(Tổ Quốc) - Nấm sữa Kefir còn gọi là nấm sữa Tây Tạng, men Kefir, hạt Kefir,... Chúng có vẻ ngoài như những hạt hoa súp lơ tách nhỏ, mềm ngậy và trắng muốt, có tác dụng "kỳ diệu" với sức khỏe. Nấm sữa Kefir có thể nuôi tại nhà bằng công thức rất đơn giản.
Nấm sữa Kefir là gì? Tác dụng của nấm Kefir với sức khỏe?
Nấm sữa Kefir là một thức uống lên men, thường được làm bằng sữa bò hoặc sữa dê. Chúng được nuôi bằng cách cho hạt Kefir vào sữa. Hạt Kefir là các khuẩn lạc giống như hạt của nấm men. Chúng là một nguồn giàu canxi, protein và vitamin B.
Nấm sữa Kefir được biết đến là có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Chúng là một loại lợi khuẩn mạnh hơn cả sữa chua. Sữa chua vốn là thực phẩm chứa probiotic nổi tiếng nhưng Kefir thực sự mạnh mẽ hơn nhiều.
Nấm sữa Kefir được yêu thích vì nhiều tác dụng, chẳng hạn như cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân, bảo vệ xương, kháng viêm cực tốt.
Nấm sữa Kefir có thể tự nuôi tại nhà mà không cần phải mua ngoài tiệm. Chỉ cần bạn ghi nhớ một vài lưu ý cần thiết để đảm bảo chất lượng nấm sữa là được. Ví dụ như chỉ dùng dụng cụ thủy tinh hoặc nhựa, không dùng inox hay kim loại bởi chúng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nấm sữa.
Cách nuôi nấm Kefir đơn giản tại nhà
Để nuôi được nấm sữa Kefir ngon, sữa nấm đặc thơm và ngậy, đặc biệt là không quá chua và bị mùi ga thì cần lượng nấm cái phù hợp với lượng sữa.
Nguyên liệu làm nấm Kefir cần: 5g nấm cái Kefir, 500ml sữa tươi không đường, lọ thủy tinh trụng sạch, rây lọc, vải lọc, thìa nhựa hoặc gỗ.
Bước 1: Cho nước đun sôi để nguội vào cùng nấm cái. Lọc qua rây được phần nấm Kefir sẽ nở ra. Công đoạn này dành cho nấm cái, nếu bạn đã có sẵn nấm Kefir trong hũ thì có thể lấy một phần ra lọc để nhân giống cũng được.
Bước 2: Cho nấm sữa Kefir vào lọ thủy tinh một cách nhẹ nhàng để không bị nát.
Rót sữa vào lọ nấm men.
Dùng vải xô trắng phủ kín miệng lọ và đặt ở nơi thoáng mát tối thiểu 1 ngày.
Sau khoảng 30-48 giờ, bạn sẽ thấy phần sữa đặc lại và ngửi có mùi thơm ngậy, chua dịu là sữa chua Kefir đã thành công. Khi ấy, các hạt sữa căng ra, và có thể dùng các nấm sữa để nhân giống thêm nhiều mẻ mới.
Khi lượng nấm con sinh sản nhiều, cần thêm lượng sữa hoặc tách các nấm sữa ra để lưu trữ. Nếu không sữa sẽ bị chua nhiều và tách nước.
Trong quá trình lên men sữa Kefir cũng có trường hợp bị tách nước là do men ít mà sữa nhiều hơn. Bởi vậy, có thể khắc phục bằng cách cho ít sữa lại và khuấy đều con nấm.
Ngoài ra, sau mỗi lần lọc không cần rửa qua con nấm. Nhờ đó, quá trình lên men của mẻ sau có thể diễn ra nhanh hơn, tránh bị tách nước.
Thành phẩm sau khi nuôi thành công là màu trắng muốt thơm ngậy, các hạt nấm căng mẩy như bông súp lơ tách nhỏ.
Chúc bạn nuôi nấm sữa Kefir tại nhà thành công!
Kỳ Vân Dương