(Tổ Quốc) - Lúc nào dùng mắm, khi nào thêm muối hay nêm đường,... bạn có chắc là mình đã biết chưa?
Bỗng dưng vào một ngày mùa đông nắng đẹp như hôm nay, cư dân mạng lại sục sôi tranh luận về chuyện đồ ăn Việt ngon hay không ngon, các loại gia vị Việt tốt hay không tốt. Nhận xét về hương vị thì còn có thể đổ tại "khẩu vị của tôi khác khẩu vị của ông", chứ riêng chuyện tốt hay không thì chắc chắn không cần bàn luận nha!
Gia vị không sai, chỉ có người nấu nêm nếm sai khiến món ăn kém ngon và kém phần "healthy" thôi. Chính vì thế, chị em và cả các anh em nhất định phải nằm lòng 5 lưu ý này khi sử dụng gia vị trong lúc nấu ăn.
Muối: Không nên dùng để ướp nguyên liệu cho món kho và món chiên
Muối là loại nguyên liệu quen thuộc và thường xuyên được sử dụng nhất, dù là trong khâu sơ chế hay khi nấu nướng. Và đây là 3 lưu ý đặc biệt quan trọng khi dùng muối:
- Không ướp muối vào thực phẩm trước khi chế biến những món kho, chiên để không giảm độ ngọt của thực phẩm, đặc biệt là thịt, cá.
- Khi nấu canh, nên nấu một thời gian để chất ngọt từ thực phẩm như thịt, cá tiết ra hết rồi mới nêm muối vào.
- Khi luộc, sau khi nước sôi, cho muối vào một lát rồi mới cho rau củ, thịt vào để luộc. Như vậy thực phẩm sẽ không bị thâm đen.
Giấm: Nên dùng khi luộc rau
Chắc hẳn chúng ta đều biết: Giấm là loại gia vị giúp khử mùi và tăng hương vị cho món ăn, đặc biệt là các loại nước chấm. Nhưng đây mới là sự thật khiến nhiều người ngạc nhiên: Rưới 1-2 thìa cà phê giấm vào rau sau xào hoặc luộc có thể làm giảm sự hao hụt vitamin C trong rau, thúc đẩy sự hòa tan các khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt… và nâng cao hiệu quả hấp thụ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Đường: Chỉ nên ướp/nêm lúc thực phẩm chưa chín hoàn toàn
Nếu dùng đường để tẩm ướp, chế biến các món mặn, nhất định phải nhớ 4 gạch dầu dòng sau:
- Với những món cần nước sốt: Hòa tan đường vào trong nước sốt, khi món ăn gần chín sẽ đổ vào.
- Với món kho, bạn nên ướp nguyên liệu với đường trước khi nấu.
- Với món canh hoặc món xào, nêm đường vào sau khi nêm muối để giữ được vị ngọt của thực phẩm.
- Để món ăn không quá ngọt, tránh nêm đường trực tiếp vào món ăn lúc gần chín.
Hạt tiêu: Nên nêm sau khi đã tắt bếp
Hạt tiêu không chỉ là gia vị tạo mùi thơm cho các món ăn, mà còn được biết đến như một vị thuốc có tác dụng ngừa ung thư, chữa cảm lạnh và hỗ trợ giảm cân hiệu quả… Tuy nhiên, hạt tiêu nấu ở nhiệt độ cao sẽ mất mùi thơm đặc trưng và cả các chất dinh dưỡng.
Tốt nhất, bạn chỉ nên rắc hạt tiêu khi thức ăn đã chín. Ngoài ra, trong hạt tiêu có một lượng dầu rất nhỏ để giữ hương thơm. Tiêu xay sẵn tiện lợi thật đó nhưng sẽ bị mất mùi nhanh chóng. Do đó, các bà nội trợ muốn giữ hạt tiêu dùng lâu dài nên để nguyên hạt, cất nơi khô thoáng. Khi cần dùng mới lấy hạt tiêu ra xay nhuyễn. Như vậy, sẽ đảm bảo thơm ngon.
Nước tương/nước mắm: Nêm vào món ăn ngay trước khi tắt bếp
Nước tương và nước mắm sẽ làm mất hương vị tự nhiên và chất dinh dưỡng vốn có của các nguyên liệu khác nếu bạn nêm chúng ngay từ khi mới bật bếp.
Cách tốt nhất để sử dụng 2 gia vị này là cho vào món ăn ngay trước khi tắt bếp. Cách làm này sẽ giúp chúng ta bảo toàn chất đạm có trong nước mắm và các chất dinh dưỡng trong món ăn.
Trên đây là 5 lưu ý khi sử dụng 5 loại gia vị phổ biến gồm: Muối, giấm, hạt tiêu, đường và nước tương/nước mắm. Chỉ cần nằm lòng 5 lưu ý này thì đảm bảo món ăn nào cũng sẽ vừa miệng và không gây hại.
Đấy, gia vị không có lỗi, lỗi là do chúng ta chưa biết cách sử dụng đúng thôi, nhớ nha!
M. Trang