(Tổ Quốc) - Sau khi thăm khám, các bác sĩ ngạc nhiên khi thấy bên trong tai cậu bé xuất hiện rất nhiều nấm mốc, mọc dày đặc như "một khu rừng", chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh nấm ống tai.
Nấm mốc lan kín tai một cậu bé 10 tuổi vì 2 thói quen tai hại
Theo trang ETToday đưa tin từ bệnh viện Phụ nữ và trẻ em Shunyi ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, gần đây họ tiếp nhận trường hợp của một bé trai 10 tuổi, được mẹ đưa đến thăm khám với triệu chứng đau tai, tai nghe không rõ và bị ngứa.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ ngạc nhiên khi thấy bên trong tai cậu bé xuất hiện rất nhiều nấm mốc, mọc dày đặc như "một khu rừng", chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh nấm ống tai.
Theo bác sĩ Wu Yuhua, Trưởng Khoa Tai - mũi - họng thuộc Bệnh viện Shunyi, nguyên nhân dẫn đến việc nấm mốc sinh sôi phát triển trong tai cậu bé xuất phát từ 2 thói quen xấu của cậu đó là thường xuyên ngoáy tai và đeo tai nghe.
Sở thích đeo tai nghe loại nhét tai trong thời gian dài của cậu bé khiến tai không được thông khí và gây tích tụ độ ẩm, cuối cùng tạo điều kiện để nấm mốc phát triển. Ngoài ra, việc ngoáy tai làm tổn thương niêm mạc nên càng làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Làm sao để phát hiện con đã bị nấm ống tai?
Bác sĩ Wu Yuhua cho biết thêm rằng, bệnh nấm ống tai có thể được điều trị khỏi trong 3 tuần. Sau thời gian điều trị, hi vọng các triệu chứng khó chịu của cậu bé có thể sẽ biến mất hoàn toàn và thính giác sẽ hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cảnh báo hầu hết các bệnh liên quan đến nấm đều dễ tái phát vì vậy mọi người cần cẩn trọng để có thể phòng ngừa.
Theo các bác sĩ, bệnh nấm ống tai càng phát triển càng gây ngứa, tạo cảm giác ướt ở trong tai và tạo màng vảy trong ống tai. Những màng vảy này xuất hiện là do lớp biểu bì ống tai ngoài bong tróc ra kết hợp với vi nấm mà tạo thành. Nếu mảng vảy đó làm bít tắc ống tai ngoài hoặc bám vào màng nhĩ thì sẽ gây nên triệu chứng giảm thính lực và ù tai. Cần phải nhanh chóng lấy đi nếu không thì những mảng vảy này sẽ tích tụ ngày một nhiều hơn, phủ kín chu vi của ống tai, khi đó nó sẽ có dạng hình ống bám chặt vào da ống tai, nếu bệnh nhân cố tình bóc nó ra có thể gây chảy máu.
Một số bệnh nhân nhi bị nấm phát triển bịt kín ống tai ngoài và gây ra hiện tượng ù tai, nghe kém một bên (với các trẻ lớn) hay với các trẻ nhỏ là biểu hiện nghiêng đầu phía tai lành về nơi phát âm (để nghe cho rõ). Phụ huynh thấy con có những biểu hiện lạ trong tai cần nhanh chóng đưa con đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám bệnh và điều trị.
Theo các bác sĩ, thói quen ngoáy tai hoặc đeo tai nghe thường xuyên mà không chịu vệ sinh thật sự rất nguy hại bởi có thể tạo điều kiện để nấm nhiễm vào da ống tai. Khi bị nhiễm nấm thì phải điều trị sớm và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh tái phát.
ĐỖ ĐỖ