rằng đó là phong cách làm việc mới, tân tiến, tranh luận cởi mở không khoảng cách sẽ mang lại hiệu quả cao cho công việc.
Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu xấu đi khi sau 2 tháng thử việc, trong đợt đánh giá, cô gái trẻ bị sếp thẳng thắn phê bình. Tưởng như sẽ tiếp thu và lắng nghe bằng tình thần học hỏi; trái lại Phương Thảo tiếp tục thể hiện cá tính bằng cách tranh luận với sếp về vấn đề này để cho ra ngô, ra khoai.
Kết quả, khoai ngô vẫn chưa ra mà Phương Thảo đã bị rớt thử việc vì thái độ và kỹ năng giao tiếp vẫn thuộc hàng yếu kém. Qua đó mới thấy, chưa kể đến yếu tố năng lực, kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp đóng vai trò quan trọng như thế nào đến “vận mệnh” của dân công sở?
Trong giao tiếp, bên cạnh sự khôn khéo, chúng ta cần một tâm thái nhẹ nhàng cùng như sự vừa đủ. Dưới đây là 5 tuyệt chiêu giúp dân công sở nắm thế thượng phong trong mọi cuộc giao tiếp:
1. Thể hiện bản lĩnh - cho mọi người thấy ánh hào quang
Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể thu hút được sự chú ý của người khác. Bởi khả năng của chúng ta rất có thể giúp một ai đó giải quyết vấn đề họ đang đối mặt. Đây là mục đích cơ bản nhất của việc giao tiếp, nghĩa là cả hai có thể giải quyết được vấn đề của đối phương. Nếu không, giao tiếp xã hội sẽ không xảy ra, đừng nói chi đến những vấn đề tiếp theo.
2. Biểu hiện tích cực hơn - cho đối phương thấy được sự nhiệt tình
Đừng bao giờ thể hiện bản thân mình là người không chủ động hay là người thờ ơ, không để ý gì đến những chuyện xung quanh. Nên biết rằng chúng ta đối với người khác như nào thì sẽ nhận lại như thế ấy.
Vì vậy, nếu cảm thấy mối quan hệ xã hội của mình kém, rất có khả năng vấn đề nằm ở chính chúng ta. Tốt hơn hết,hãy thể hiện sự nhiệt tình của mình ra rồi truyền sự nhiệt tình đó cho đối phương để mối quan hệ của cả hai được cải thiện hơn.
3. Đừng yêu cầu quá cao - để người khác không chùn bước, nản lòng
Khi vừa mới bắt đầu, nếu chúng ta đã đặt ra yêu cầu rất cao cho người khác sẽ dễ khiến đối phương cảm thấy dè chừng. Có thể bản thân chúng ta rất tài giỏi, nhưng liệu bạn có dám đảm bảo rằng những người tài giỏi như bạn có rất nhiều?
Vì vậy, hạ thấp yêu cầu của mình, tương tác với nhiều kiểu người hơn mới chính là ý nghĩa của giao tiếp. Cứ mãi tìm kiếm một người phù hợp với yêu cầu của mình sẽ khiến bạn như bơi giữa đại dương, mãi không bao giờ tìm được bờ vậy.
4. Biết nghĩ cho người khác - 100% gây được ấn tượng với đối phương
Thử nghĩ xem, mục đích cuối cùng của việc giao tiếp giữa người với người là gì? Không phải là khi chúng ta gặp vấn đề gì đó, đối phương có thể giúp đỡ chúng ta giải quyết vấn đề ư? Vì vậy, nếu biết cách giúp đỡ mọi người giải quyết vấn đề khi họ gặp khó khăn, chúng ta nhất định có thể 100% gây ấn tượng với họ, từ đó, mối quan hệ của cả hai cũng ngày một được củng cố hơn.
5. Biết tự an ủi bản thân - đừng để mình rơi xuống vũng bùn
Để mình rơi xuống vũng bùn là điều nguy hiểm nhất trong quá trình giao tiếp. Vì vậy, chúng ta phải học cách tự an ủi và cổ vũ bản thân. Hãy luôn nghĩ rằng thực tế không tệ như chúng ta tưởng để bình tĩnh, phân tích và tự an ủi mình.
Louis